Trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 110 phương tiện vận chuyển chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ hoạt động trên địa bàn; trong đó có 51 xe vận chuyển xăng dầu, 45 xe vận chuyển khí gas hóa lỏng, 10 xe vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp và 4 xe vận chuyển các chất khí dễ cháy khác.
Theo thống kê của Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an tỉnh, trong 6 tháng đầu năm 2015, đơn vị đã tổ chức các đợt kiểm tra về tình trạng chấp hành pháp luật về PCCC đối với các phương tiện vận chuyển chất, hàng nguy hiểm về cháy nổ trên toàn tỉnh; qua kiểm tra, đã phát hiện 12 xe ô tô vận chuyển xăng dầu, khí hóa lỏng LPG vi phạm, đã xử phạt gần 50 triệu đồng. Trong đó lỗi vi phạm phổ biến nhất là không có giấy phép vận chuyển chất hàng nguy hiểm về cháy nổ của cơ quan có thẩm quyền, tình trạng thùng xe thiết kế không đảm bảo an toàn, xe không có biển báo, biểu trưng nguy hiểm về cháy nổ, thiết kế tiếp địa của xe không đảm bảo…Đây là một trong những nguyên nhân gây mất an toàn trong quá trình vận chuyển, bốc xếp, xuất nhập xăng dầu, khí hóa lỏng LPG và có thể dẫn đến nguy cơ phát sinh về cháy, nổ.
Để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện vận chuyển chất, hàng nguy hiểm cháy, nổ, các doanh nghiệp, chủ phương tiện và người điều khiển phương tiện cần chấp hành tốt các quy định sau: Phương tiện vận chuyển chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ phải là phương tiện chạy bằng động cơ đốt trong hoặc động cơ phòng nổ và phải được cách ly với khoang chứa hàng bằng vật liệu không cháy; ống xả của động cơ phải được đặt ở vị trí kín hoặc được che chắn. Thường xuyên kiểm tra tình trạng kỹ thuật của xe, nhất là đối với hệ thống điện trên xe và hệ thống tiếp địa của xe; khoang chứa chất hàng nguy hiểm cháy, nổ phải được thiết kế đặc biệt, chống ma sát, chống ánh nắng chiếu trực tiếp vào hàng hóa. Trang bị đầy đủ phương tiện trên xe để kịp thời xử lý các tình huống xảy ra; người điều khiển, người phục vụ trên phương tiện phải được huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy.
Khắc Quân/ CAHT