Vụ trưởng Vụ Quy hoạch – Kiến trúc Trần Thị Thu Hằng chủ trì Hội nghị thẩm định. |
Đại diện Viện Quy hoạch và Kiến trúc đô thị (Trường Đại học Xây dựng), đơn vị tư vấn cho biết: KKT cửa khẩu quốc tế Cầu Treo có tổng diện tích tự nhiên 56.685ha, gồm 4 đơn vị hành chính là xã Sơn Kim I, xã Sơn Kim II, xã Sơn Tây và thị trấn Tây Sơn, thuộc huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh.
Diện tích nghiên cứu lập điều chỉnh QHCXD khoảng 23.400ha, là khu vực trung tâm KKT, trải dài theo hướng Đông – Tây và trải dài theo sông Ngàn Phố. Trong đó, không gian quy hoạch xây dựng phát triển KKT có tổng diện tích đất 12.500ha.
KKT giáp xã Sơn Hồng, huyện Hương Sơn ở phía Bắc; giáp huyện Vũ Quang ở phía Nam; giáp xã Sơn Lĩnh và xã Quang Diệm, huyện Hương Sơn ở phía Đông và giáp tỉnh Bôlykhămxay, Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào ở phía Tây.
Mục tiêu điều chỉnh QHCXD KKT cửa khẩu quốc tế Cầu Treo là nhằm tạo điều kiện để phát huy các tiềm năng tổng hợp và phát triển KKT năng động, hiệu quả, có bản sắc, có tầm cỡ quốc tế và phù hợp với các điều kiện của bối cảnh phát triển mới.
Nhiệm vụ đồng thời đặt ra cho đồ án QHCXD KKT là định hướng phát triển kiến trúc cảnh quan, đảm bảo phù hợp trong giai đoạn trước mắt, bền vững trong tương lai lâu dài; Cụ thể hoá chủ trương của Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung bộ.
Quy hoạch khai thác, sử dụng có hiệu quả đất đại và hệ thống hạ tầng cơ sở hiện có, tận dụng các lợi thế sẵn có về giao thông, cảnh quan và quỹ đất xây dựng, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý và chính trị để phát triển KKT cửa khẩu quốc tế Cầu Treo.
Quy hoạch tạo khả năng liên kết chặt chẽ, thuận lợi giữa các khu chức năng bên trong cũng như giữa KKT Cầu Treo với các KKT khác của tỉnh Hà Tĩnh và khu vực Miền Trung.
Quy hoạch được duyệt sẽ làm cơ sở pháp lý để quản lý xây dựng, triển khai các quy hoạch chi tiết và các dự án đầu tư trong KKT.
Trưởng ban Quản lý KKT Hà Tĩnh ông Lê Trung Phước tiếp thu các ý kiến đóng góp của các thành viên Hội đồng thẩm định. |
Theo đơn vị tư vấn, KKT cửa khẩu quốc tế Cầu Treo sau điều chỉnh QHCXD có tính chất khu là KKT tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực, bao gồm công nghiệp - thương mại - dịch vụ du lịch - đô thị và nông lâm nghiệp; Là cửa ngõ giao thương quốc tế và đầu mối giao thông quan trọng trong nước và quốc tế trên hành lang kinh tế Đông Tây và là khu vực có vị trí quan trọng về an ninh quốc phòng.
Dự báo, quy mô dân số hoạch đến năm 2040 của khu vực là 50.000 người; tổng diện tích đất xây dựng các khu chức năng khoảng 2.500ha.
Đề cương nhiệm vụ điều chỉnh QHCXD đề cập đến các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật chính; các nguyên tắc về tổ chức không gian, kiến trúc, kết nối hạ tầng kỹ thuật và các yêu cầu chính về nội dung nghiên cứu…
Tại Hội nghị, các thành viên hội đồng là đại diện các bộ, ngành, hội nghề nghiệp, các đơn vị trực thuộc Bộ Xây dựng đã đóng góp ý kiến cho nhiệm vụ điều chỉnh QHCXD KKT cửa khẩu quốc tế Cầu Treo.
Theo đó, đề cương nhiệm vụ được nghiên cứu kỹ, bài bản. Cấu trúc, nội dung chính của đề cương nhiệm vụ đạt yêu cầu. Trước đó, tư vấn và địa phương đã nghiêm túc giải trình, tiếp thu ý kiến đóng góp của các bộ, ngành cho đề cương nhiệm vụ điều chỉnh QHCXD KKT…
Toàn cảnh Hội nghị thẩm định. |
Các thành viên hội đồng thẩm định cho rằng trong giai đoạn triển khai nghiên cứu QHCXD KKT tiếp theo, tư vấn và địa phương cần chú trọng thêm một số nội dung như cập nhật yếu tố liên kết vùng, nhất là mạng lưới giao thông trong khu vực…
Cùng với phát triển công nghiệp, thương mại, QHCXD điều chỉnh và làm rõ điểm bố trí dân cư, tổ chức sản xuất nông, lâm nghiệp, phát triển dịch vụ, du lịch; làm rõ ảnh hưởng vườn quốc gia Vũ Quang đến KKT Cầu Treo. Tư vấn phối hợp với các đơn vị quốc phòng trên đia bàn để thống nhất và đề xuất phương án sử dụng đất cho phù hợp với yêu cầu thực tế.
Đặc biệt, đồ án cần xác định rõ điểm mạnh của KKT cửa khẩu quốc tế Cầu Treo trong mối quan hệ tổng thể hệ thống KKT, KCN trong tỉnh Hà Tĩnh, trong vùng lân cận; xác định rõ động lực phát triển của KKT Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo và đề xuất ngành Kinh tế chủ đạo cần đầu tư vào KKT.
QHCXD KKT cần phân tích đánh giá kỹ lưỡng hiện trạng, trên cơ sở đó kiến nghị điều chỉnh sử dụng đất và các khu chức năng cho phù hợp, cũng như làm rõ các luận cứ trong việc định hướng phát triển kiến trúc, phát triển hạ tầng kỹ thuật trong khu vực…
Các thành viên hội đồng cũng đề nghị QHCXD cần làm rõ so với quy hoạch được phê duyệt năm 2010, quy hoạch lần này giữ nguyên khu vực nào, điều chỉnh, bổ sung khu vực nào và bổ sung thuyết minh tài chính cho đồ án…
Tại Hội nghị, lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Tĩnh và Ban quản lý KKT Hà Tĩnh đã tiếp thu đầy đủ các ý kiến đóng góp của thành viên hội đồng thẩm định và sẽ lưu ý các nội dung trên trong giai đoạn nghiên cứu tiếp theo của đồ án QHCXD.
Phát biểu tổng kết hội nghị, Chủ tịch Hội đồng thẩm định, Vụ trưởng Vụ Quy hoạch - kiến trúc Trần Thị Thu Hằng nhấn mạnh: Hà Tĩnh phải xác định rõ động lực chính phát triển của KKT, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hà Tĩnh và định hướng chiến lược được đề cập trong quy hoạch tỉnh.
Nhiệm vụ điều chỉnh QHCXD phải đặt ra các nội dung cụ thể cho giai đoạn nghiên cứu tiếp theo như định hướng phát triển hạ tầng kỹ thuật, nhất là hạ tầng giao thông liên vùng; định hướng phát triển kiến trúc; xác định rõ các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật… Trong đó, lưu ý việc bảo vệ môi trường, bảo tồn rừng đặc dụng, yếu tố an ninh quốc phòng…
Điều chỉnh QHCXD làm rõ mối quan hệ của KKT cửa khẩu quốc tế Cầu Treo trong hành lang kinh tế Đông Tây và các khu vực kinh tế lân cận, từ đó nhấn mạnh tính chất đặc thù, sự khác biệt của KKT cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, tạo nên sức hút đầu tư cho KKT.
Hà Tĩnh cần bố trí kinh phí để tổ chức thực hiện nghiên cứu đồ án điều chỉnh QHCXD KKT bài bản, kỹ lưỡng…
Sau cùng, Vụ trưởng đề nghị đơn vị tư vấn và địa phương tiếp thu các ý kiến đóng góp của các thành viên Hội đồng, hoàn hiện đề cương nhiệm vụ để Hội đồng thẩm định thông qua, sớm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Tác giả: Quý Anh
Nguồn tin: Báo Xây Dựng