Cần Giúp Đỡ

Can Lộc: Nỗi bất công của một nữ dân công hỏa tuyến

Chế độ đãi ngộ chính sách như thương binh cho TNXP, dân công hỏa tuyến sau chiến tranh được Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm. Nhưng tại Hà Tĩnh hiện còn rất nhiều hồ sơ bị “lọt sàng” một cách đáng tiếc.

Quá trình tìm gặp nhiều cựu thanh niên xung phong (TNXP), dân công hỏa tuyến, chúng tôi không khỏi chạnh lòng trước một sự thật đau lòng: Rất nhiều trường hợp xứng đáng được tri ân đến nay vẫn không nhận được chính sách hỗ trợ. Nhiều người héo mòn chờ đợi công lý. Nhiều người đã ra đi khi hành trình đòi công lý còn dang dở.
Bất công không chỉ khiến các cựu TNXP, dân công hỏa tuyến đau lòng, mà con cháu, người thân của họ cũng chịu vô số hệ lụy trong quá trình đi tìm công lý.
Câu chuyện về cựu dân công hỏa tuyến Võ Thị Xuân, SN 1946, xóm Phú Thọ, xã Thượng Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh – bị bom đạn địch gây thương tích, được cấp dưới vẫn còn sống làm chứng, hồ sơ giải quyết chế độ được đầy đủ các cấp chính quyền chứng nhận, nhưng đến nay vẫn chưa một lần được hưởng chế độ chính sách – chỉ là một trong vô số sự thật đau lòng về các cựu dân công hỏa tuyến ở Hà Tĩnh bị tước đi quyền lợi chính đáng mà chúng tôi ghi chép lại.
….
Năm 1968, khi mới bước qua tuổi đôi mươi, độ tuổi đẹp nhất của thời con gái, cô gái Võ Thị Xuân cùng nhiều đoàn viên khác trong xã Thượng Lộc gia nhập lực lượng dân công hỏa tuyến tải đạn, lấp đường phục vụ bộ đội. Đơn vị dân công hỏa tuyến ấy là một tiểu đoàn thuộc Đại đội C3D5 làm nhiệm vụ tại mặt trận B5, Quảng Trị. Trong hành trình gian khổ phục vụ chiến trường, nữ đoàn viên Võ Thị Xuân được đơn vị phân công phụ trách Tiểu đội trưởng, còn ông Lê Văn Túc, trú tại xã Thanh Lộc (cùng huyện Can Lộc) giữ chức vụ Đại trưởng.

Nỗi bất công của một nữ dân công hỏa tuyến
 Bà Võ Thị Xuân không tiếc tuổi thanh xuân tham gia dân công hỏa tuyến tại chiến trường Quảng Trị. Cuộc chiến ác liệt khiến bà bị thương, bị bệnh tật hành hạ thường xuyên.
Tháng 3/1968, cùng đơn vị C3D5 hành quân vào chiến trường Quảng Trị, tiểu đội của Võ Thị Xuân được bố trí hoạt động, làm nhiệm vụ tải đạn, lấp đường ở địa bàn xã Vĩnh Chấp, huyện Vĩnh Linh. Nhiệm vụ của của Võ Thị Xuân và đồng đội là vô cùng quan trọng, vừa đảm bảo lưu thông đạn dược cho bộ đội ta ở tuyến đầu, vừa thông đường cho xe cộ, bộ đội di chuyển phục vụ tác chiến.

Sáng ngày 27/7/1968 đang trên đường đi tải đạn, cả tiểu đội của Võ Thị Xuân bị máy bay địch địch ném bom dữ dội. Dù đã tìm cách ẩn nấp, nhưng bom đạn của kẻ thù vẫn gây rất nhiều thương tích cho tiểu đội của Võ Thị Xuân.
Trịnh Thị Tâm – đồng đội cũng là người bạn thân từ thủa nhỏ của Võ Thị Xuân – bị mảnh đạn cắt ngang chân, chịu thương tật suốt đời. Riêng Võ Thị Xuân bị đa chấn thương ở đầu, tay phải, vai trái và cả xương sống.
Sau đợt oanh tạc của máy bay địch, vì vết thương nặng hơn Trịnh Thị Tâm được chuyển ra Bắc cứu chữa, còn Võ Thị Xuân được đơn vị chuyển về Bệnh viện 43 (Quảng Trị) điều trị vết thương. Sau nhiều tháng điều trị, an dưỡng ở bệnh viện này, Võ Thị Xuân đã được đơn vị cho trở về quê.
Trở về từ chiến trường, như bao cựu dân công hỏa tuyến khác, bà Võ Thị Xuân lại tích cực hăng say các hoạt động xã hội, tăng gia sản xuất xây dựng quê hương. Hoạt động nào người cựu dân công hỏa tuyến này cũng hoàn thành xuất sắc. Ít năm sau bà Xuân xây dựng gia đình.
Đường tình duyên của bà Xuân không được thuận buồm xuôi gió với 2 đời chồng nghiệt ngã. Sau khi sinh đứa con trai đầu lòng, người chồng đầu của bà Xuân đã bỏ bà, đi theo một người phụ nữ khác. Khốn khổ, tủi nhục, bà Xuân phải dắt díu con trai về ở với người cha già ốm yếu. Ít năm sau bà Xuân lại đi thêm bước nữa, lần này là với một người đàn ông cùng xóm.
Cũng như lần kết hôn trước đó, dù đã có thêm một người con gái, nhưng cuộc sống của gia đình bà chẳng khá hơn. Hôn nhân lại đứt gánh giữa đường, một lần nữa bà lại phải dắt díu hai con về tá túc với ngoại.
Không lương thưởng, chế độ chính sách, bệnh tật do di chứng chiến tranh đã khiến cuộc sống của bà Xuân thêm khốn đốn. Gần 30 năm năm ròng người cựu dân công hỏa tuyến này đã nếm đủ đắng cay, trải qua bao sóng gió, tủi nhục để nuôi nấng hai đứa con khôn lớn.
Như bao cựu TNXP, dân công hỏa tuyến khác, những cựu dân công hỏa tuyến như bà Xuân đã trông đợi rất nhiều vào Pháp lệnh Ưu đãi người tham gia hoạt động cách mạng mà Đảng và Nhà nước đã và đang triển khai theo Nghị định số 28CP/29/4/1995 “Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Ưu đãi người hoạt động cách mạng, liệt sỹ và gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến, người có công giúp đỡ cách mạng”.
Nghị định này đã giúp hàng ngàn thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trên cả nước, trong đó có những đồng đội trực tiếp của bà Xuân như Đại trưởng Lê Văn Túc (SN 1932, trú tại xã Thanh Lộc) và 3 đồng đội khác cùng trú tại xã Thượng Lộc là Võ Thị Tâm (SN 1950), Đặng Thị Trinh (SN 1947), Phan Thị Nhường (SN1949), Trần Thị Chắt (SN 1947) được hưởng chế độ chính sách như thương binh.
Nhưng với bà Xuân, một cựu dân công hỏa tuyến tỷ lệ thương tích vĩnh viễn 22%, được đồng đội chứng nhận, được các cấp chính quyền xác nhận, đề nghị, quyền lợi có ý nghĩa rất lớn về tinh thần ấy đến nay vẫn quá xa vời.

Hơn chục năm ròng đi tìm công lý, nhưng sự vòng vo, vô số thủ tục rườm rà, cứng nhắc đã khiến bà và con trai phải trải qua những tháng năm khốn khổ, tủi hờn.
(Còn nữa)

Văn Dũng

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP