Về xóm Đông Nam, hỏi thăm gia đình anh Nguyễn Văn Tình ai cũng biết hoàn cảnh éo le của 4 con người: “Khổ thân cho hai cháu, còn nhỏ mà đã mất đi tình thương, chăm sóc của người mẹ.
Bây giờ hai chị em phải bấu víu vô người cha tàn tật và bà nội đã già cả, sống nay chết mai.
Nhà nghèo, chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng nên làm lụng vất vả quanh năm cũng chỉ đủ được hạt gạo cho bà cháu, cha con ăn qua ngày.
Giờ đây bà đã gần 70 tuổi, thân bà còn lo chẳng nổi nói chi đến lo cho các cháu cơm no, áo ấm đến chuyện học hành sau này.” Cụ Đường, một người dân ở cùng xóm thở dài chia sẻ.
Được sự dẫn đường của cụ Đường, chúng tôi tìm đến nhà anh Tình. Căn nhà cấp 4 bé tí, sập sệ ẩm thấp, khói nhang vẫn bay nghi ngút trên bàn thờ chị Nguyễn Thị Chín (38 tuổi), mẹ của 2 đứa trẻ tội nghiệp.
Ngồi buồn tủi trước hiên nhà, khuôn mặt khắc khổ, già nua bà Đường Thị Lan rưng rưng nước mắt, nói: “Không biết thế nào mà tai họa lại đổ lên 2 đứa cháu tội nghiệp. Hết cha tàn tật, rồi lại mẹ mất, giờ thân tôi còn lo chưa xong sao lo cho các cháu nổi cái ăn, cái mặc, học hành. Rồi mai kia tôi chết cha con chúng nó biết làm sao.”
Trò chuyện với bà Lan, được biết, anh Tình bị tàn tật từ lúc 2 tuổi do di chứng bại não để lại. Trước khi đến với chị Chín, mẹ của hai đứa bé, anh Tình đã có một người vợ khác nhưng sinh con chưa đầy một tháng thì hai mẹ con họ ôm nhau về nhà ngoại.
Sau mấy năm trời sống buồn tủi, số phận cũng mỉm cười khi anh Tình gặp chị Chín.
Trong sự yêu thương họ có với nhau 2 đứa con là cháu Nguyễn Thị Thanh Tâm (sinh năm 2010) và cháu Nguyễn Văn Đồng (sinh năm 2012). Nhưng hạnh phúc chỉ mới vẻn vẹn mấy năm, tai họa đã ập đến gia đình anh.
Năm 2013, chị Chín ngã bệnh, đi khám bác sĩ mới biết là ung thư giai đoạn cuối. Gia đình phải đi vay mượn khắp nơi để chạy chữa cho chị với hy vọng “còn nước còn tát”. Nhưng hoàn cảnh khó khăn, anh Tình lại tàn tật, ngay cả chén cơm cũng không cầm nổi thì kiếm đâu ra tiền cho vợ điều trị lâu dài. Cầm cự được một thời gian thì chị Chín cũng bỏ hai đứa con nhỏ và người chồng mà ra đi.
Rồi bất hạnh lại ập đến một lần nữa, mẹ qua đời chưa được 5 tháng, cháu Đồng có triệu chứng kinh giản. Gia đình cũng đưa cháu đến bệnh viện chữa trị, nhưng chưa được bao lâu phải ôm cháu về nhà. Thương cháu, nhưng tiền chẳng có, lấy đâu ra mà chạy chữa lâu dài.
Từ đây, bà Lan càng thêm vất vả hơn, vừa phải chăm sóc con trai tàn tật, vừa phải lo cái ăn, cái học cho hai đứa cháu để chúng không phải “đứt gánh” giữa chừng. “
Giờ mọi việc đều phải đổ lên thân già này thôi. Tuổi bà đã cao, sống chết lúc nào cũng được, chỉ nghĩ thương cha con chúng nó không biết nương nhờ vào ai. Rồi còn phải gánh cả cục nợ mà tôi chưa thể trả, rồi việc học hành của hai đứa cháu sẽ ra sao?”, nói đến đây, bà cụ nghẹn đắng, nước mắt trào ra.
Còn anh Tình không nén được xúc động, tâm sự: “Tôi không còn ước mơ nào khác, chỉ hy vọng có một phép màu nào đó giúp cho tôi lành bệnh, có thể tự phục vụ cho con tôi để chúng nó không phải nghỉ học giữa chừng”, lời nói nghẹn ngào của người đàn ông khắc khổ, ốm yếu ấy khiến chúng tôi không thể cầm lòng.
Nhìn cảnh gia đình anh ai cũng chảy nước mắt, chị Nguyễn Thị Thành, hàng xóm cho biết: “Thấy gia đình anh Tình như vậy chúng tôi ở đây thương lắm, vợ chết, chồng tàn tật, con bị bệnh mà không có tiền chữa trị, bà Lan tuổi đã cao không còn sức mà lo cho các cháu. Nhưng hàng xóm ở đây cũng nghèo khổ nên không giúp được cho gia đình nhiều”.
Ông Nguyễn Xuân Đức, Chủ tịch UBND xã Thường Nga cho biết, hoàn cảnh gia đình anh Tình đáng thương. Chính quyền địa phương hàng năm cũng hỗ trợ, nhưng chỉ động viên được một phần nhỏ về tinh thần cho gia đình.
Huyền Trang