Nhìn người phụ nữ da đen, hốc hác, mặc chiếc áo nhàu nhĩ đã cũ từ lâu đang nằm queo quắp trên chiếc giường tạm bợ mà người anh rể vừa gom góp chắt chiu mua được gỗ đóng tạm, thay thế chiếc giường cũ xập xệ trước đó, không ai có thể cầm lòng.
Bà Xuân được sinh ra trong gia đình có năm chị em gái. Các chị đều lấy chồng xa. Nay họ cũng đã già yếu, có người đã mất, người còn thì cuộc sống cũng khó khăn.
Thời con gái, niềm vui đến với bà không được trọn vẹn khi người chồng vũ phu suốt ngày đánh đập. Quá cùng cực, bà phải chuyển về trong túp lều nhỏ sống một mình 5 năm nay.
Căn phòng nhỏ tuềnh toàng chẳng có gì đáng giá ngoài những bộ quần áo cũ treo ở góc tường và bó củi bà nhặt nhạnh được ở đường làng để dành mùa đông nhen lửa nấu.
Chiếc xô nhỏ ngày trước đựng gạo ăn giờ cũng chẳng còn xíu gạo, vì mấy hôm nay bà ốm, nằm trên giường không đi xin gạo ăn được nữa.
Bác Thư, một người hàng xóm bên cạnh chia sẻ: “O Xuân là khổ nhất cái làng này, mấy bữa nay hàng xóm tụi tôi phải nấu cháo mang qua cho o ấy chứ không có ai chăm sóc cả, không có nguồn thu nhập hay trợ cấp nào cả”.
Thỉnh thoảng cơn thần kinh lại tái phát, đau khớp chân, hen suyễn, bệnh gan và bệnh thận luôn khiến bà đau đớn hơn. Bà muốn đi khám bệnh để theo dõi sức khỏe của mình, nhưng cũng không có tiền.
“Năm 2013, tui được anh rể của chị gái đầu đưa đi khám, mới biết được các bệnh ấy, còn giờ muốn đi khám cũng không có tiền.
Bát cơm bát cháo từng bữa tui cũng nhờ cậy hàng xóm, nhiều bữa tui xách túi đi xin ăn ở làng trên hoặc các xã bên cạnh.
Đến ngày mùa thu hoạch lúa, tui gắng gượng ra đồng đi mót nhặt từng bông lúa sót lại. Nhiều người biết hoàn cảnh của tui, ai thương cho cả bó lúa. Có người không hiểu thì chửi tui, tui chỉ biết khóc”, vừa nói, nước mắt bà lại tuôn trên gương mặt khắc khổ.
Bà Xuân tâm sự về gia cảnh của mình, vừa tủi vừa khóc. Người ta mong ước có những bữa cơm ngon, canh ngọt. Còn ước mơ của người phụ nữ đơn côi này chỉ là có cái quan tài để khi mình nhắm mắt xuôi tay khỏi phải vướng bận đến hàng xóm, các chị em ở xa.
“Là anh rể nhưng tôi tuổi già sức yếu cũng không giúp được gì cho em gái mình, tôi chỉ biết khóc thương cho nó. Xuân nói trong nước mắt với tôi là mong có cái quan tài trước khi chết để đỡ lo vất vả”, ông Đặng Doan, anh rể bà Xuân chia sẻ.
Hàng xóm dù rất thương cảm cũng chẳng giúp đỡ được bà là bao, vì ai cũng khó khăn…
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Đức Tiệm – Phó Chủ tịch UBND xã Tùng Lộc chia sẻ:
“Hoàn cảnh bà Xuân rất khổ, chính quyền địa phương cũng đã có sự thăm hỏi tặng quà dịp lễ Tết, nhưng vì dân ở đây mặt bằng chung còn nghèo nên mong các nhà hảo tâm quan tâm giúp đỡ”.
Mong ước có một chiếc quan tài trước khi chết của người đàn bà khổ cực ấy khiến ai cũng chạnh long suy nghĩ và mong phép nhiệm màu đến với bà.
Mọi sự giúp đỡ xin gửi về Địa chỉ bà Nguyễn Thị Xuân, xóm 3 Tân Quang – Tùng Lộc – Can Lộc – Hà Tĩnh
theo Trí Thức Trẻ