Theo dõi câu chuyện, chúng tôi được biết, nguyên nhân dẫn đến cuộc “gặp mặt” lần này là do mâu thuẫn nhỏ từ 2 học sinh. Nhưng thay vì gặp nhau để giải quyết sự việc một cách nhẹ nhàng, êm thấm thì một trong hai em kêu gọi sự trợ giúp của các “chiến hữu” đang ngồi trên ghế nhà trường, với quyết tâm cho đối phương một bài học.
Không chịu thua kém, cậu học sinh kia đã nhanh chóng tập hợp một số người bạn, đồng thời nhờ thêm vài đàn anh – những đối tượng đã bỏ học để dằn mặt đối thủ. Và cuộc gặp mặt giữa 2 nhóm này là để giải quyết nốt những “ân oán” của vụ ẩu đả diễn ra ít ngày trước đó và cũng là cơ hội để hai bên giảng hòa.
Tuy nhiên, sau màn… rượu trắng “tràn cung mây” và khi đã có ma men tiếp sức, máu yêng hùng trỗi dậy, thay vì giảng hòa như ý định ban đầu, hai nhóm dành cho nhau những lời lẽ thô tục và lao vào ẩu đả. Sự việc chỉ tạm thời lắng xuống khi có một cô bé trong nhóm bước ra can thiệp, lúc ấy, cả hai nhóm mới ngồi xuống “chén tạc, chén thù”. Mâu thuẫn dường như dịu lại, tiếng trống trường vang lên, nhóm học sinh giục nhau uống nhanh chai rượu trắng còn bỏ dở để kịp về lớp học. Nhìn những cô, cậu học trò luôn miệng chửi thề, kẹp 3, kẹp 4 trên xe phân khối lớn tấp vào cổng trường THPT cạnh đó, các thực khách trong quán không khỏi lắc đầu ngao ngán cho cách hành xử của lứa tuổi học đường.
Vẫn biết đó chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh” nhưng lối sống và cách hành xử của một bộ phận học sinh cá biệt đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến suy nghĩ của người dân đối với học sinh thời nay, đặc biệt, khi tình hình phạm tội ở lứa tuổi vị thành niên đang có chiều hướng gia tăng.
Thiết nghĩ, ngoài ý thức trau dồi phẩm chất đạo đức của các em và sự giáo dục, kiểm soát của nhà trường, thì các bậc làm cha, làm mẹ nên dành nhiều thời gian để quản lý, giáo dục con em nhằm tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra.
P.V