Can Lộc

Can Lộc: Hoang tàn đền thờ La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp

La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp là một nhà tư tưởng, nhà thơ, học giả nổi tiếng, là vị quân sư tối cao của Hoàng đế Quang Trung. Thanh thế, công lao, đóng góp của ông được muôn đời ghi nhớ, thế nhưng đền thờ của ông ở xã Kim Lộc (Can Lộc – Hà Tĩnh) ngày nay lại trở nên tiêu điều, xơ xác, hoang tàn.

La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp là một nhà tư tưởng, nhà thơ, học giả nổi tiếng, là vị quân sư tối cao của Hoàng đế Quang Trung. Thanh thế, công lao, đóng góp của ông được muôn đời ghi nhớ, thế nhưng đền thờ của ông ở xã Kim Lộc (Can Lộc – Hà Tĩnh) ngày nay lại trở nên tiêu điều, xơ xác, hoang tàn. Một di tích lịch sử mang tầm quốc gia nhưng lại đang xuống cấp trầm trọng.


Nguyễn Thiếp (sinh năm 1723) vốn có tên húy là Minh, tự là Quang Thiếp, sau đổi là Thiếp. Ngoài ra, ông còn có rất nhiều tên tự hay tên hiệu, hoặc do ông tự đặt, hoặc do người đương thời xưng tặng, chẳng hạn như: Khải Xuyên, Hạnh Am, Điên ẩn, Cuồng ẩn, Lạp Phong cư sĩ, Hầu Lục Niên… Riêng Nguyễn Huệ (tức vua Quang Trung) gọi ông là La Sơn phu tử, là La Sơn tiên sinh. La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp sinh ra trong một gia đình thuộc dòng dõi vọng tộc.

Nguyễn Thiếp lúc thiếu thời đã nổi tiếng văn tài lỗi lạc. Ông thi Hương đỗ giải Nguyên tức thủ khoa trường Nghệ An năm 1743. Ông đậu giải Nguyên năm 21 tuổi, và “nhứt cử thành danh”, nghĩa là chỉ đi thi một khoa là đậu đạt. Rồi đến năm 26 tuổi, ông đi thi Hội một khoa vào tam trường. Năm 1756, ông ra nhậm chức Huấn đạo (giáo quan) ở huyện Lương Sơn (tức phủ Anh Sơn sau này). Làm chức Huấn đạo 6 năm, đến năm 1762, được bổ làm chức Tri Huyện huyện Thanh Chương (tỉnh Nghệ An). Nhưng đến năm 1768, vì đã 46 tuổi, ông xin cáo quan về nhà.

Tuy La Sơn phu tử đã về ở ẩn, nhưng tiếng tăm thì ai ai cũng biết, chấn động đến cả kinh kì, nào Hiệp trấn Bùi Huy Bích tặng thơ, nào chúa Trịnh Sâm mời ra Kinh đô để trọng dụng nhưng ông đều từ chối.

Cuối năm 1788, sau khi lên ngôi Hoàng đế tại núi Bân (Huế), vua Quang Trung (tức Nguyễn Huệ) kéo quân ra Bắc, đến Nghệ An nghỉ binh, nhà vua triệu Nguyễn Thiếp đến hỏi kế sách đánh đuổi quân Thanh xâm lược. Lời tâu của ông rất hợp ý vua. Sau đại thắng vào đầu xuân Kỷ Dậu (1789), vua Quang Trung về đến Nghệ An lại mời Nguyễn Thiếp đến bàn quốc sự.

Năm 1791, vua Quang Trung lại cho mời ông vào Phú Xuân để bàn việc nước. Vì cảm thái độ chân tình ấy, nên lần thứ 3 này ông đã nhận lời. Đến gặp, ông đã dâng lên vua Quang Trung một bản tấu bàn về 3 vấn đề: Một là “Quân đức” – đại ý khuyên vua nên theo đạo Thánh hiền để trị nước; hai là “Dân tâm” – đại ý khuyên vua nên dùng nhân chính để thu phục lòng người và ba là “Học pháp” – đại ý khuyên vua chăm lo việc giáo dục. Tuy là ba, nhưng chúng có quan hệ mật thiết với nhau và đều lấy quan niệm “dân là gốc nước” làm cơ sở.

Cảm kích trước tài năng, đức độ của Nguyễn Thiếp, khi ông mất nhân dân đã lập đền thờ ông ở xã Kim Lộc (Can Lộc, Hà Tĩnh), hằng năm người dân địa phương và vùng lân cận đều về đây để dâng nén hương tưởng nhớ tới danh sĩ. Năm 1994, đền thờ vinh dự được công nhận là Di tích lịch sử quốc gia. Trước đây đền thu hút được rất nhiều du khách thập phương, nhất là giới trí thức khắp cả nước viếng thăm, có nhiều người đã làm câu đối để ca ngợi công lao của Nguyễn Thiếp. Tuy nhiên, với sự phong hóa của thời gian ngôi đền bây giờ giống như một ngôi nhà hoang…

Theo quan sát của chúng tôi, ngôi đền trú ngụ trên một khuôn viên nhỏ hẹp với cỏ cây mọc rậm rạp xung quanh. Cả thượng điện, trung điện, hạ điện đều được xây dựng giản đơn, gạch ở nền nhà và sân đã bật lên lỗ chỗ, tường thì bị rong rêu phủ kín, nứt toác, vôi vữa bong tróc, nhiều chi tiết bằng gỗ thì mục nát, mái ngói thủng dột…

Ông Nguyễn Văn Giai – hậu duệ đích tôn của La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp, người trông coi đền chia sẻ: “Lâu lắm rồi đền không được tu sửa, tôn tạo nên giờ xuống cấp trầm trọng, nương hoang cỏ rậm, mối mọt khắp nơi, nếu không kịp thời sửa chữa thì sẽ sập xuống bất cứ lúc nào. Tôi là tộc trưởng nhưng đồng thời trông coi ở đây, hằng ngày thắp hương cho cụ Nguyễn Thiếp mà tôi thấy lo lắm, nhưng với sức lực của họ chúng tôi thì không thể làm gì được”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Văn Hữu, Phó chủ tịch UBND xã Kim Lộc cho biết: “Từ khi được công nhận là Di tích lịch sử quốc gia đến nay đền chỉ được tôn tạo 1 lần vào năm 1997 và năm 2010 thì xây tường rào, đổ đất phía sau đền. Nhân dân cũng như chính quyền xã đã nhiều lần kiến nghị lên các cơ quan chức năng tôn tạo lại đền nhưng đến nay vẫn chưa có câu trả lời. Địa phương không đủ nguồn lực để xây dựng hay tu sửa, tôn tạo lại, vì vậy rất mong nhận được sự quan tâm giúp đỡ của các doanh nghiệp, cơ quan, đoàn thể”.

Quá khứ là bệ phóng của tương lai, La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp đã có công lao không nhỏ trong việc chống giặc ngoại xâm, xây dựng đất nước, thiết nghĩ, tôn tạo lại ngôi đền để nhân dân tưởng nhớ đến ông là một việc làm khẩn thiết.

HẠNH NGUYÊN

Đại Đoàn Kết

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP