Can Lộc

Can Lộc: Có nhà máy nước sạch 20 tỷ, dân vẫn khát

Được đầu tư trên 20 tỷ đồng nhằm cung cấp nguồn nước sạch cho người dân trong toàn xã, nhưng đến nay Nhà máy nước sạch ở xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, không những chậm tiến độ, mà trong quá trình vận hành chạy thử nghiệm đã bộc lộ một số hạng mục yếu kém.

Đài chứa nước vừa vận hành đã thấm

Vận hành thử… lộ yếu kém
Công trình nhà máy nước sạch ở xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc được đầu tư trên 20 tỷ đồng từ nguồn vốn mục tiêu quốc gia, và một phần kinh phí do người dân tự đối ứng.
Công trình do Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường Hà Tĩnh (thuộc Sở NN&PTNT) làm chủ đầu tư, được khởi công vào cuối năm 2011 và dự kiến đưa vào sử dụng vào cuối năm 2013.
Đơn vị thi công gồm: Công ty CPXD phát triển nhà ở Hà Tĩnh (gói tuyến nước chính và khu xử lí 14,2 tỷ đồng), Công ty CPXDTM Thái Hoàng (gói mạng lưới đường ống giá trị 4,6 tỷ đồng), và UBND xã Thiên Lộc (UBND xã Thiên Lộc thi công phần đào mương đặt ống dẫn nước giá trị 5 tỷ đồng).
Sau hơn một năm tiến hành xây dựng, đến cuối 2013 công trình cơ bản hoàn thành.
Vừa qua, trong quá trình vận hành chạy thử, nhằm đưa nguồn nước về phục vụ người dân thì nhà máy này đã lộ ra rất nhiều vấn đề như: hệ thống ống nước bị vỡ nhiều đoạn, một số nơi ống nước nằm lộ thiên trên mặt đất, ống nước chảy cùng mương nước thải sinh hoạt gây mất vệ sinh…Và điều đáng nói hơn là đài (bể chứa) điều tiết nước bị thấm, phải khắc phục lại.

Để khắc phục sự cố vỡ ống, nhà thầu đã đào cho nhiều đoạn đường trở nên nham nhở.
Ông Võ Minh Cừ, ngụ xóm Trung Thiên bức xúc: “Ngoài tiền của Nhà nước, người dân chúng tôi còn phải đóng góp thêm (hộ ông Cừ đóng 1 triệu đồng), nhưng đến nay nhà máy này chưa đem lại một cái lợi nào hết. Đã thế trong quá trình vận hành chạy thử ống nước đã bị vỡ tứ tung. Khắc phục đi, khắc phục lại nhưng đến nay vẫn vô dụng”.
Hệ thống đường ống chính dẫn nước được thiết kế bằng nhựa BUPVC và HĐPE, chôn sâu dưới lòng đất. Nhưng bằng mắt thường người dân cũng nhận thấy được đường ống dẫn nước đã không đạt chuẩn.Ví như, ống dẫn nước có tiết diện quá nhỏ so với số lượng các hộ dân (1600 hộ), chôn một cách tùy tiện không đúng qui định, ở các co (điểm nối giao nhau) không được dính chặt bằng keo nên dẫn đến rò rỉ nước, ông Cừ cho biết thêm.

Ông Võ Nhân Nông, Bí thư Đảng ủy kiêm chủ tịch HĐND xã Thiên Lộc thừa nhận: Hệ thống ống nước đúng là chưa đảm bảo kỹ thuật, ống nhựa kém chất lượng, thi công không tốt là nguyên nhân dẫn đến đường ống nước bị vỡ.Để đánh giá kỹ thuật, phải là người có chuyên môn đánh giá sẽ chuẩn hơn. Nhưng ở công trình này, bằng mắt thường người dân cũng nhận ra vấn đề rồi.

Ở các múi nối do không đảm bảo kỹ thuật nên mỗi khi có nước mà bắn tung tóe.
Một cán bộ thuộc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường tỉnh Hà Tĩnh cho biết, dự án này trước đây do ông Nguyễn Viết Nhất (nguyên giám đốc trung tâm – PV) điều hành xây dựng. Kkhi sắp hoàn thành, ông Nhất chuyển công tác và giao lại cho ông quản lý.Quá trình kiểm tra, ông thấy chất chất lượng vật tư không có vấn đề gì nhưng tại gói đối ứng do UBND xã Thiên Lộc thi công, hệ thống ống nước, đồng hồ đo nước lẫn vào một số ống nhựa không ghi chỉ số số chất lượng. Trung tâm đã kiểm tra và yêu cầu nhà thầu thay thế khắc phục.

Trăm cực đổ đầu… dân!
Ông Đặng Đình Ký, Xóm trưởng xóm Thiên Hương cho biết, để xây dựng nhà máy nước sạch này, mỗi khẩu phải đóng một năm 100 ngàn đồng. Hai năm nay người dân nộp được hàng trăm triệu đồng về cho xã. Ai không nộp bị tính tiền lãi hàng năm. Nay công trình kém chất lượng, nước sạch không đến được với người dân. Bức xúc, người dân đã phản ánh nhiều nơi, nhưng vẫn không có câu trả lời.
Ghi nhận thực tế của phóng viên cho thấy, hệ thống ống nước chắp vá, nằm trên đường mương nước thải dân sinh, nước phun chảy khắp nơi. Trong quá trình thi công để khắc phục ống nước bị vỡ, nhiều đoạn đường, đơn vị thi công đã đào lên nham nhở, làm mất mỹ quan và gây nguy cơ tai nạn.

Ống dẫn nước bị “ chôn” cùng nước thải sinh hoạt.
“UBND xã thì năng lực đâu mà cho thầu lắp đặt hệ thống đường mương dẫn nước. Các  ông ở trên ấy (trên xã – PV) cứ nhận bừa công trình về rồi bán lại ăn phần %. Còn chúng tôi thì phải bấm bụng nộp tiền. Chất lượng thế này thì ai mà chấp nhận được”, anh Võ Văn Sơn bức xúc nói.
Đước biết, Thiên Lộc là một trong 6 xã trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đã hoàn thành 19/19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới.

Nguồn Lê Thông – Hà Vy/ Tầm Nhìn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP