Xã hội

Cán bộ gây tai nạn bỏ chạy chỉ bị khiển trách: Giễu cợt công lý, đạo đức

Bỏ mặc nạn nhân để tẩu thoát sau khi gây tai nạn, cán bộ có hành vi thiếu đạo đức như vậy mà chỉ bị “khiển trách” thì án kỷ luật này có đang thách thức dư luận?

Gần 3 tháng sau khi ông Trần Hồng Thắng, cán bộ Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Phong Điền (Thừa Thiên - Huế) lái xe công tông bị thương cả gia đình 5 người rồi bỏ mặc họ chạy trốn, án kỷ luật mới được đưa ra.

“Ôi, đùa à?”, tôi nghe ít nhất 2 đồng nghiệp cùng kêu lên như vậy khi đọc tin trên báo rằng ông Thắng chỉ bị kỷ luật “khiển trách” và không được xét các danh hiệu thi đua, khen thưởng vào cuối năm. Quả thật, với hành vi của cán bộ này, mức kỷ luật đưa ra cứ như trò đùa.

Điều làm dư luận phẫn nộ với ông Thắng và theo dõi, chờ đợi quyết định kỷ luật dành cho ông không chỉ là những vi phạm giao thông như vượt xe không đúng quy định, lái xe khi hơi thở có cồn, dù đòi hỏi của người dân đối với cán bộ nhà nước về việc chấp hành pháp luật luôn ở mức cao. Điều khiến câu chuyện về ông vẫn “nóng” trên các diễn đàn sau 3 tháng chính là phản ứng, cách hành xử của ông sau khi tai nạn xảy ra.

Chiếc xe biển xanh mà ông Thắng cầm lái và gây tai nạn.

Hiện trường vụ tai nạn giao thông do ô tô biển xanh gây nên tại Huế.

Cụ thể, vào tối 13/6, sau khi lái ô tô biển xanh tông vào xe máy chạy cùng chiều khiến đôi vợ chồng và 3 con nhỏ bị thương, trong đó một cháu bé gãy chân, ông Trần Hồng Thắng không dừng lại mà tiếp tục lái xe rời khỏi hiện trường. Làm người ai lại làm thế? Đạo đức ở đâu? Chỉ xét đến đạo đức con người nói chung đã không thể chấp nhận chứ chưa nói đến đạo đức công vụ của cán bộ, công chức.

Đi đường vô tình gặp người bị nạn mà bỏ qua không giúp đỡ đã là tội lỗi. Đằng này chính mình gây ra tai nạn, khiến hàng loạt người gặp thương tích đau đớn mà vẫn điềm nhiên bỏ đi thì quả là tàn nhẫn. Chưa kể, gây tai nạn rồi bỏ chạy là biểu hiện của người hèn nhát, trốn tránh trách nhiệm, trốn tránh việc xử lý những hậu quả do chính mình gây ra. Trong khi đó, chưa nói đến đạo đức con người, đối mặt với vấn đề để giải quyết là phẩm chất cần phải có của người cán bộ.

Hành vi của ông Thắng không xứng đáng với vai trò một cán bộ nhà nước, do đó dư luận mong chờ một án kỷ luật tương xứng với hành vi hèn nhát của ông ta. Mức kỷ luật quá nhẹ không thể đem lại hiệu quả này, vì thế nó trở nên khôi hài và giống như sự thách thức dư luận.


Nói về chuyện kỷ luật ông Thắng, Giám đốc Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Phong Điền cho rằng “sự việc là bài học đắt giá cho bản thân ông Thắng và cả đơn vị”. Liệu có thể coi “khiển trách” và không xét thi đua khen thưởng là bài học đắt giá được hay không?

Câu chuyện kỷ luật cán bộ lái xe công đâm người rồi bỏ chạy không chỉ là vấn đề xử lý vi phạm “đúng người đúng tội”, mà còn là vấn đề về công tác quản lý cán bộ. Vị sếp của ông Thắng nói rằng đơn vị sẽ kiểm điểm sâu sắc về công tác này, vậy tại sao không bắt đầu bằng mức kỷ luật hợp lý hơn? Việc kỷ luật nghiêm khắc không nhằm vào cá nhân ông Thắng, mà để làm gương cho những cán bộ khác.

Nhưng án kỷ luật “không đủ gãi ngứa” mà Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Phong Điền đưa ra e rằng sẽ nêu một tấm gương xấu, góp phần làm tái diễn những hành vi đáng xấu hổ tương tự điều ông Trần Hồng Thắng đã làm.

Bạn có đồng tình với quan điểm trên? Hãy chia sẻ ý kiến ở box bình luận bên dưới.

Tác giả: TRẦN HỒNG

Nguồn tin: Báo VTC News

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP