Cẩm Xuyên

Cẩm Xuyên thắng lợi vụ xuân nhờ đột phá trong chuyển đổi cơ cấu mùa vụ

Những ngày này về với huyện lúa Cẩm Xuyên, niềm vui được mùa vẫn còn tràn ngập trên các cánh đồng, lan tỏa đến tận từng thôn xóm.

Niềm vui càng thêm trọn vẹn khi chủ trương xóa bỏ xuân sớm tập trung cho xuân muộn đã được người dân hưởng ứng tích cực và đưa lại hiệu quả thiết thực.


Đột phá trong chuyển đổi cơ cấu


Vụ xuân năm nay, toàn huyện Cẩm Xuyên đưa vào gieo trồng 8.900 ha lúa với các loại giống chủ lực như: VT-NA2, Khang dân 18, HT1… năng suất bình quân đạt 57tạ/ha (tăng 3 tạ/ha), tổng sản lượng lúa ước đạt 51.000 tấn, tăng hơn 5.000 tấn so với vụ xuân năm trước – thời điểm mà trên địa bàn huyện có đến 80% diện tích sản xuất cơ cấu trà xuân sớm.


Kết quả đạt được của vụ lúa xuân năm nay đã thể hiện hướng đi đúng của huyện trong việc chuyển đổi cơ cấu mùa vụ đồng thời khẳng định những ưu thế vượt trội của lúa xuân muộn như: giảm chi phí công lao động, thuốc BVTV, phân bón; lúa phát triển nhanh, ít sâu bệnh và năng suất cao. Đáng chú ý, việc tăng diện tích lúa xuân muộn cũng là biện pháp hữu hiệu để chống hạn trong điều kiện thiếu nước hiện nay.


Qua tính toán, việc gieo cấy lúa xuân muộn của huyện Cẩm Xuyên trong vụ vừa qua đã giảm được chi phí gần 10 tỷ đồng so với vụ trước. Ông Nguyễn Văn Duẩn (thôn Đông Trung, xã Cẩm Bình) phấn khởi cho biết: “Thực hiện chủ trương gieo trồng lúa xuân sớm, không chỉ gia đình tôi mà rất nhiều hộ khác trong xã đều rất vui vì được mùa, sản lượng tăng hơn hẳn so với các vụ trước”.


Theo ông Lê Ngọc Hà – Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Cẩm Xuyên: “Để có được những kết quả này, ngay từ đầu vụ, cấp ủy chính quyền huyện đã vào cuộc một cách quyết liệt nhằm chuyển đổi hơn 5.400ha trà xuân sớm sang trà xuân muộn, xóa bỏ hoàn toàn giống lúa thoái hóa IR1820 để đưa vào gieo trồng các giống lúa ngắn ngày (dưới 120 ngày) có năng suất cao.”


Thành công từ cánh đồng mẫu lớn


Vụ xuân năm nay là vụ đầu tiên bà Võ Thị Lượng (thôn Trung Đoài, xã Cẩm Lạc) tham gia mô hình cánh đồng mẫu của xã với giống lúa chủ lực là VTNA2 trên toàn bộ diện tích 4 sào. Bà chia sẻ: “Đầu vụ lúa xuân năm nay, khi nghe xã có chủ trương phối hợp với Công ty Cổ phần Vật tư Nghệ An xây dựng cánh đồng mẫu 150 ha sản xuất giống lúa VT-NA2 theo quy trình khép kín và bao tiêu sản phẩm sau thu hoạch với giá cao hơn giá thị trường tại thời điểm thu mua 10%, tôi rất hào hứng và đã đăng ký tham gia ngay. Quả thật, chi phí đầu tư giảm mà đến cuối vụ năng suất của ruộng nhà tôi đạt hơn 3 tạ/sào, tổng sản lượng đạt hơn 1,2 tấn, cao hơn nhiều so với những năm trước. Chắc chắn vụ sau tôi lại tiếp tục sản xuất theo mô hình này.”


Với hình thức liên kết sản xuất “4 nhà”, không chỉ gia đình bà Lượng mà còn rất nhiều người dân trên địa bàn huyện Cẩm Xuyên đã bớt được nỗi lo được mùa mất giá, được giá mất mùa.Tính đến nay, huyện Cẩm Xuyên đã xây dựng được 8 cánh đồng mẫu lớn với tổng diện tích hơn 1.500ha, nổi bật như: Cẩm Bình (430ha), Cẩm Nam (200ha), Cẩm Thăng (150ha)…Có thể nói rằng, mô hình cánh đồng mẫu đang giúp huyện Cẩm Xuyên hình thành vùng nguyên liệu lúa hàng hoá chất lượng cao. Song, kết quả đáng ghi nhận hơn hết chính là sự thay đổi trong nhận thức, từ tư duy sản xuất nhỏ lẻ của người nông dân hướng đến nền sản xuất hàng hoá.


Với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền, sự đồng tình. ủng hộ của người dân, thành công của vụ xuân năm nay là tiền đề quan trọng để Cẩm Xuyên tiếp tục gặt hái những mùa vàng bội thu.


Thế Công

Báo Hà Tĩnh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP