Doanh Nghiệp Hà Tĩnh

Cẩm Xuyên: “Bát nháo” bãi tập kết cát không phép ngang nhiên hoạt động

Tồn tại nhiều năm

Một thời gian dài, trên địa bàn huyện Cẩm Xuyên (tỉnh Hà Tĩnh) nhiều hộ gia đình, chủ cơ sở sản xuất đã “hô biến” diện tích nhà ở của mình thành điểm tập kết, kinh doanh cát trái phép. Hoạt động bãi tập kết trái phép đang tiếp tay cho “cát tặc” tiêu thụ dễ dàng, gây ô nhiễm môi trường, ô nhiễm tiếng ồn…

Đi dọc tuyến quốc lộ 1A đoạn qua địa phận huyện Cẩm Xuyên (tỉnh Hà Tĩnh) rất nhiều bãi tập kết cát “lộ thiên”. Dọc tuyến quốc lộ 1A đoạn từ xã Cẩm Hưng đến xã Cẩm Bình có khoảng 5 điểm tập kết cát với đầy đủ máy móc hỗ trợ.

hatinh24h

Nham nhở các điểm tập kết cát

Theo phản ánh của một số người dân, những địa điểm tập kết cát này đã tồn tại hơn 1 năm nay nhưng chưa thấy cơ quan chức năng xử lý.

Ông L.M.N (người dân xã Cẩm Quang) cho biết: “Bụi bặm lắm, ngày nào cũng cả chục xe chạy qua đây lấy cát. Mặc dù được phủ bạt kỹ, nhưng cát vẫn rơi vãi dọc đường” rất nguy hiểm cho người đi đường.

Đa phần các chủ cơ sở kinh doanh cát đều không có mặt tại nơi cung cấp, họ chỉ để lại số điện thoai. Khi khách hàng cần sẽ liên lạc, sau khi thỏa thuận được giá chủ cơ sở mới có mặt để xúc cát cho khách.

Phóng viên liên lạc qua điện thoại với anh Hoa (đại diện công ty cổ phần Hoa Nga), anh Hoa cho biết: “Điểm tập kết cát ở xã cẩm Quang, công ty đang sử dụng được thuê của anh Hòa để làm điểm trung chuyển cát, chưa được cấp giấy phép tập kết bến bãi”.

Không chỉ các điểm tập kết cát nằm “lộ thiên” dọc tuyến quốc lộ 1A, đoạn qua địa phận huyện Cẩm Xuyên, mà ở các xã Cẩm Thạch, Thạch Điền, Cẩm Quan, tổ dân phố 15 Thị trấn Cẩm Xuyên cũng “nham nhở” các điểm tập kết, kinh doanh cát. Những điểm tập kết cát này đều được trang bị máy móc xúc cát hiện đại.

Qua quá tìm tìm hiểu của phóng viên, các điểm tập kết cát này thường tập trung khá nhiều loại cát, đa phần không có giấy tờ xác thực nguồn gốc của cát.

Các bãi cát nằm lộ thiên ngay QL 1A

Anh N.V.T (một lái xe ô tô, mua cát tại cơ sở cung cấp vật liệu xây dựng Đồng Xuân) cho biết, anh mua cát ở đây với giá 30 ngàn đồng/khối.

Điều đáng nói, các điểm tập kết cát này đa phần nằm gần khu dân cư, hàng ngày có hàng chục xe đến mua cát gây ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường, ô nhiễm tiếng ồn…. Đặc biệt, những điểm này thường nằm “lộ thiên” trên đoạn đường chính tiềm tàng nguy cơ mất an toàn giao thông.

Điểm mặt hàng loạt các bãi cát trái phép

Có mặt tại xã Cẩm Thạch, ngay cạnh UBND xã Cẩm Thạch là hai điểm tập kết cát của hộ gia đình anh Lưu Như Bình và Lê Văn Xuyên. Cả hai điểm tập kết cát này đều nằm sát đường dân sinh, mỗi lần xe qua lấy cát gây không ít khó khăn cho người đi đường.

Với điểm tập kết cát của gia đình anh Lưu Như Bình có diện tích khoảng 300m2, cách trường tiểu hộc Cẩm Thạch khoảng 30m vậy nên luôn tiềm tàng nguy hiểm đối với các em học sinh mỗi khi qua tuyến đường này. Ngoài ra, mỗi lần xe đến lấy cát sẽ phát ra tiếng ồn từ động cơ máy gây ảnh hưởng không nhỏ đến vấn đề học tập của các em.

Những bãi cát này còn tồn tại đến bao giờ?

Dọc tuyến quốc lộ 1A, đoạn qua xã Cẩm Quang là điểm tập kết cát của gia đình anh Nguyễn Văn Nhật có diện tích khoảng 350m2, tập trung khá nhiều loại cát như: cát vàng, cát đen, cát xây…, được hỗ trợ bởi một máy xúc cát chuyên nghiệp. Điều đáng nói không những điểm tập kết này nằm “lộ thiên” trên đường quốc lộ 1A, mà còn nằm gần kề trường tiểu học Cẩm Quang bằng mắt thường cũng thấy được điều này ảnh hưởng không nhỏ đến vấn đề học tập của học sinh, trong đó phải kể đến ô nhiễm tiếng ồn mỗi khi có xe đến lấy cát.

Ông N. V. N (một người dân sống gần đó) cho biết: “Cũng bất bình lắm, mỗi ngày có cả trăm chuyến xe ra vào lấy cát, mặc dù được trùm bạt nhưng cát cũng vương vãi khắp đường, nguy hiểm lắm!”.

Cách điểm tập kết cát của gia đình anh Nguyễn Văn Nhật khoảng 100m là điểm tập kết cát của Công ty cổ phần Hoa Nga. Tại đây, cũng có một máy xúc cát chuyên nghiệp cùng nhiều loại cát khác nhau.

Phóng viên tiếp tục tìm đến xã Cẩm Bình, ngay cạnh quốc lộ 1A là điểm tập kết cát của cơ sở cung cấp vật lệu xây dựng Đồng Xuân. Giống các điểm tập kết cát khác, điểm tập kết cát này cũng có một máy xúc chuyên nghiệp và diện tích khá lớn, tập trung các loại cát khác nhau như: cát xây dựng, cát vàng…, ngoài ra còn tập trung cả đá xay.

Cách UBND xã Cẩm Bình khoảng 50m là điểm tập kết cát của cơ sở cung cấp vật liệu xây dựng Dũng Hạnh. Điều đáng nói điểm tập kết này lại nằm giữa khu dân cư đông đúc, đường dân sinh hẹp.

Điểm tập kết cát của gia đình ông Lưu Như Bình (xã Cẩm Thạch) 

Ngoài ra, tại khối phố 15 (thị trấn Cẩm Xuyên), cạnh Trung đoàn 841 là điểm tập kết cát của hợp tác xã Nam Ưu Tràng. Được biết đây là điểm đất trống UBND thị trấn Thiên Cầm chưa có kế hoạch để sử dụng nên đã giao cho tổ dân số 15 tạm thời trông coi. Để tận dụng quỹ đất này tổ dân phố 15 đã cho hợp tác xã Nam Ưu Tràng làm điểm tập kết vật liệu xây dựng.

Các cơ sở cung cấp cát trên địa bàn huyện Cẩm Xuyên chủ yếu nằm “lộ thiên” trên đường quốc lộ điều này không những tiềm tàng nguy cơ mất an toàn giao thông, mà còn ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị. Mặt khác các bãi tập kết cát này đã tồn tại một thời gian dài khi chưa có giấy phép tập kết bến bãi nhưng vẫn ngang nhiên hoạt động. Không hiểu các cơ quan chức năng ở đâu? Làm gì? Ăn lương từ ngân sách nhà nước mà suốt thời gian dài vẫn không xử lý nổi các bãi tập kết cát trái phép trên?

(còn nữa).

Bảo Trung – Quỳnh Nga

BÀI MỚI ĐĂNG