Cẩm Xuyên

Cẩm Bình (Cẩm Xuyên): Xã “lật kèo”, gia đình liệt sĩ gánh nợ!

Để hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới, chính quyền xã Cẩm Bình (huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) đã vận động gia đình liệt sĩ vay nợ để xóa nhà tranh, xây nhà mới, với lời hứa sẽ hỗ trợ tiền xây nhà. Nay, khi xã đã “về đích”, được tuyên dương khen thưởng thì lại “lật kèo”, khiến bố mẹ liệt sĩ lại lâm vào cảnh nợ nần chồng chất và có nguy cơ bán nhà.

Căn nhà mới của vợ chồng cụ Thanh được xây dựng cũng là lúc vợ chồng lâm vào cảnh nợ nần.
Báo TTTĐ vừa nhận được đơn cầu cứu của cụ ông Nguyễn Đình Thanh và cụ bà Nguyễn Thị Hợp (đều 87 tuổi, trú tại thôn Đông Vinh, xã Cẩm Bình, huyện Cẩm Xuyên), là bố mẹ của liệt sĩ Nguyễn Đình Hồng.
Trong đơn, cụ Nguyễn Đình Thanh cho biết, trước đây gia đình cụ sinh sống trong một căn nhà tranh lụp xụp xiêu vẹo. Đến tháng 8-2013, thực hiện cuộc vận động xây dựng nông thôn mới, cán bộ chính quyền địa phương đến vận động gia đình vay mượn để “xóa nhà tranh tre dột nát”, làm nhà xây. Xã cũng hứa sẽ hỗ trợ cho gia đình 40 triệu đồng để làm nhà. Nghe vậy, gia đình cụ Thanh rất mừng. “Cả đời người lam lũ, vất vả, đến lúc “gần đất, xa trời”, được ở nhà xây thì sướng lắm. Với lại, tôi nghĩ nếu làm được nhà đang hoàng thì có nơi để hương khói, thờ cúng cho đứa con trai là liệt sĩ của mình. Thế nên, mặc dù hai vợ chồng đã đến tuổi “cổ lai hy” nhưng chúng tôi vẫn chạy đôn chạy đáo khắp nơi, vay mượn được 120 triệu đồng để làm nhà. Khi đi vay tiền, vợ chồng tôi cũng hứa với mọi người là lúc nào xã cho tiền hỗ trợ thì sẽ trả đủ. Ấy vậy mà, niềm vui ngắn chẳng tày gang. Nhà mới được xây xong cũng chính là lúc hai vợ chồng tôi lâm vào cảnh nợ nần chồng chất, có nguy cơ phải bán nhà để trả nợ”, cụ Thanh buồn rầu nói.
Cụ Thanh bên tấm bằng Tổ quốc ghi công của con trai.
Tâm sự với chúng tôi, cụ Hợp kể: Khi xây xong căn nhà này, tôi có gặp mấy ông cán bộ xã hỏi: “Nhà đã xong rồi sao không thấy xã hỗ trợ 40 triệu đồng như đã hứa”. Những người này nói: “Tiền có rồi nhưng bác chứ về đi, vài bữa nữa xã làm thủ tục xong sẽ gửi lại gia đình bác”. Nghe vậy, tôi yên tâm ra về. Đến cuối tháng 7, nhiều người mà tôi mượn tiền họ để xây nhà, họ đến nhà tôi hỏi tiền, thấy xã không đá động gì đến chuyện tiền nong, tôi đành chống gậy lên xã hỏi tiếp thì nghe cán bộ xã trả lời gọn ơ: “Tiền ở đâu mà ông tới đòi”. Khi tôi nói, “lúc trước mấy chú nói với gia đình tôi vậy mà”, thì một vài người ở đây cắt ngang lời, nói như đuổi khéo: “Xã mượn bác hồi nào? Bác làm bác chịu, chúng tôi không biết gì ở đây hết”. Nghe câu này, biết mình đã bị lừa, tôi tức nghẹn nhưng đành bấm bụng chịu đựng. Nói đến đây cụ bà Nguyễn Thị Hợp nghẹn ngào “Thế này vợ chồng tôi ở nhà tranh, vách đất còn sướng hơn…”
Cụ Thanh thì bình tĩnh hơn, từ tốn thắp 3 cây hương lên bàn thờ liệt sĩ Nguyễn Đình Hồng, ánh mắt buồn rười rượi… Cụ tâm sự: Thời chiến, con tôi đã hy sinh vì đất nước. Trước khi đi, nó nói nếu con có hy sinh tại chiến trường, bố mẹ đem con về để được gần bố mẹ. Thời chiến đã khổ, tưởng thời bình sẽ có chỗ đàng hoàng cho nó yên nghỉ, ai ngờ đến thời này rồi mà nó cũng không yên”. Cụ ông nói trọng giọng đứt quãng. Nghe cụ nói vậy, chúng tôi thấy khóe mắt cay cay.
Rời nhà vợ chồng cụ Thanh, vừa đi đến đầu thôn Đông Vinh, chúng tôi phát hiện có một vài người mặt áo rằn ri, đeo kính đen bám sát. Chúng tôi chưa kịp thắng dừng xe lại thì chiếc xe của nhóm người này chợt vọt lên, một tên ngồi sau cố đưa chân đạp vào xe chúng tôi, rất may, chúng tôi lạng xe né kịp… Tiếp tục đi khoảng 100m, chúng tôi thấy có một xe máy khác chạy chậm lại, trở ngược đuôi xe hướng về phía chúng tôi. Biết chuyện chẳng lành, chúng tôi chỉ còn cách lao đại xuống rãnh sâu ven đường mà không khỏi tim đập chân run! Trong khi đó, những người lạ mặt, đeo kính đen, điều khiển xe máy đảo lượn vài vòng trước mặt chúng tôi với vẻ hung hăng, buông lời dọa nạt: “Liệu hồn biến đi khỏi nơi này, nếu không đừng trách bọn này!”. Sau đó, nhờ một vài người đi đường tháp tùng ra khỏi địa bàn, chúng tôi mới thoát khỏi sự truy bám của những người kia.
Khi đang hoàn thành bài viết, tối 7-8, PV liên tục nhận được điện thoại của bà con xã Cẩm Bình. Nhiều người cho biết: “Sau khi các chú đến lấy thông tin viết bài, ông Đồng, Trưởng Công an xã Cẩm Bình với một vài người tới từng hộ gia đình vận động đừng cung cấp thông tin cho mấy chú và đừng làm đơn tập thể kêu cứu. Ông Đồng còn dọa nếu hộ nào không tuân theo quy định thì đừng có trách xã không báo trước (?!)”. 
Cẩm Bình là một trong bảy xã đầu tiên của tỉnh Hà Tĩnh được công nhận hoàn thành chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Nhưng liệu sự “về đích” của Cẩm Bình, với bao hoan hỷ, chúc tụng của lãnh đạo, chính quyền địa phương có trọn vẹn khi còn rất nhiều người dân, đặc biệt là những thân nhân của liệt sĩ như vợ chồng cụ Thanh, cụ Hợp phải sống trong sự lo âu, thấp thỏm vì những khoản nợ “từ trên trời rơi xuống” chưa biết đến bao giờ mới trả được./.   
 Đơn kêu cứu của vợ chồng cụ Thanh.
Nhóm PV điều tra

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP