Thế giới

Các nguyên thủ thế giới vướng vòng lao lý

Chuyện các nhà lãnh đạo thế giới dính dáng bê bối và vướng vào vòng lao lý không phải hiếm, với không ít người hoặc phải ngồi tù, hoặc bị phế truất trước áp lực của công lý.

Mấy ngày qua, dư luận thế giới đổ dồn vào nước Pháp vì vụ Tổng thống Niclas Sarkozy bị bắt giữ ngày 20/3 liên quan đến cáo buộc ông nhận trái phép 50 triệu Euro tài trợ tranh cử từ chính phủ của cố lãnh đạo Libya Moammar Gaddafi.

Nếu bị kết tội, cựu Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy có thể sẽ phải chịu mức án cao nhất lên tới 10 năm tù.

Sau hai ngày thẩm vấn, các nhà chức trách quyết định chính thức mở cuộc điều tra ông Sarkozy tội "tham nhũng thụ động", với mức án cao nhất lên tới 10 năm tù giam.

Một vụ việc khác thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế mới đây là trường hợp cựu Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye. Sau khi bị phế truất, nữ chính trị gia 66 tuổi đã bị bắt giam hồi tháng 3/2017 và trải qua quá trình luận tội kéo dài liên quan đến các bê bối tham nhũng và lạm quyền. Phía công tố viên đề nghị mức án tù dành cho bà Park là 30 năm cùng khoản phạt hơn 110 triệu USD.

Bà Park Geun-hye hiện đang bị giam giữ chờ phán quyết của tòa.

Dự kiến phán quyết dành cho bà Park sẽ được tòa Hàn Quốc đưa ra vào cuối tháng 3 hoặc đầu tháng 4.

Một trường hợp khác là cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra. Vào tháng 9/2006, quân đội Thái Lan đã tiến hành đảo chính và lật đổ chính quyền Thaksin trong khi ông đang tham dự cuộc họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ở New York.

Thaksin sống lưu vong kể từ đó và ông bị tòa án ở Thái Lan kết án vắng mặt 2 năm tù vì tội lạm dụng quyền lực. Tòa cũng quyết định tịch thu 1,5 tỷ USD của ông để sung công quỹ.

Thủ tướng Thái Lan bị lật đổ Thaksin Shinawatra

Bản thân Thaksin luôn khẳng định ông vô tội và cho rằng các cáo buộc nhằm vào mình đều mang động cơ chính trị.

Trước các cáo buộc tham nhũng và yếu kém năng lực điều hành, vào năm 2001, Tổng thống Indonesia Abdurrahman Wahid đã bị Quốc hội cách chức chưa đầy 2 năm sau khi lên nắm quyền. Những năm tháng sau đó, ông Wahid tuy gặp nhiều vấn đề về sức khỏe nhưng vẫn là một nhân vật có ảnh hưởng lớn tại Indonesia. Vào tháng 12/2009, ông qua đời ở tuổi 69.

Vào tháng 11/2000, từ Tokyo (Nhật Bản), Tổng thống Peru Alberto Fujimori gửi fax về nước xin từ chức. Tuy nhiên, Quốc hội Peru không chấp nhận điều này và họ tiến hành bỏ phiếu phế truất ông, cấm không nắm giữ bất kỳ chức vụ nào trong chính quyền trong 10 năm.

Ông Alberto Fujimori được ân xá vì lý do nhân đạo cuối năm 2017.

Sau đó, Alberto Fujimori bị dẫn độ về nước và lĩnh án 25 năm tù giam vì các tội tham nhũng và vi phạm nhân quyền vào tháng 4/2009. Cuối năm 2017, vị cựu Tổng thống được ân xá với lý do nhân đạo sau khi các nhân viên y tế xác định ông bị một căn bệnh không thể chữa trị và điều kiện nhà tù có thể gây nguy hiểm cho tính mạng của ông.

Tại Brazil năm 2016, người dân Brazil cũng chứng kiến Tổng thống Dilma Rousseff bị truất quyền sau khi Thượng viện bỏ phiếu ngày 31/8 buộc tội bà thao túng ngân sách quốc gia. Diễn biến này đặt dấu chấm hết cho 13 năm cầm quyền của Đảng Lao động Brazil do bà đứng đầu.

Trên thế giới cũng có nhiều trường hợp người đứng đầu một quốc gia bị luận tội nhưng sau đó được chứng minh vô tội và tiếp tục tại nhiệm. Điển hình nhất là Tổng thống Mỹ Bill Clinton nắm quyền từ năm 1993 đến 2001.

Tổng thống Bill Clinton bị Hạ viện Mỹ luận tội năm 1999 nhưng được tuyên bố vô tội sau đó.

Là tổng thống trẻ tuổi thứ ba trong lịch sử Mỹ tính đến khi đó, ông là mục tiêu của nhiều cuộc điều tra do các công tố viên độc lập được Quốc hội bổ nhiệm thực hiện.

Ông là người thứ hai trong số các Tổng thống Mỹ bị Hạ viện đem ra luận tội về các tội danh khai man và ngăn cản công lý trong bê bối tình cảm với thực tập sinh Nhà Trắng Monica Lewinsky. Tuy nhiên, cuối cùng ông được Thượng viện tuyên bố vô tội.

Vào tháng 3/2004, Quốc hội Hàn Quốc bỏ phiếu cách chức Tổng thống Roh Moo-hyun vì các tội vi phạm luật bầu cử, quản lý kinh tế yếu kém và tình trạng tham nhũng trong đội ngũ trợ tá. Ông Roh bị treo quyền nhưng đã được phục hồi chỉ 2 tháng sau khi Tòa hiến pháp ra phán quyết và tại nhiệm cho đến năm 2008.

Tác giả: Thanh Hảo

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP