Tin

Cận cảnh công nghệ “tắm” hóa chất cho rau muống

Cứ mỗi vụ rau muống, người ta xịt ba, bốn lần thuốc trừ sâu, kèm thuốc chống rầy. Thậm chí, trước khi cắt mang đi tiêu thụ chỉ vài ngày, người ta cũng phun xịt…

Hàng trăm héc-ta rau muống cung cấp cho thị trường TP. HCM được cho là được “tắm” hóa chất độc hại đầu độc người tiêu dùng. Không những thế, hết xịt thuốc, chủ ruộng rau lại bón phân chuồng, phân hóa học… khiến ruồi, muỗi sinh sôi.

Tận mắt chứng kiến “công nghệ” sản xuất vô cùng độc hại ấy, hầu hết người dân sống gần các vựa rau muống đều khẳng định, dù rau này có cho, họ cũng không dám ăn.

Công nghệ sản xuất rau từ… hóa chất

Nhiều hộ dân ngụ gần khu vực trồng rau muống tại phường Thạnh Xuân, Thạnh Lộc (quận 12) và xã Đông Thạnh (huyện Hóc Môn, TP.HCM) đang đối diện với nhiều nguy cơ bệnh tật, vì phải sống trong môi trường ô nhiễm. Một số người vì quá bức xúc với “công nghệ” trồng, chăm sóc rau muống gây ô nhiễm, đã không ngừng gọi điện đến báo chí để tố cáo, vạch trần sự thật đằng sau những vựa rau muống xanh tốt, bắt mắt. Đa số đều cho rằng, họ đã chứng kiến hành động “tắm” hóa chất cho rau muống, đầu độc người tiêu dùng của nông dân nhiều năm nay mà không có sự vào cuộc, quản lý của cơ quan chức năng, nên khiến những người dân nơi đây không thể làm ngơ thêm được nữa.

 Cận cảnh công nghệ “tắm” hóa chất cho rau muống - Ảnh 1

Những ruộng rau muống xanh tốt tại địa bàn quận 12.

Theo đó, bà L.T.S. (41 tuổi, ngụ phường Thạnh Xuân) bức xúc cho biết: “Những người canh tác rau muống ở đây đa số là từ nơi khác đến. Họ thuê đất khu vực nơi đây và trồng rau muống quanh năm để đổ cho các vựa nhỏ lẻ, chợ đầu mối, có thể là vào cả siêu thị, nhà hàng. Có nhiều hộ thuê tới vài héc-ta để canh tác nên việc sản xuất ồ ạt. Để có thể thu hoạch rau mà chỉ mất một khoảng thời gian ngắn, hầu như cứ một tuần, ba, bốn lần chủ ruộng rau muống lại cho người xịt đủ thứ thuốc cho rau muống. Mỗi lần họ xịt thuốc là người dân chúng tôi lại khốn khổ bởi bụi, mùi thuốc bay mù mịt khắp nơi. Nhiều bữa, vợ chồng tôi còn không dám về nhà, bởi mùi thuốc bay vào nhà không thở được. Đó là chưa kể đến trường hợp nhiều bữa ăn cơm, cũng phải hứng chịu cái cảnh sống chung với mùi hóa chất”.

Khu vực trồng rau muống của người dân tại quận 12 và huyện Hóc Môn nằm giáp với nhau. Theo người dân, hai bên chỉ cách nhau con kênh, nếu cộng gộp số ruộng rau muống lại, có khi cả vài trăm héc-ta. Bà N.M.T. (45 tuổi, ngụ huyện Hóc Môn) không ngừng than thở: “Không biết họ bỏ, phun cái gì cho các cánh đồng rau muống, mà mùi bốc lên rất khủng khiếp. Đáng lo ngại nhất là từ lúc bắt đầu trồng đến lúc thu hoạch chỉ có 15 đến 20 ngày, thì thử hỏi làm sao các hóa chất xịt liên tục có thể phân tán kịp. Khi chúng tôi đi chân trần ra ruộng, hoặc chỉ cần lội xuống các con mương nhỏ gần ruộng rau muống, thì chân tay ngứa ngáy dữ dội. Vậy mà, vì lợi nhuận, nên đến vụ cắt rau họ cứ thế cắt rồi đi giao thôi. Dĩ nhiên, những người không tận mắt chứng kiến vẫn ra chợ mua về ăn ầm ầm”.

Bà S. cho biết thêm: “Những con mương nằm dọc các ruộng rau nhuốm màu đen kịt, nước thông vào những con mương dọc nhà dân cũng thế. Toàn bộ nơi đây nước đều chỉ một màu như thế là do bị ảnh hưởng bởi phân bón, thuốc trừ sâu, thuốc kích thích tăng trưởng, thuốc diệt cỏ, diệt rầy… Do hệ thống nước nơi đây là nước giếng đào, nhưng từ lâu nhà tôi không dám xài, chỉ xài nước mưa. Bởi hơn ai hết, chúng tôi biết rõ khả năng rất lớn nguồn nước ở nơi đây bị ô nhiễm do các hóa chất độc hại dùng để sản xuất rau muống gây ra”.

Hủy diệt môi trường

Bức xúc về việc bị ảnh hưởng rất lớn từ “công nghệ” sản xuất “tắm” hóa chất nói trên, không ít lần bà H.T.M. (47 tuổi, ngụ quận 12) có ý kiến với chủ ruộng rau muống về chuyện xịt thuốc bay vào nhà. Tuy nhiên, chủ ruộng rau muống ở đây cứ à ờ cho qua chuyện, đến lần sau lại tiếp tục xịt thuốc.

Cận cảnh công nghệ “tắm” hóa chất cho rau muống - Ảnh 2

Sự thật nào đằng sau những ruộng rau muống xanh mơn mởn.

Bà M. kể lại: “Qua tiếp xúc với một người làm công, tôi phát hiện sự thật hãi hùng. Anh ta cũng là người chăm sóc chính cho hàng héc-ta rau muống ngay chỗ nhà tôi. Người này kể rằng, sau mỗi lần cắt gốc để canh tác lại ruộng rau, ngoài việc bỏ phân, chủ ruộng còn cho xịt thuốc sâu, thuốc rầy và thuốc kích thích tăng trưởng. Việc xịt thuốc cứ đều đặn diễn ra vào mỗi tuần. Có đợt, trước khi xịt thuốc sâu, thuốc rầy người ta còn phải dùng đến nhớt thải của xe máy, xe ô tô để tạt vào gốc rau muống. Việc làm ấy nhằm ngăn chặn sự phát triển của sâu và trứng sâu, rầy. Cho đến vài ngày trước khi thu hoạch, họ vẫn xịt thuốc sâu, thuốc rầy và thuốc kích thích để lá rau trông xanh, thân rau trắng đẹp hơn”.

Cũng theo người dân, ngay cả nguồn nước còn bị ô nhiễm, đen thui thì không có thứ gì sống sót được. Ông V.X.H. (ngụ phường Thạnh Xuân, quận 12) cho biết: “Ngày xưa, ở khu vực này cá, ếch, ốc và những sinh vật sống được dưới nước khác rất phong phú. Nhưng kể từ khi người ta canh tác rau muống hàng loạt, đại trà và ồ ạt thì những sinh vật ấy thưa dần. Điều đó không phải do người dân đánh bắt nhiều mà do chúng chết đi vì bị nhiễm các loại hóa chất độc hại”.

Đối với nhiều người dân, rau muống vốn dĩ là món ăn quen thuộc nên thị trường tiêu thụ lớn. Tuy vậy, đối với mỗi người dân gần khu vực trồng rau muống nó là nỗi kinh hoàng. Bà S. mỗi lần nhìn thấy ruộng rau, là mỗi lần bà nhớ đến lúc người ta xịt thuốc. Mỗi lần cắt rau, người ta cho hàng chục ký, nhưng bà không nhận, càng không dám ăn. Những người dân nơi đây muốn ăn rau họ phải tự trồng riêng ở hiên nhà, bờ rào và tuyệt đối không xịt thuốc. Một người dân ngụ gần cánh đồng rau muống tại huyện Hóc Môn cho biết: “Người ta trồng rồi đem cho mình, nhưng chính người trồng rau còn không dám ăn nữa thì sao mình nhận được. Nhiều người bảo là do ăn nhiều quá, ngán nhưng tôi không tin”.

Kỳ tới: Thâm nhập vạch trần công nghệ “tắm” siêu nhanh

Trồng không dám ăn, cho không dám nhận

Thạc sỹ Lê Văn Dũng, chuyên gia Hóa hữu cơ tại khu vực phía Nam cho hay: “Trên thực tế, hầu hết việc sản xuất rau nói chung và rau muống nói riêng hiện nay, đều theo hộ gia đình. Thế nên, việc quản lý của các cơ quan chức năng sẽ gặp không ít khó khăn. Do không thể quy hoạch vùng sản xuất rau, nên dù các cơ quan chức năng có vào cuộc, thì cũng chỉ được một thời gian ngắn, rồi mọi thứ đâu lại vào đấy.

Điều này dẫn đến tình trạng mạnh ai người nấy sản xuất, để kiếm lợi nhuận thật nhanh. Một thực tế đau lòng hơn nữa, là không chỉ riêng những người dân chứng kiến “công nghệ” sản xuất rau muống chứa nhiều hóa chất, mà ngay cả người sản xuất cũng không dám ăn rau do chính mình làm ra. Do đó, hàng triệu người tiêu dùng khắp nơi đang là nạn nhân của việc sản xuất rau muống sử dụng hóa chất vô tội vạ”.

Thơ Trịnh – Hoàng Minh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP