Lao Động - Việc Làm

Buồn vui đám cưới công nhân xa quê

Mấy tháng nay, cứ sau giờ tan ca, cặp đôi Thạch (quê Hà Tĩnh) – Thắm (quê Nghệ An), cùng làm tại Công ty giày Duy Hưng tại KCX Sóng Thần (Bình Dương) lại chở nhau rảo quanh các nhà hàng tiệc cưới trên Quốc lộ 1A tìm nhà hàng nào có nhiều khoản giảm giá để đặt chỗ. Cưới nhau vào thời buổi giá cả leo thang, “cặp đôi hoàn cảnh” này đành tằn tiện, bấm bụng cắt các khoản “râu ria” sao cho thật tiết kiệm. Bước ra từ một nhà hàng dưới chân cầu vượt Linh Xuân (Q.Thủ Đức), Thắm lắc đầu: “Giá cả như vầy làm sao đặt tiệc nổi. Chắc phải chờ tới cuối năm có thêm được khoản thưởng Tết…”. Đám cưới của họ lại phải… hẹn.

Dù muốn lập gia đình từ lâu, nhưng ba năm nay việc tổ chức đám cưới của Thạch – Thắm nhiều lần phải hoãn. Kinh tế hai gia đình khó khăn, lương CN thì còm cõi, rồi phải lo tiền phòng trọ, điện nước, lâu lâu còn gửi về cho bố mẹ và các em ăn học… Cuối năm ngoái, hai người dành dụm được ít tiền, định tổ chức cưới nhưng phải dời qua Tết. “Tưởng qua Tết sẽ được giảm giá, ai ngờ còn tăng hơn”, Thạch ngậm ngùi. Khẽ thở dài, anh công nhân (CN) than thở: “Tụi mình chỉ làm đơn giản khoảng 12 bàn thôi. Chủ yếu mời mấy chú bác đại diện gia đình hai họ, anh em thân tình trong công ty, nhưng tiền lo đám cưới mới chỉ đủ đặt váy cưới và các quản linh tinh tối thiểu cho hai đứa, tiền tiệc tùng, mâm cỗ thì chưa đâu vào đâu”.

Đa phần đám cưới CN thường chọn vào ngày lĩnh lương, ngày nghỉ, không tăng ca. Thắm giải thích: “Ngày lĩnh lương, CN được mời đi cưới sẽ dư dả hơn ngày thường. Khách khứa đông đúc và tiền mừng đám cưới cũng tươm tất hơn. Ngày thường, các nhà hàng tiệc cưới có giảm giá nhưng những ngày đó thì ít khách, tiền đám cưới cũng èo uột hơn”.


Một đám cưới tập thể diễn ra tại TPHCM

Tương tự, cặp đôi Thùy Trang – Anh Quân (đều ở Quảng Bình) đang đau đầu vì chưa biết xoay xở thế nào để có đủ tiền làm đám cưới. Cặp đôi này được những người đi trước mách nước, đến nhà hàng tiệc cưới đặt cọc rồi lấy tiền mừng thanh toán sau. “Ngoài lo tiệc cưới, tụi em còn phải lo tiền tàu xe, ăn ở, chỗ nghỉ ngơi cho người thân từ ngoài quê vào, tính ra số tiền này cũng gần nửa tiền lo cưới rồi. Thương con nhưng xót tiền, mẹ tôi rất muốn vào cũng đành ngậm ngùi ở nhà để bố tôi đi đại diện”, Quân cho biết.

Trung bình lương của mỗi CN từ bốn triệu đến năm triệu đồng/tháng. Dẫu đã tằn tiện dành dụm, nhưng với CN, để tổ chức đám cưới nhỏ cũng là cả một vấn đề lớn cho những đôi lứa yêu nhau. Anh Hồng, nhân viên nhà hàng tiệc cưới Hoàng Long (Bình Dương), cho biết: “Chúng tôi đâu muốn tăng giá vì làm thế sẽ mất khách. Nhưng hiện nay giá đã tăng gấp đôi, gấp ba. Biết CN không có nhiều tiền, nhưng nhà hàng cũng phải từ chối những đám muốn đặt tiệc với giá quá thấp”.

Không chỉ các đôi uyên ương lo, các đồng nghiệp CN không khỏi thấp thỏm khi thấy bạn bè chuẩn bị đám cưới, làm sao để gửi tiền mừng “coi được”. Trong tình cảnh phải dè xẻn chi tiêu từng đồng thì nếu được mời dự tiệc cưới, nhất là dịp cuối năm, không ít CN chẳng biết xoay đâu ra tiền. Cùng tâm trạng đó, các chủ nhà hàng tổ chức tiệc cưới CN không khỏi hồi hộp, vì nhận tiền cọc của đôi uyên ương chỉ từ năm đến sáu triệu đồng, nếu khách mời không đến đông đủ, lỡ cô dâu, chú rể xin nợ thì nhà hàng cũng chẳng nỡ đòi…


Sau khi cưới, nhiều cặp vợ chồng CN phải lo trả nợ, sinh sống trong những phòng trọ nhỏ

Dù tính toán thật kỹ, chi tiêu dè xẻn nhưng nhiều đôi uyên ương vẫn phải “ốm đòn” khi có nhiều khoản phát sinh sau cưới. Khi còn độc thân, mỗi phòng trọ có thể ở từ bốn đến sáu người; anh chị em hùn hạp chia nhau tiền ăn, tiền phòng, điện nước. Khi lập gia đình, các khoản tiền trên tăng gấp đôi, gấp ba. Tuấn, CN Công ty Hansae – KCN Tây Bắc Củ Chi tính: “Một phòng cho hai vợ chồng giá rẻ nhất cũng đã 800 ngàn đồng/tháng. Đó không phải là số tiền nhỏ đối với thu nhập của CN. Chưa kể đến chuyện có con…”.

Đa phần CN sau khi cưới đều phải bù lỗ, chỉ một số ít là huề vốn. Anh Lê Thanh Hải (quê Thái Bình) và chị Nguyễn Thu Phương (quê Thanh Hóa) cưới nhau đã sáu tháng nay vẫn chưa trả hết nợ tiền cưới. Hải buồn bã: “Đám cưới mình làm trọn gói từ chụp ảnh, quay phim, ca nhạc… lên đến vài chục triệu đồng, chưa tính bàn tiệc. Bữa cưới trời mưa to, khách đến ít, còn thừa vài bàn nên lỗ nặng. Nhiều người ở xa, lười đi nên gọi điện gửi phong bì, bạn bè toàn CN nên phong bì cũng chỉ khoảng 200 ngàn đến 300 ngàn đồng/người là cao. Tan tiệc, hai vợ chồng ở lại khui phong bì, đếm đi đếm lại tính ra cũng chỉ đủ tiền trả nhà hàng và một nửa món nợ vay. Vậy là cả đêm tân hôn, hai vợ chồng chẳng ai ngủ được, chỉ nằm… bấm bụng nhìn nhau lo cho món nợ hậu đám cưới”.

Vì lo cho hôn lễ, sau đám cưới nhiều cặp vợ chồng phải chọn những nhà trọ giá rẻ với điều kiện sinh hoạt nghèo nàn để ở. Việc này ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của họ. Sau khi cưới, vợ chồng anh Nguyễn Văn Hòa (27 tuổi) đành thuê căn phòng chừng 7m2 ở KCN Tân Bình (TPHCM) với giá một triệu đồng/tháng. Đồ đạc trong nhà không có gì ngoài chiếc giường và quần áo treo khắp nơi. Việc tắm, giặt và vệ sinh của tất cả những người sống trong 18 căn phòng thuê của nhà chủ ấy đều chung một chỗ.

Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương… có hàng chục KCX, KCN tập trung đông đảo CN. Câu chuyện như của anh Thạch, chị Thắm rất phổ biến trong giới CN hiện nay. Ít tiền, phải vay mượn để cưới cho “coi được”, sau đám cưới lại lỗ, rồi lại “cày” để trả nợ, cái vòng luẩn quẩn này cứ cuốn lấy cuộc sống người CN trước và sau mỗi đám cưới.

HẢI VĂN – HƯƠNG LÀI

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP