Địa Chí Hà Tĩnh

Bước tới Đèo Ngang…

Chuyến công tác đầu năm đã trở thành cơ duyên đưa chúng tôi trở lại Đèo Ngang. Thắng cảnh kỳ vĩ và vẻ đẹp thiên nhiên mê đắm của mảnh đất này từng ghi dấu trong thơ Bà Huyện Thanh Quan vẫn vẹn nguyên với “Cỏ cây chen đá, lá chen hoa”. Chỉ khác chăng, dòng chảy thời gian cùng với những nỗ lực của con người đã làm bừng sáng bức tranh toàn cảnh của vùng đất một thời là biên viễn.

Vắt mình qua dãy Hoành Sơn, theo sử cũ, tên gọi Đèo Ngang xuất hiện dưới thời vua Lê Đại Hành (980-1005). Bước vào thời kỳ Trịnh – Nguyễn phân tranh, năm 1500, Hoành Sơn – Đèo Ngang đã trở thành ranh giới giữa Đàng Trong – Đàng Ngoài.

Bước tới Đèo Ngang…
Đường tới đèo Ngang. Ảnh Sỹ Ngọ

Hoành Sơn Quan gọi theo chữ Hán là cửa ở núi Hoành Sơn, nhưng dân gian thường gọi là Cổng Trời. Do núi non Đèo Ngang hiểm trở, vừa cao lại nằm chắn ngang như bức tường thành khổng lồ nên để mở con đường độc đạo qua đây, thời ấy, đã có không biết bao nhiêu mồ hôi, công sức và cả xương máu của người dân đổ xuống. Cổng Trời với 2 mái được ghép bằng đá. Sách cổ chép rằng: Mái phía Bắc 1.000 bậc nối từ chân núi Kỳ Nam (Kỳ Anh) qua Cổng Trời trên đỉnh Đèo Ngang. Mái phía Nam 900 bậc kéo dài từ đỉnh đèo xuống chân đèo thuộc xã Quảng Đông (Quảng Trạch, Quảng Bình).

Khi Quang Trung Nguyễn Huệ thống nhất đất nước, Đèo Ngang là cửa ngõ của trục đường bộ Bắc – Nam. Năm 1833, vua Minh Mạng cho xây Hoành Sơn Quan ở đỉnh Đèo Ngang, cao hơn 4m, hai bên có thành đăng dài hơn 30m, trên cửa đắp nổi 3 chữ Hoành Sơn Quan. Trải qua bao thăng trầm, biến cố của lịch sử, nhưng Hoành Sơn Quan vẫn uy nghi, trấn vũ tỏa bóng cả một vùng trời.

Ngày Xuân, “bước tới đèo Ngang”...
Toàn cảnh đèo Ngang – ảnh: GoogleMap

Sừng sững với đất trời, trơ gan cùng tuế nguyệt, lại trải qua sự tàn phá ác liệt của các cuộc chiến tranh nên di tích Cổng Trời trên đỉnh Hoành Sơn giờ đây đã nhuốm rêu phong trầm mặc và còn khoảng 100 bậc đá ở mái phía Bắc. Năm 2004, hầm đường bộ Đèo Ngang xuyên qua dãy Hoành Sơn được khánh thành đưa vào sử dụng nên phần đường bộ cũ qua Đèo Ngang có chiều dài 6 km, cao 256m chỉ dành cho xe tải siêu trường, siêu trọng và khách du lịch đam mê khám phá, chinh phục thiên nhiên. Thế nên, hàng năm, nhất là mỗi độ xuân về, Cổng Trời vẫn là một trong những điểm hấp dẫn bước chân lữ khách. Đứng trên đỉnh Hoành Sơn vi vút thông reo, giữa khung cảnh núi non bao la, hùng vĩ và không gian khoáng đạt khiến lòng người thư thái hơn, mọi lo toan, ưu phiền trong cuộc sống được rũ bỏ. Công trình lịch sử xưa kia đã được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh trầm mặc giữa đất trời, làm bạn với sương gió, rêu phong nhưng vẫn còn nguyên giá trị lịch sử nhắc nhớ cháu con đến muôn đời.

Thắng cảnh kỳ vĩ, tươi đẹp của Hoành Sơn Quan – Đèo Ngang vẫn vẹn nguyên với “cỏ cây chen đá, lá chen hoa” nhưng không còn bóng dáng lom khom của tiều phu hay những căn nhà “lác đác bên sông” heo hút, đìu hiu đến nao lòng như thời Bà Huyện Thanh Quan đặt chân đến. Đứng trên đỉnh đèo, trong tầm mắt chúng tôi là bức tranh rạo rực tươi vui của cuộc sống người dân 2 tỉnh dưới chân đèo. Phía Nam là sự nhộn nhịp của các bãi tắm Hòn La, Quảng Đông và đặc biệt là Khu mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở Đảo Yến – Vũng Chùa luôn dập dìu du khách thăm viếng. Phía Bắc là khung cảnh sôi động của đại công trường FORMOSA với hệ thống cảng biển, nhà máy luyện thép đang hiện rõ hình hài, là Đèo Con với bãi biển và cảnh quan thơ mộng, là cuộc sống đang từng bước sang trang dưới những ngôi nhà mái ngói đỏ tươi của hàng ngàn hộ dân ở các khu tái định cư Minh Huệ, Ba Đồng và một thị xã mới đã và đang được thai nghén, hình thành.

Ngày Xuân, “bước tới đèo Ngang”...
Dưới chân đèo là những ngôi nhà mái ngói đỏ tươi của gần 1.000 hộ dân khu TĐC Minh Huệ nổi bật trên những ruộng mạ xanh mướt

Bí thư Đảng ủy xã Kỳ Nam – Lê Minh Hồng cho biết: “Ngày xưa, mỗi lần nhắc đến Kỳ Nam lại khiến người ta liên tưởng đến vùng đất đói nghèo, người dân chỉ biết làm bạn cùng nắng lửa, mưa chan. Mà cũng đúng thật, với diện tích đất canh tác ít, lại có độ dốc ra biển lớn nên mỗi khi mùa mưa đến, lớp đất màu mỡ theo dòng trôi để lại cho người dân nỗi buồn vì thiếu đói. Thế nhưng, những năm gần đây, sự phát triển của Khu kinh tế Vũng Áng đã mang lại đời sống mới, lao động thiếu đất ruộng đã tìm được việc làm với mức lương bình quân 200 ngàn đồng/người/ngày. Những diện tích nhiễm mặn, năng suất kém đã được chuyển đổi thành cánh đồng nuôi trồng thủy sản cho thu nhập khá, dịch vụ – thương mại phát triển. Hộ nghèo giờ đây chỉ còn 14,17%. Dẫu còn nhiều khó khăn nhưng Kỳ Nam đang vững tin trên con đường xây dựng nông thôn mới”.

Cuộc sống ấm no đã rạng ngời trong từng ánh mắt từ trẻ thơ đến các bậc cao niên. Trong lòng họ luôn khắc ghi niềm biết ơn đối với những chính sách của tỉnh. Và theo tâm linh, họ cũng thầm cảm ơn Mẫu Liễu Hạnh – người đã nghe thấu những lời nguyện cầu của nhân dân để phù hộ cho họ có một cuộc sống an bình, ấm áp. Ghi nhớ công ơn ấy, người dân trong vùng đã lập đền thờ Mẫu ngay dưới chân đèo. Tương truyền, trước đây là nơi Mẫu giáng xuống trần mở quán để cứu độ chúng sinh và cũng là điểm dừng chân của lữ khách trước khi vượt đèo.

Đền thờ Mẫu Liễu Hạnh được xây dựng tại cửa sông Xích Mộ – ngay dưới chân Cổng Trời, là nơi con sông Khe Bò đổ ra biển lớn. Sử sách kể lại rằng, trước đây, cửa sông Xích Mộ là một trong những nơi giao thương nhộn nhịp tàu thuyền vào ra. Và trong thời kỳ Trịnh – Nguyễn phân tranh, cửa sông này từng là chiến sự với biết bao đầu rơi máu đổ. Nhưng tất cả giờ đây cũng đã trở thành nỗi hoài cổ của biết bao thế hệ khi phù sa bồi đắp dòng chảy, khi con người thực hiện công cuộc ngăn sông để lấy nước tưới tiêu cho đồng ruộng. Bến thuyền xưa giờ chỉ còn lại trong ký ức và dòng sông Khe Bò ngày nay cũng chỉ còn lại là lạch nước nhỏ uốn lượn trước cửa đền trước khi hòa vào muôn ngàn con nước xuôi ra biển.

Dòng chảy mải miết của thời gian với biết bao biến cố, vật đổi sao dời nhưng giữa thiên nhiên, trời đất, Đèo Ngang – Hoành Sơn Quan vẫn sừng sững với vóc dáng hiên ngang, trường tồn cùng với lịch sử dân tộc. Với biết bao tao nhân mặc khách, nhắc đến Đèo Ngang không chỉ là phong cảnh thiên nhiên kỳ vĩ, điểm du lịch với non nước hữu tình mà còn hấp dẫn bởi những câu chuyện, những chứng tích lịch sử và tâm linh đầy huyền bí. Với người dân cả nước, giờ đây, vượt Đèo Ngang là để đến nơi yên nghỉ của vị Đại tướng huyền thoại ở Vũng Chùa – Đảo Yến của Quảng Bình; vượt Đèo Ngang là để đến với “Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân”, đến với Khu kinh tế Vũng Áng sôi động của Hà Tĩnh để thỏa sức ngắm nhìn bức tranh non nước hôm nay.

Nhóm PV CT-XH

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP