hatinh24h
Ông Đặng Quốc Khánh (phải) gặp gỡ ngư dân. Ảnh: Minh Thùy.

Ngày 27/8, tại Thừa Thiên – Huế, Bộ NN&PTNT tổ chức Hội nghị báo cáo tiến độ kê khai, thống kê thiệt hại do sự cố môi trường gây ra. Đến nay, Hà Tĩnh kê khai, thống kê thiệt hại như thế nào, thưa ông?

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh và cả hệ thống chính trị đã vào cuộc với tinh thần khẩn trương, trách nhiệm cao nhất. UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 262 ngày 18/8/2016 để triển khai thực hiện kê khai, xác định thiệt hại do sự cố môi trường biển. Cùng với Bộ NN&PTNT tổ chức 4 cuộc tập huấn cho cán bộ chủ chốt của cấp huyện, cấp xã, bí thư chi bộ, trưởng thôn, trưởng ban công tác mặt trận các thôn, xóm vùng bị ảnh hưởng, với khoảng 2.000 người tham gia. Đến nay, trên 300 thôn, xóm thuộc địa bàn 67 xã/phường/thị trấn bị ảnh hưởng đang tiến hành các bước cuối cùng của kê khai, xác nhận cho các đối tượng bị thiệt hại đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ.

Phấn đấu đến giữa tháng 9 này tỉnh sẽ hoàn thành số liệu cơ bản về tình hình thiệt hại để báo cáo Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành. 

Ông Đặng Quốc Khánh, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh

Để công tác bồi thường thiệt hại cho ngư dân được công khai, minh bạch và không có những sai sót, tỉnh đã chỉ đạo thành lập các ban chỉ đạo và hội đồng đánh giá, xác định thiệt hại cấp huyện, cấp xã, đồng thời thành lập riêng một hội đồng thẩm tra cấp tỉnh và 6 tổ công tác trực tiếp xuống cơ sở chỉ đạo, giám sát và hướng dẫn việc thực hiện tại thôn xóm.Đây là lần đầu tiên xảy ra sự cố lớn thế này và các đối tượng thiệt hại nằm ở diện rộng nên việc xác định, kê khai và thống kê sẽ có nhiều khó khăn. UBND tỉnh chỉ đạo các cấp phải rà soát thật kỹ, đảm bảo công khai, minh bạch, dân chủ, nếu có những đề xuất phát sinh phải báo cáo ngay để lãnh đạo tỉnh xử lý.

Phấn đấu đến giữa tháng 9 này tỉnh sẽ hoàn thành số liệu cơ bản về tình hình thiệt hại để báo cáo Thủ tướng và các bộ ngành.

Trước khi Formosa đền bù 500 triệu USD, UBND tỉnh Hà Tĩnh có những hỗ trợ, chính sách gì giúp người dân?

Sau khi xảy ra sự cố, người dân không ăn cá, thuyền bè nằm gác bờ, các khu du lịch biển vắng bóng khách. Nhiều lần đi kiểm tra, thăm hỏi và động viên người dân, lãnh đạo tỉnh xác định trước mắt phải trích kinh phí từ ngân sách để hỗ trợ, giúp đỡ người dân ổn định cuộc sống. Cho đến nay, tỉnh đã hoàn thành việc triển khai các chính sách của trung ương, cụ thể: Hỗ trợ gần 4 nghìn tấn gạo (trong 3,5 tháng) cho hơn 70 nghìn nhân khẩu và gần 3 nghìn tấn còn lại (trong 2,5 tháng) sẽ được cấp phát từ ngày 15/9 tới; đã hỗ trợ hơn 23 tỷ đồng cho các chủ tàu, thuyền không lắp máy và lắp máy dưới 90CV.

Ngoài ra tỉnh ban hành nhiều chính sách hỗ trợ khôi phục sản xuất như: Hỗ trợ 100% lãi suất vay vốn ngân hàng cho các tổ chức vay vốn từ 1/6/2016 đến 30/9/2016 để thu mua muối cho diêm dân; đến nay có 2 doanh nghiệp vay vốn mua muối với số tiền hơn 7 tỷ đồng; hỗ trợ hình thành 25 cửa hàng kinh doanh hải sản an toàn với số tiền 125 triệu đồng; Hỗ trợ 50% chi phí tiền điện cho các kho đông lạnh tạm trữ hải sản từ tháng 4 đến tháng 9/2016, đến nay đã hỗ trợ đợt 1 được hơn 560 triệu đồng; hỗ trợ 100% phí mua thẻ bảo hiểm y tế, đến nay thực hiện cơ bản hoàn thành với số thẻ được cấp mới là 2.847 thẻ. Hỗ trợ triển khai đóng mới 28 tàu cá trên 90CV, cải hoán 6 tàu cá lên trên 90CV.

Bên cạnh đó, còn có nhiều hoạt động khác góp phần khôi phục sản xuất, ổn định đời sống như khuyến khích, hỗ trợ thu mua hải sản, chuyển đổi nghề… và các hoạt động từ thiện của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.

Đây mới chỉ là những phương án giúp người dân “qua cơn hoạn nạn”. Hiện người dân vẫn chưa yên tâm với hải sản vì chưa biết được cá đánh về đã an toàn hay chưa. Tỉnh Hà Tĩnh sẽ có giải pháp gì để giúp người dân ổn định cuộc sống lâu dài?

Đây là vấn đề người dân đặc biệt quan tâm. Chính phủ, các bộ, ngành và tỉnh Hà Tĩnh cũng hiểu và chỉ đạo quyết liệt đối với nội dung này.

Về chất lượng môi trường biển vùng bị ô nhiễm: Tại Hội nghị báo cáo kết quả đánh giá hiện trạng môi trường biển tại Quảng Trị, ngày 22/8, Bộ TN&MT (đơn vị chủ trì) đã thông tin đầy đủ và công khai cho nhân dân 4 tỉnh miền Trung về hiện trạng chất lượng môi trường biển vùng bị ô nhiễm.

Về ngư trường khai thác hải sản an toàn và chất lượng hải sản khai thác: Hiện nay Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các địa phương đang triển khai đồng bộ các giải pháp lấy mẫu kiểm nghiệm, giám sát chất lượng hải sản; đồng thời Bộ NN&PTNT đã tổ chức họp tại tỉnh Thừa Thiên – Huế ngày 27/8 để bàn về phương án tổ chức khai thác cho ngư dân. Trong thời gian sớm nhất, Bộ Y tế và Bộ NN& PTNT sẽ có thông tin đầy đủ về ngư trường khai thác hải sản an toàn và chất lượng hải sản khai thác tại vùng bị ô nhiễm do sự cố môi trường thời gian qua.

Về việc giám sát chất thải ở Formosa: Sau sự cố môi trường, tỉnh đã nghiêm túc nhìn nhận, đánh giá và rút được nhiều bài học sâu sắc; hiện nay, tỉnh đang phối hợp tốt với Bộ TN&MT và các bộ, ngành liên quan để thực hiện giám sát chất lượng môi trường đối với Công ty Formosa. Tỉnh đã thành lập Tổ giám sát để kiểm tra, giám sát việc khắc phục sự cố, thực hiện các cam kết và chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường của Công ty Formosa.

Ngày 23/8/2016, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã làm việc với Công ty Formosa và có Thông báo kết luận làm việc yêu cầu công ty phải khắc phục triệt để, hoàn thiện công nghệ; thực hiện nghiêm túc các cam kết, đảm bảo các chỉ số về môi trường phải tuyệt đối theo tiêu chuẩn, quy chuẩn quy định.

Minh Thùy