“Chấm dứt hợp đồng về mặt pháp luật là hợp lý”
Trong buổi làm việc, Thứ trưởng Trần Anh Tuấn cùng đoàn công tác đã lắng nghe báo cáo cùng các ý kiến, đề xuất của Thị xã Kỳ Anh, huyện Kỳ Anh, đại diện Sở Nội vụ, Sở giáo dục đào tạo cũng như các giáo viên trong diện bị cắt hợp đồng.
Theo như báo cáo của lãnh đạo hai địa phương, trong số 214 giáo viên bị cắt hợp đồng, tại thị xã Kỳ Anh có 72 trường hợp, tại huyện Kỳ Anh có 142 trường hợp. Trong đó, chỉ có 92 người lao động hợp đồng có đóng bảo hiểm xã hội (Thị xã Kỳ Anh 33/72 người, huyện Kỳ Anh 59/142 người) , còn lại 122 người hợp đồng giảng dạy nhưng không được tham gia bảo hiểm xã hội.
Ông Bùi Quang Hoàn, chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh |
Cả hai ông Bùi Quang Hoàn, chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh và ông Nguyễn Quốc Hà, chủ tịch UBND thị xã Kỳ Anh đều cho rằng, hầu hết các giáo viên không bức xúc nhiều về lương mà mong muốn lớn nhất là được trở lại dạy để tiếp tục cống hiến. Các ông đều mong UBND tỉnh xem xét, đồng ý để hai địa phương tiếp tục tuyển dụng đủ chỉ tiêu còn thiếu theo biên chế được giao, đặc biệt là có chính sách ưu tiên đối với các giáo viên hợp đồng có đủ tiêu chuẩn và điều kiện.
Đại diện một số trường học trên địa bàn Kỳ Anh, ông Nguyễn Phú Hoàng, hiệu trưởng trường Tiểu học Kỳ Phú cho biết: hiện trường ông có 30 lớp với 904 học sinh học ở hai điểm trường cách nhau 4 km. Trường mới có 47/52 chỉ tiêu biên chế được giao. Trường đã hợp đồng với 9 giáo viên và nhân viên hợp đồng, hiện số lao động này bị cắt nên trường đang thiếu giáo viên. Nhiều ý kiến cho biết, còn rất nhiều trường ở hai địa phương lâm vào tình trạng thiếu giáo viên như vậy.
Ông Nguyễn Phi Quang, Giám đốc Sở Nội vụ cho biết: Sở luôn thường xuyên nắm tình hình vụ việc ở hai địa phương. Năm 2013, nhận thấy sai phạm của huyện Kỳ Anh trong việc tuyển dụng và sử dụng giáo viên hợp đồng, Sở đã thành lập đoàn thanh tra về chỉ đạo xử lý, tuy nhiên huyện vẫn tiếp tục sai phạm.
Ông cho biết, nguyên nhân dẫn đến sự việc là do sai phạm của UBND huyện Kỳ Anh cũ đã không thực hiện đúng quy định, chưa qua thi tuyển và xét tuyển mà đã ký hợp đồng lao động (HĐLĐ) với các giáo viên. Mặt khác một phần cũng do nhu cầu về việc làm của người dân cao.
Ông Nguyễn Thiên, Phó chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh bức xúc và chỉ trích gay gắt những sai phạm của huyện Kỳ Anh. Ông cho rằng, ở Kỳ Anh, theo như số liệu báo cáo thì bậc THCS còn thừa 24 giáo viên nhưng vẫn nhận hợp đồng đến 109 người, bậc tiểu học thiếu 77 giáo viên nhưng lại hợp đồng đến 103 người…những sai phạm này rất rõ ràng. |
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Thiện, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh rất bức xúc và chỉ trích gay gắt những sai phạm của huyện Kỳ Anh. Ông cho rằng, ở Kỳ Anh, theo như số liệu báo cáo thì bậc THCS còn thừa 24 giáo viên nhưng vẫn nhận hợp đồng đến 109 người, bậc tiểu học thiếu 77 giáo viên nhưng lại hợp đồng đến 103 người…những sai phạm này rất rõ ràng.
Theo ông, một trong những vấn đề cần quan tâm hiện nay là giải quyết chế độ cho người lao động. Đối với lao động hợp đồng có đóng BHXH thì phải giải quyết theo chế độ, còn lao động chưa đóng BHXH thì phải có sự phối hợp với các cơ quan chức năng để có hướng xử lý một cách thấu tình đạt lý.
Ông Nguyễn Thiện cũng cho rằng, địa phương sai đến đâu sẽ xử lý đến đó, không né tránh. Việc tuyển dụng lao động vào làm việc, phải có chỉ tiêu biên chế thì mới được làm, người lao động được tuyển phải đảm bảo đủ điều kiện, tiêu chuẩn về trình độ.
Thứ trưởng Trần Anh Tuấn đã chất vấn Phòng Nội vụ huyện Kỳ Anh về trường hợp một số lao động làm việc mà không được ký hợp đồng (số lao động HĐ không có bản ký kết HĐLĐ giữa người sử dụng LĐ và người LĐ là 114 người ở cả hai địa phương). Đại diện Phòng Nội vụ huyện Kỳ Anh cho biết, về số lao động này, UBND huyện Kỳ Anh cũ đã có văn bản giao các trường ký HĐLĐ có danh sách kèm theo, tuy nhiên các trường đã không thực hiện việc ký hợp đồng cho các giáo viên. Hay nói cách khác, đại diện phòng Nội vụ đã cho rằng, lỗi không cho các giáo viên ký hợp đồng là do hiệu trưởng các trường đó.
Trước câu trả lời trên, ông nguyễn Thiện đã phản bác và cho rằng, huyện đã làm sai thì phải nhận, phải sửa, không được vòng vo, đổ lỗi.
Ông Trần Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nội vụ: UBND huyện Kỳ Anh chỉ mới tổ chức duy nhất một lần tuyển dụng giáo viên là quá ít, thực hiện không đúng quy định. Một số bộ môn đã đôi dư giáo viên nhưng vẫn ký, huyện cũng không quan tâm thực hiện các chính sách đối với các giáo viên. |
Trong phát biểu của mình, ông Trần Anh Tuấn, thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, từ năm 2011 tới nay, UBND huyện Kỳ Anh chỉ mới tổ chức duy nhất một lần tuyển dụng giáo viên là quá ít, thực hiện không đúng quy định. Một số bộ môn đã đôi dư giáo viên nhưng vẫn ký, huyện cũng không quan tâm thực hiện các chính sách đối với các giáo viên.
Tuy nhiên ông Tuấn cho rằng, việc ký hợp đồng và chấm dứt hợp đồng là thỏa thuận giữa chủ sử dụng lao động và người lao động, khi không còn nhu cầu thì về mặt pháp luật, việc chấm dứt hợp đồng là hợp lý. Việc ký hợp đồng phải đảm bảo quy định và thỏa thuận giữa cả hai bên, và việc chấm dứt hợp đồng cũng phải đảm bảo sự thống nhất, đảm bảo quyền lợi cho người lao động.
Ông Tuấn chỉ đạo UBND tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục gặp gỡ và lắng nghe ý kiến của các giáo viên, đề nghị hai địa phương rút kinh nghiệm trong việc tuyển dụng và ký hợp đồng lao động, và đã thực hiện việc ký hợp đồng thì phải đóng bảo hiểm cho người lao động theo đúng quy định.
Đặt biệt, đối với 214 giáo viên bị cắt hợp đồng, tỉnh nên phân loại, đánh giá các giáo viên. Ai dạy tốt, đảm bảo các yêu cầu đề ra (như giáo viên giỏi…) thì nên có chính sách ưu tiên trong quá trình tuyển dụng.
“Xét đặc cách cho các giáo viên lâu năm, đủ điều kiện…”
Sau khi kết thúc buổi làm việc chính thức, Thứ trưởng Trần Anh Tuấn và ông Nguyễn Thiện, phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có một số trao đổi, trả lời trực tiếp với các giáo viên. Các giáo viên bày tỏ nguyện vọng, ý kiến của mình và chất vấn rằng: “Điều các giáo viên quan tâm hiện nay là phương án xử lý cụ thể đối với 214 giáo viên bị cắt hợp đồng như thế nào? Liệu các giáo viên ở Kỳ Anh có được hưởng chính sách đặc cách như trường hợp ở Bắc Ninh hay không?”.
Trước những chất vấn trên, ông Nguyễn Thiện cho rằng, việc này nếu có chỉ tiêu, các giáo viên đủ điều kiện và thi hoặc xét tuyển, đạt các yêu cầu sẽ được tuyển dụng. Riêng các trường hợp gia đình có hoàn cảnh khó khăn và gia đình chính sách đã có ưu tiên theo quy định của pháp luật…
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn trao đổi trực tiếp với các giáo viên cuối buổi làm việc |
Riêng ông Trần Anh Tuấn, sau khi ghi nhận ý kiến của các giáo viên đã lưu ý với ông Nguyễn Thiện rằng: tỉnh cũng thử lưu ý, xem xét áp dụng Nghị định 29/2012/NĐ-CP của chính phủ đối với các giáo viên có thâm niên lâu năm và đủ điều kiện để xem xét đặc cách như trường hợp các giáo viên ở huyện Yên Phong (Bắc Ninh), nếu như có chỉ tiêu tuyển dụng.
Khi các giáo viên hỏi biết khi nào mới có chỉ tiêu? Ông Nguyễn Thiện cho biết “phải chờ…”
Theo PV được biết, hiện tại cả thị xã Kỳ Anh và huyện Kỳ Anh chỉ mới có 72 chỉ tiêu giáo viên tiểu học sẽ được tiếp tục tuyển dụng trong thời gian tới.
Như vậy, vấn đề các giáo viên quan tâm là, dù được xem xét đặc cách đối với nhiều giáo viên theo Nghị định 29 đi chăng nữa thì cũng phải có chỉ tiêu. Còn không có chỉ tiêu thì “hướng đi” của hầu hết các cô là “vô định”.
Và theo như các giáo viên, cuộc gặp với Thứ trưởng Trần Anh Tuấn và đoàn công tác của Bộ Nội Vụ còn giải đáp các thắc mắc của họ một cách chung chung, chưa đưa ra được các giải pháp cụ thể, chưa trả lời “thỏa đáng” các ý kiến, nguyện vọng mà giáo viên mong mỏi vào thời điểm này.
Mai Nguyễn/ Tầm Nhìn