Kinh tế

Bộ KH&ĐT nói gì về "siêu" doanh nghiệp có vốn gấp đôi Viettel, Vingroup?

Lãnh đạo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh cho biết, cơ quan này vừa yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) TPHCM báo cáo về trường hợp doanh nghiệp đăng ký vốn "khủng" và đề nghị đơn vị này rà soát.

Trao đổi nhanh với Dân trí, đại diện Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ KH&ĐT, cho rằng, doanh nghiệp được quyền tự do đăng ký kinh doanh với số vốn đăng ký. Điều kiện là sau 90 ngày quy định phải nộp đúng số tiền quy định để hoàn tất các thủ tục đăng ký kinh doanh.

"Việc đăng ký kinh doanh và số vốn bao nhiêu là quyền của mỗi pháp nhân. Bộ KH&ĐT tôn trọng quyền khởi sự kinh doanh của mỗi cá nhân, pháp nhân. Tuy nhiên, người đăng ký kinh doanh phải thực hiện và đảm bảo thực hiện đúng theo các quy định của pháp luật và sẽ bị ràng buộc bởi các quy định xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến đầu tư tại Nghị định số 50", đại diện Bộ KH&ĐT nêu.

Siêu doanh nghiệp được lập mới tại tòa nhà Bitexco Financial Tower tại TPHCM (Ảnh minh họa)


Trước đó, như Dân trí đưa tin, ông Nguyễn Vũ Quốc Anh (36 tuổi) thành lập Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Công nghệ Tự động toàn cầu (Auto Investment Group) với số vốn khủng hơn 500.000 tỷ đồng (21,7 tỷ USD), riêng ông Quốc Anh đã có số vốn góp hơn 499.998 tỷ đồng, còn lại hai cá nhân khác mỗi người 1 tỷ đồng.

Siêu doanh nghiệp này đăng ký trụ sở chính tại tầng 46, tòa nhà Bitexco Financial Tower (số 2 đường Hải Triều, phường Bến Nghé, quận 1, TPHCM).

Về lĩnh vực kinh doanh, doanh nghiệp đăng ký ngành nghề chính là lập trình máy vi tính, ngoài ra có làm thêm dịch vụ liên quan đến in ấn; bán buôn máy vi tính, thiết bị ngoại vi và phần mềm; sản xuất linh kiện điện tử; bán lẻ đồ điện gia dụng; tư vấn máy vi tính và quản trị hệ thống máy vi tính; xử lý dữ liệu, cho thuê và các hoạt động liên quan.

Đặc biệt, ông Nguyễn Vũ Quốc Anh còn làm Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của Công ty Cổ phần Tập đoàn Kinh doanh tự động Toàn cầu (GAB Group), được thành lập cùng ngày với Auto Investment Group. Công ty này cũng có số vốn hơn 25.000 tỷ đồng, cũng hoạt động tại TPHCM.

Với số vốn đăng ký như vậy, Auto Investment Group vượt qua nhiều "ông lớn" tại Việt Nam như Vingroup, Viettel, Vietcombank, BIDV, VietinBank...

Theo quy định tại Điều 157 Luật Doanh nghiệp 2014, một người có thể cùng một lúc đứng tên hai công ty khác. Tuy nhiên, trường hợp doanh nghiệp có số vốn khủng như vậy cần rà soát.

Đại diện Cục Đăng ký Kinh doanh cho biết, cơ quan này đang đề nghị phía Sở KH&ĐT TPHCM rà lại hồ sơ đăng ký doanh nghiệp để đảm bảo đúng quy định của pháp luật. Việc rà soát cho thấy hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, đủ điều kiện cấp chứng nhận đăng ký kinh doanh.


Đầu năm 2020, tại huyện Hoài Đức, Hà Nội cũng có trường hợp đăng ký vốn "khủng" hơn 144.000 tỷ đồng (hơn 6,3 tỷ USD). Tuy nhiên, đáng nói các cá nhân đứng đại diện pháp luật của công ty đều không hề hay biết kinh doanh, được thuê hoặc đăng ký kinh doanh trong trạng thái say rượu. Sau 90 ngày, các cá nhân đứng ra thành lập siêu doanh nghiệp nói trên đã lên Sở KH&ĐT Hà Nội để hủy đăng ký thành lập doanh nghiệp.

Bộ KH&ĐT sau đó phát hiện vụ việc này là sai phạm cá nhân, trường hợp người đăng ký kinh doanh khai mượn chứng minh thư, căn cước giả để đi khai đăng ký thành lập doanh nghiệp.

Theo quy định tại Nghị định 50/2016 của Chính phủ về xử phạt hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch đầu tư, mức phạt tiền cao nhất đối với hành vi vi phạm kê khai vốn không trung thực, chính xác để được cấp Giấy chứng nhận đầu tư là từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng.

Đối với trường hợp không đăng ký đủ và đúng thời gian quy định sẽ bị phạt bổ sung tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng.

Quá trình đăng ký thành lập doanh nghiệp mà doanh nghiệp có phát sinh sai sót, ảnh hưởng thiệt hại, buộc người đại diện pháp luật phải đứng ra thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định.

Tác giả: An Linh

Nguồn tin: Báo Dân Trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP