Trung Quốc vẫn duy trì các hoạt động phi pháp trên biển Đông - Ảnh: AFP |
12-7 là ngày kỷ niệm 3 năm từ lúc tòa trọng tài thường trực ở The Hague (Hà Lan) ra phán quyết vụ Philippines kiện "đường lưỡi bò" của Trung Quốc ở Biển Đông.
Thái độ của Philippines với Trung Quốc kể từ đó tới nay là câu chuyện dài, đôi lúc mâu thuẫn.
Philippines ôn hòa
Vụ kiện của Philippines có từ thời cựu tổng thống Benigno Aquino III. Những tưởng phán quyết năm 2016 sẽ tạo đà để Philippines gây sức ép lên Trung Quốc, điều này rốt cuộc không xảy ra. Tổng thống Rodrigo Duterte đắc cử cùng năm và chọn cách tiếp cận mềm dẻo hơn với Bắc Kinh.
Về chủ quyền và tranh chấp, ông Duterte vẫn có một số tuyên bố mạnh mẽ, điển hình là việc khẳng định sẽ cắm cờ Philippines ở các thực thể tại Trường Sa. Mặt khác, tổng thống Philippines cũng có biểu hiện ôn hòa, được cho xuất phát từ việc phải cân đối lợi ích quốc gia từ các khoản đầu tư của Trung Quốc vào Philippines.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, giáo sư tại Học viện Chiến tranh quốc gia Mỹ Zach Abuza nhận xét về Philippines trong 3 năm qua như sau: "Quan điểm của Philippines thiếu nhất quán. Tất cả dựa trên thực tế rằng Tổng thống Duterte quyết định xoa dịu Trung Quốc với hi vọng vào những khoản đầu tư khổng lồ, dự án Vành đai - con đường và các khoản vay từ Ngân hàng Phát triển hạ tầng châu Á (AIIB)".
Trong những ngày kỷ niệm phán quyết The Hague, Philippines đã không ăn mừng hay nói một lời nào về nó, kể cả vào hôm 12-7, theo Rappler. Trang tin Philippines này cho biết "lễ" đánh dấu cột mốc ấy chỉ được tổ chức gọn tại một diễn đàn do Viện Stratbase Albert del Rosario và Đại học Philippines tổ chức ở thành phố Bonifaciio Global, với sự tham gia của "những gương mặt bình thường" như phó thẩm phán Tòa án tối cao Antonio Carpio, cựu ngoại trưởng Albert del Rosario, cựu giám sát viên Conchita Carpio Morales và luật sư Chel Diokno.
Cần sớm có giải pháp
Trong khi đó, Trung Quốc vẫn duy trì các hoạt động phi pháp trên Biển Đông.
Theo giáo sư Abuza, một chuyên gia về an ninh khu vực, Trung Quốc đã không thay đổi rõ ràng về cách hành xử xét về việc quân sự hóa các thực thể ở Biển Đông. Thậm chí, Bắc Kinh còn tiếp tục sử dụng lực lượng dân quân trên biển để xua đuổi ngư dân của láng giềng khi tiếp cận vùng nước tranh chấp.
Gần đây, việc Trung Quốc đâm chìm tàu cá Philippines và bỏ mặc 22 ngư dân nước bạn là một ví dụ điển hình.
Đó là một biểu hiện đáng lo ngại từ phía Trung Quốc trong bối cảnh giới quan sát quốc tế nhận xét Bắc Kinh đang âm thầm kiểm soát Biển Đông.
Cũng trong thời gian 3 năm kể từ phán quyết The Hague, Mỹ tiếp tục có các cuộc tuần tra thể hiện quan điểm tự do hàng hải. Nhưng như đã nói, chính sách của Mỹ về Biển Đông không thống nhất với những vấn đề khác, do đó việc tìm tiếng nói chung để ngăn cản Trung Quốc là điều khó khăn.
Ông Abuza lấy ví dụ việc Tổng thống Mỹ Donald Trump rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP, nay là CPTPP) là một đòn đau cho các cam kết của Washington với khu vực. Vì vậy, Trung Quốc "đang cố câu giờ, hi vọng chính sách của Mỹ với khu vực tiếp tục xáo trộn".
Xuất phát từ điểm này, các nỗ lực bảo vệ tự do hàng hải khác của Pháp và Anh, dù được đẩy mạnh, cũng chưa giúp giải quyết tình hình tại Biển Đông.
Một sự thống nhất và cùng hành động của cộng đồng quốc tế đối với Biển Đông, bao gồm buộc Trung Quốc tôn trọng phán quyết The Hague và Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) là giải pháp tổng thể và là hướng xử lý cấp thiết vào lúc này.
Phán quyết ngày 12-7-2016 Philippines kiện Trung Quốc để bác bỏ yêu sách "đường lưỡi bò" của Bắc Kinh, trong đó Manila cho rằng đã chồng lấn lên vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của họ. Ngày 12-7-2016, tòa trọng tài ở The Hague (Hà Lan) đã ra phán quyết có lợi cho Philippines, bác bỏ yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc. |
Tác giả: NHẬT ĐĂNG
Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ