Ông Tiến nói thẳng: “Tham nhũng trong lĩnh vực công như vậy là còn rất nghiêm trọng; tình hình tham nhũng diễn ra phức tạp hàng ngày gây thiệt hại lớn với tài sản của nhà nước, nhân dân. Tham nhũng dẫn đến hệ quả nhiều công trình, dự án lâm vào những căn bệnh không có trong từ điển y khoa, bệnh thích hoành tráng, thèm ngân sách. Nhiều công trình dự án tiêu tốn hàng nghìn tỷ đồng nhưng hiệu quả, công năng sử dụng không đáng kể, thậm chí có những công trình do đẻ non, chín ép nên vừa khai trương đã phải khai tử. Người dân không được thụ hưởng những lợi ích của công trình, dự án vốn khoác áo mục đích rất to là phục vụ dân sinh”.
Ông Lê Như Tiến – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội. Ảnh: Ngọc Quang. |
Theo phân tích của ông Lê Như Tiến, với những công trình, dự án đó thì chỉ một số người như chủ đầu tư, chủ thầu xây dựng, ban quản lý dự án được lợi. Vì vậy, họ thích vẽ ra các dự án hoành tráng vì công trình càng lớn thì phần trăm hoa hồng, chiết khấu, tiền chảy vào túi họ càng nhiều.
Liên quan tới các dự án công, tại phiên họp thứ 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào tháng 9/2013, ông KSor Phước – Chủ tịch Hội đồng Dân tộc đã phản ánh rằng, có những tỉnh xây trụ sở như cung điện lộng lẫy, xa hoa, rộng mênh mông như công viên.
“Đây là trụ sở cơ quan nhà nước thuộc về nhân dân chứ không phải là cung điện hay công viên. Làm trụ sở to như thế để làm gì, trong khi dân thì còn đang nghèo như thế? Vậy đất dành cho trụ sở thì quy định thế nào? Tôi đề nghị Bộ Tài chính và Bộ Tài nguyên Môi trường phối hợp để đề xuất Thủ tướng Chính phủ ra quy định chung với diện tích đất được sử dụng trong các cơ quan nhà nước.
Phải có một cơ chế kiểm soát vấn đề này và phải công bố công khai cho cả nước biết, kể cả các trụ sở của tỉnh ủy. Điều lệ Đảng nói rồi, mọi Đảng viên sống và làm việc phải tuân thủ Hiến pháp và pháp luật. Chúng ta phải làm nghiêm để bảo vệ uy tín của Đảng”, ông KSor phước bày tỏ.
Ông Huỳnh Phong Tranh – Tổng Thanh tra Chính phủ: “Đúng là công tác phòng chống tham nhũng còn nhiều hạn chế. Tình hình tham nhũng vẫn diễn ra phức tạp. Tham nhũng trong lĩnh vực công vẫn còn nghiêm trọng, nhất là trong lĩnh vực đầu tư công, tín dụng ngân hàng, đất đai, tài nguyên khoáng sản và công tác cán bộ. Các vụ việc tham nhũng phát hiện còn ít, nhất là trong quá trình thanh tra, kiểm toán chuyển cơ quan điều tra chưa nhiều. Tỷ lệ thu hồi tài sản cũng còn ít, chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra của công tác này”.
Đánh giá thẳng thắn của ông KSor Phước khiến cho nhiều người thực tâm trăn trở với sự phát triển của đất nước rất lo lắng. Chẳng phải ngẫu nhiên mà Tổ chức Minh bạch Quốc tế công bố Chỉ số cảm nhận tham nhũng năm 2012 chỉ xếp Việt Nam đứng thứ 123/176 quốc gia và vùng lãnh thổ, tụt 11 bậc so với năm 2011.
Tuy nhiên, sau rất nhiều phản ánh của các Đại biểu Quốc hội, cho tới nay, công tác kiểm soát các dự án công vẫn còn nhiều tồn tại, bây bức xúc trong dư luận.
Liên quan tới công tác phòng chống tham nhũng, vấn đề quản lý sử dụng nhà công vụ cũng đã được nhiều đại biểu đề cập tại các phiên họp của Ủy ban Thường vụ thời gian gần đây.
Nhiều ĐBQH đề nghị phải đưa vào luật để siết chặt quản lý nhà công vụ. Ảnh minh họa, nguồn internet. |
Ông Tiến cho hay, tính đến tháng 9/2014 có gần 1,4 triệu m2 nhà ở công vụ trong đó có hàng trăm biệt thực công, hàng nghìn căn hộ chung cư và 55.000 nhà ở liền kề.
“Trong những năm qua, nhiều lãnh đạo cấp cao của nhà nước đã gương mẫu, tự nguyện trả lại biệt thự công, nhà công vụ ngay khi thôi chức vụ quản lý. Nhưng cũng không ít cán bộ về nghỉ hưu vẫn quên trả lại nhà công vụ. Thực chất như vậy là đã biến nhà công vụ thành tư vụ. Có người tuy không ở nhưng lại lỡ mang cả chìa khoá nhà công vụ về quê để ở biệt thự, nhà lầu mà đàn em đã xây sẵn ở quê nhà. Có người còn để cho con cháu họ hàng ở nhờ và nhiều người thông minh hơn thì thậm chí cho thuê để hưởng thêm mỗi tháng một khoản tiền lớn hơn nhiều khoản phải bỏ ra thuê căn nhà đó của nhà nước”, ông Tiến nói.
Ông Tiến đề nghị, Bộ trưởng Xây dựng và Tổng Thanh tra Chính phủ cùng chia sẻ về vấn đề này trước Quốc hội, với quan điểm: “Đã đến lúc cần đưa thêm vào Bộ luật hình sự một tội danh mới là tham nhũng nhà công vụ, bởi nhiều cán bộ tham nhũng vặt cũng bị xử lý vì nhập nhèm vài triệu đồng, nhưng chưa ai bị xử lý về việc tham nhũng nhà công vụ có giá trị nhiều tỷ đồng”.
Ngọc Quang