Văn hoá Dân gian

Bên hiên nhà cụ Nguyễn Du: Kỳ bí vườn Nguyễn

  >> Bên hiên nhà cụ Nguyễn Du: Kiệt tác từ hồn cốt quê hương

Khu di tích Nguyễn Du ở xã Tiên Điền huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) là địa chỉ du lịch văn hóa hấp dẫn, mỗi năm đón tiếp hàng vạn lượt khách tham quan. Điều đặc biệt, dưới cây bút tài hoa của cụ, mỗi người đến đây đều cầu mong được khai tâm, khai sáng cho những việc làm đại sự của mình.

Soi mình trước chữ “tâm”

Trò chuyện với phóng viên NTNN, ông Hồ Bách Khoa-Trưởng Ban quản lý Khu di tích quốc gia đặc biệt Đại thi hào Nguyễn Du cho biết: “Khu lưu niệm Nguyễn Du là một quần thể công trình kiến trúc thờ tự của dòng họ Nguyễn sinh sống ở Tiên Điền đã trải qua hơn 400 năm lịch sử, được hình thành bởi 3 yếu tố: Không gian văn hóa làng Tiên Điền xưa (gồm có Văn Thánh, chùa Trực Ninh, cầu tiên, đình làng); không gian văn hóa dòng họ Nguyễn ở Tiên Điền (đàn tế cụ Nguyễn Quỳnh, nhà thờ họ Nguyễn, nhà thờ Nguyễn Du) và Không gian văn hóa Nguyễn Du (bảo tàng văn hóa Nguyễn Du hiện trưng bày hơn 1.000 tài liệu, hiện vật tiêu biểu liên quan đến đại thi hào)”.

hatin24h

Bức chữ “tâm” cỡ lớn được đặt ngay tiền sảnh vào gian trưng bày nhà lưu niệm.  Ảnh: H.A

Theo ông Khoa, cùng với một số công trình kiến trúc, tài liệu cổ trường thì một điểm nhấn trong khu di tích Nguyễn Du là hàng cây cổ thụ. Hàng cây đại cổ thụ này đều đã trên 300 tuổi. Tương truyền, cụ Nguyễn Quỳnh (ông nội Nguyễn Du) là người tinh thông lý số, dự đoán trong 6 người con trai sẽ có 3 người đỗ đạt làm quan, vì vậy trong khoảng năm 1715-1720, cụ đã cho trồng 3 cây muỗm (xoài), bồ lỗ (cây nóng) và cây rói tượng trưng cho 3 người con của mình. Y như rằng, không lâu sau đó cả 3 người con của cụ Nguyễn Quỳnh là Nguyễn Huệ, Nguyễn Nghiễm (thân sinh Nguyễn Du) và Nguyễn Trọng đã đỗ đạt cao, làm quan to của triều đình. Mỗi khi về thăm gia đình, gặp gỡ bạn bè đàm đạo chuyện văn chương thế sự, 3 người con của cụ Nguyễn Quỳnh thường cho dừng ngựa dưới 3 cây xanh rợp bóng này… Về sau, 3 cây cổ thụ trên trở thành những cây di tích được bảo vệ, chăm sóc nghiêm ngặt. Năm 1982, siêu bão quét qua làng Tiên Điền, hầu hết cây lớn trong làng đều bị quật ngã, đổ gãy, thế nhưng 3 cây đại cổ thụ thì chỉ một cây bật gốc, còn 2 cây không hề hấn gì!

ben hien nha cu nguyen du: ky bi vuon nguyen hinh anh 2

Hàng cây cổ thụ trong khu di tích. Ảnh: H.A

Ông Hồ Bách Khoa bật mí: Dù thời gian tôi công tác ở Ban chưa lâu (gần 4 năm) nhưng có một điều rất dễ bắt gặp là mỗi người đến đây không chỉ muốn lưu lại một tấm hình bên bức tượng cụ Nguyễn Du hay dưới hàng cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi, mà thú vị nữa là không mấy ai bỏ lỡ chụp một tấm hình lưu niệm bên chữ “Tâm” cỡ lớn được đặt ngay tiền sảnh vào gian trưng bày nhà lưu niệm. Có lẽ đó cũng là cách để mỗi người tự soi, tự vấn về nhân cách, lối sống…

Linh thiêng…

  Khu di tích Nguyễn Du được thành lập từ năm 1965 nhân kỷ niệm 200 năm ngày sinh Đại thi hào Nguyễn Du. Ngày 27.9.2012, khu di tích chính thức được Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng thành khu di tích quốc gia đặc biệt. Tổng diện tích được quy hoạch lên tới 50ha với 6 điểm di tích chính.

Ông Hồ Bách Khoa cho hay, những di sản văn hóa trong khu di tích còn là nguồn tư liệu quý để tìm hiểu về tín ngưỡng, phong tục tập quán, đời sống văn hóa tinh thần của làng quê Tiên Điền nói riêng, văn hóa làng xã Việt Nam nói chung.

Không chỉ trong ý thức và hành động của mỗi người về với khu vườn Nguyễn, mà xưa kia cả trong tác phẩm truyện Kiều với 3.254 câu đều có thể đưa ra để bói (gọi là bói Kiều), rồi sử dụng để diễn trò Kiều. Cô Trần Thị Thu Ngà – giáo viên Trường THPT Nguyễn Du, huyện Nghi Xuân, cho biết: “Tôi có nhiều thời gian nghiên cứu về trò Kiều trên quê hương Nguyễn Du. Có thể thấy trò Kiều dựa vào nội dung của truyện Kiều với đầy đủ các nhân vật chính, ngoài ra còn có thêm nhân vật mang tính dẫn chuyện, mua vui. Không gian và thời gian của trò Kiều dùng lối ước lệ, vũ đạo để ứng chỉ sự chuyển biến trong “hoạt động sống” của nhân vật… Có một điều đặc biệt là đội trò Kiều đầu tiên của làng Tiên Điền toàn nam giới. Không hiểu sao lại như vậy, rất lạ. Qua tìm hiểu chúng tôi biết do người làng quan niệm rằng nếu con gái đóng Kiều sau này không có con, cuộc đời gặp nhiều bất hạnh, gian truân?”.

Ở Tiên Điền, mỗi khi gặp chuyện buồn trong cuộc sống, thi cử… nhiều người tới tượng Nguyễn Du thắp hương và thành tâm cầu khấn, như gửi gắm niềm tin và mong được cụ chia sẻ, phù hộ. Những năm gần đây, mỗi dịp thi cử học sinh, sinh viên, thậm chí có những gia đình ở xa trước khi làm việc đại sự… cũng về khu di tích thắp nén hương, mong Cụ Nguyễn khai tâm, khai sáng cho những việc làm của mình.

Hữu Anh /Dân Việt

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP