Chị Ngô Thị Mộng Linh, trước đây là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Sen Xanh tại TP.HCM. Công việc của nhóm chị lúc đó là đến những quán cà phê, quán nhậu, khu đèn đỏ… gặp những người đang hành nghề mại dâm, mát-xa khuyên họ bỏ nghề, hoặc hướng dẫn họ cách sử dụng các biện pháp an toàn khi hành nghề.
Sau đó, nhóm của chị giúp họ hoàn lương hoàn toàn bằng cách tạo công việc khác hoặc giới thiệu đến các trung tâm dạy nghề miễn phí cho học.
Chị Ngô Thị Mộng Linh. Ảnh: NVCC. |
Một lần, chị cùng đoàn đi công tác ở Thái Lan. Đoàn của chị đến một nhà tạm lánh – nhà dành cho những bé gái từng làm nghề mại dâm, mát-xa ở một hòn đảo của Thái Lan. ‘Chúng tôi được tiếp cận, nói chuyện, nghe những tâm tư của các bé gái từng trải qua nỗi đau về thể xác’, chị Linh nhớ lại.
Khu nhà tạm lánh này có dây thép gai bao quanh, có công an bảo vệ từ bên ngoài. Bên trong, các bé gái, sau khi được cứu từ động mại dâm, từng làm nghề nhạy cảm về sẽ được học nghề mình thích và được yêu thương, bảo vệ. Khi đủ tuổi trưởng thành, các em sẽ được rời đi, tự lo cho cuộc sống của mình.
‘Các em ở đây đến từ các nước khác nhau. Vừa vào, tôi hỏi bằng tiếng Anh, có em nào là người Việt không? Một bé gái cao, gầy ốm, dơ tay lên, nói: ‘Con là người Việt’, nhưng ánh mắt rất dò xét. Lúc mới nói chuyện với tôi, em cũng dè chừng, khuôn mặt hiện rõ nét sợ. Tôi trấn an em: ‘Con có muốn cô giúp gì không? Hoặc nếu con muốn gửi thư, nhắn người nhà đến đón về, cô cũng sẽ giúp'. Cô bé lắc đầu’, chị Linh nhớ lại.
Đến khi trò chuyện thân mật, cô bé mới cho biết tên Hạnh, 13 tuổi, quê Hà Tĩnh, nói được tiếng Thái, Anh, Pháp. Em có mẹ là người Việt, bà là người Thái Lan. Năm 11 tuổi, em bị mẹ bán cho một động mại dâm ở Thái Lan.
‘Mới 11 tuổi mà có ngày bé phải tiếp 7-10 khách. May mắn, bé không có thai và bị bệnh, nhưng tinh thần, nỗi đau, sự hận thù thì mãi không dứt được’, giọng chị Linh ngắt quãng khi kể về chuyện đau buồn của bé gái.
Phía ban lãnh đạo nhà tạm lánh cho biết, mẹ bé Hạnh trước đây cũng làm nghề mại dâm ở Thái Lan. Sau đó, chị ta về quê dụ dỗ các cô gái tuổi mới lớn làm nghề cùng, theo hình thức đi bán hàng. Lúc đưa con gái sang Thái, chị ta cũng nói dối con là đi bán hàng cùng. Mẹ bé Hạnh sau đó đã bị bắt và phải chịu hình phạt của pháp luật.
Chị Linh đang nói về những nguy hiểm cho chị em làm nghề nhạy cảm. |
Bé Hạnh bị ép tiếp khách mấy tháng thì được giải cứu. Lúc mới đến nhà tạm lánh, em sống trong hoảng loạn, sợ hãi, không tin tưởng ai. Em tự học ngoại ngữ, kiến thức phổ thông. Gần hai năm sau, Hạnh mới vui vẻ, hòa đồng với mọi người.
‘Mấy lần ba Hạnh có đến xin đón con về, nhưng nhà tạm lánh không đồng ý, vì họ sợ, ông ấy sẽ lại làm điều gì đó với con gái. Lúc chia tay bé, tôi có hỏi: ‘Con có muốn trở về nhà không?'. Hạnh lắc đầu, nói: ‘Con muốn ở lại nhà tạm lánh, vì nơi đây con thấy mình được an toàn’', chị Linh kể. Chị cũng cho biết, hiện bé Hạnh đang học ngoại ngữ để sau này có thể dạy các em có hoàn cảnh giống như mình ở nhà tạm lánh.
Theo chị Linh, những đứa trẻ bị dẫn đến con đường như bé Hạnh là do ba mẹ thôi nhau, thiếu sự quan tâm của gia đình. Mới đây, chị cũng gặp một bé gái 14 tuổi, quê Cà Mau theo mẹ đi làm nghề mát-xa ở Bình Dương.
Mẹ bé gái là chị Bình, 38 tuổi, đã ly hôn. Chị và chồng cũ chỉ có một con gái. Sau ly hôn, con ở với mẹ.
Công việc của hai mẹ con chị là bưng nước, trò chuyện và mát-xa cho khách. Chị Bình kể, sau ly hôn, ruộng đất không có, công việc, tiền tiết kiệm cũng không nên chị phải đến Bình Dương làm việc. Khi mẹ đi làm xa, con gái chị phải sống một mình, vì chồng cũ chị đã có gia đình mới, bố mẹ, các anh chị nhà chị Bình cũng không nuôi cháu. Để con ở quê, chị không yên tâm.
Lên Bình Dương ở cùng mẹ, chị đi làm cả ngày, để con ở nhà chị sợ con theo người xấu, rồi có chuyện không lường được xảy ra. Chị muốn mang con đi làm cùng là chị muốn bảo vệ con, theo dõi con. ‘Không phải ai đi làm việc này cũng xấu. Mình nên làm ở mức độ nào và biết đâu là điểm dừng’, người mẹ nói.
Chị Linh tiếp cận với con gái chị Bình, cô bé nhanh nhảu: ‘Con vẫn còn con gái cô ơi. Ở đây, con chỉ bê nước cho khách thôi. Khách họ muốn đi xa hơn, con nhất định không đồng ý’.
Chị Linh cho biết, bản thân chị là người mẹ, cũng có con gái đang tuổi lớn nên rất hiểu hoàn cảnh của chị Bình. ‘Ban đầu, chị Bình muốn đưa con gái lên Bình Dương rồi cho đi học nghề, nhưng vì nghèo, tiền tiết kiệm không có nên không có lựa chọn nào khác. Nếu là mẹ, có con gái đang lớn sẽ có rất nhiều người chọn cách làm như chị Bình', chị Linh nói.
Sau đó, chị Linh đã tìm nguồn hỗ trợ để chị Bình đổi việc, còn con gái chị thì được đi học nghề. Hiện cô bé đang học nghề trang điểm ở một trung tâm ở Bình Dương.
* Tên các nhân vật trong bài đã thay đổi.
Tác giả: Diệu Thuần
Nguồn tin: Báo VietNamNet