Quốc hội khóa XIV

Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021 là ngày hội của toàn dân

Để cuộc bầu cử thành công tốt đẹp, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta cần nhận thức rõ mục đích, vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của sự kiện chính trị này. Đây là việc tiếp tục xây dựng, củng cố và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Việc lựa chọn, bầu ra những người tiêu biểu về đức, tài, xứng đáng là đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân trong Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp là nhiệm vụ trọng tâm của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta.

hatinh24h

Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021 phải đảm bảo dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm và thực sự là ngày hội của toàn dân; bầu đủ số lượng đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp theo quy định của pháp luật; đại biểu được bầu có chất lượng, với cơ cấu hợp lý, trong đó lấy tiêu chuẩn, chất lượng đại biểu làm trọng tâm.

Quá trình chuẩn bị tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp phải đảm bảo ổn định chính trị, giữ vững trật tự, an toàn xã hội. Kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật về bầu cử. Phải coi công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND là nhiệm vụ trọng tâm, đồng thời phải hoàn thành tốt các mặt công tác khác ở địa phương.

Tổ chức ngày bầu cử

Ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021 là ngày Chủ nhật, 22 tháng 5 năm 2016.

Các tổ chức phụ trách bầu cử, các cơ quan, tổ chức có liên quan, theo chức năng, nhiệm vụ cần chuẩn bị chu đáo và làm tốt từng khâu, từng việc chuẩn bị cho ngày bầu cử đạt kết quả tốt.

– Trong thời hạn 10 ngày trước ngày bầu cử, Tổ bầu cử thường xuyên thông báo cho cử tri biết ngày bầu cử, nơi bỏ phiếu, thời gian bỏ phiếu bằng các hình thức: Niêm yết, phát thanh và các phương tiện thông tin khác của địa phương. Tổ bầu cử chuẩn bị đầy đủ mọi mặt: Thẻ cử tri, danh sách cử tri, phiếu bầu, mẫu biên bản kiểm phiếu, dấu của Tổ bầu cử, thẻ thành viên Tổ bầu cử, hòm phiếu …

Việc bỏ phiếu bắt đầu từ bảy giờ sáng đến bảy giờ tối cùng ngày. Tùy tình hình ở địa phương, Tổ bầu cử có thể quyết định cho bắt đầu việc bỏ phiếu sớm hơn nhưng không được trước năm giờ sáng hoặc kết thúc muộn hơn nhưng không được quá 21 giờ cùng ngày.

– Các địa điểm bỏ phiếu cần trang trí trang nghiêm túc nhưng tiết kiệm, có đầy đủ các điều kiện, phương tiện phục vụ cho cử tri bỏ phiếu như: Bàn, ghế, bút mực, vv… Việc trang trí địa điểm bỏ phiếu thực hiện theo Thông tư số 02/2016/TT-BNV ngày 01/02/2016 của Bộ Nội vụ.

– Các nhân viên Tổ bầu cử cần được phân công rõ nhiệm vụ, phạm vi trách nhiệm hướng dẫn cho cử tri trong việc bầu cử và phải có phù hiệu để Nhân dân, cử tri biết.

– Tổ chức khai mạc cuộc bầu cử theo đúng quy định của Luật Bầu cử.

– Thực hiện việc bầu cử theo đúng Luật, đảm bảo thực sự dân chủ, an toàn, tỷ lệ cử tri đi bầu cao, bầu đủ số đại biểu được bầu ở mỗi đơn vị bầu cử.

– Tổ chức kiểm phiếu theo đúng quy định của Luật bầu cử.

– Quá trình bầu cử và kiểm phiếu, nếu có diễn biến bất thường, phải ghi vào biên bản báo cáo lên Ban bầu cử và ghi rõ ý kiến giải quyết của Tổ bầu cử.

Trang trí bầu cử tại xã Thạch Bằng

             Tổng hợp và báo cáo kết quả bầu cử, công bố kết quả bầu cử

– Tổ bầu cử nộp biên bản kết quả kiểm phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội đến Ban bầu cử đại biểu Quốc hội, UBND và Ban Thường trực UBMT Tổ quốc xã ngay sau khi tiến hành kiểm phiếu xong. Các Tổ bầu cử nộp biên bản kiểm phiếu bầu cử đại biểu HĐND từng cấp tới Ban bầu cử đại biểu HĐND tương ứng ngay sau khi tiến hành kiểm phiếu xong, thời hạn cuối cùng là ngày 25/5/2016 (chậm nhất 03 ngày sau ngày bầu cử).

– Các Ban bầu cử đại biểu HĐND các cấp nộp biên bản xác định kết quả bầu cử ở đơn vị bầu cử cấp mình về Ủy ban bầu cử cùng cấp, Thường trực HĐND, UBND, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cùng cấp, thời hạn cuối cùng là ngày 27/5/2016 (chậm nhất 05 ngày sau ngày bầu cử).

– Ủy ban bầu cử đại biểu HĐND công bố kết quả bầu cử đại biểu HĐND cấp mình theo quy định của pháp luật, thời hạn cuối cùng là ngày 01/6/2016 (chậm nhất 10 ngày sau ngày bầu cử).

Ủy ban bầu cử các cấp xác nhận tư cách người trúng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp mà mình chịu trách nhiệm tổ chức bầu cử, cấp giấy chứng nhận đại biểu Hội đồng nhân dân khóa mới cho người trúng cử và báo cáo Hội đồng nhân dân khóa mới về kết quả xác nhận tư cách đại biểu Hội đồng nhân dân tại kỳ họp đầu tiên.

 – Sau khi kết thúc cuộc bầu cử, Ủy ban bầu cử ở huyện, xã gửi báo cáo tổng kết cuộc bầu cử tại địa phương đến Thường trực Hội đồng nhân dân, UBND, UBMTTQ Việt Nam cùng cấp và cấp trên trực tiếp. Các địa phương tiến hành tổng kết từ sau khi Hội đồng bầu cử quốc gia công bố kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và Ủy ban bầu cử các cấp công bố kết quả bầu cử đại biểu HĐND cấp mình đến trước ngày 15/6/2016 (đối với cấp xã), trước ngày 18/6/2016 (đối với cấp huyện), trước ngày 22/6/2016 (đối với tỉnh).

– Tại kỳ họp thứ nhất, HĐND khóa mới, Ủy ban bầu cử các cấp trình HĐND khóa mới các cấp báo cáo kết quả bầu cử đại biểu HĐND cùng cấp và kết quả xác nhận tư cách đại biểu HĐND.

Ủy ban bầu cử huyện chỉ đạo thực hiện công tác bầu cử trong toàn huyện theo kế hoạch và Lịch tiến hành công tác bầu cử. Các tổ chức phụ trách công tác bầu cử chịu trách nhiệm tổ chức, thực hiện việc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND theo quy định của pháp luật và chỉ đạo của Ủy ban bầu cử huyện.

Các cấp chính quyền phải phối hợp chặt chẽ với Ủy ban MTTQ, các Đoàn thể, các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội vận động nhân dân và cử tri thực hiện tốt trách nhiệm và nghĩa vụ của mình để cuộc bầu cử đại biểu Quốc Hội khóa XIV và đại biểu HDND các cấp thành công tốt đẹp, thực sự là ngày hội của toàn dân./.

Ngọc Quang

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP