>> Cẩm Xuyên: “Bát nháo” bãi tập kết cát không phép ngang nhiên hoạt động
Tiếp tay “cát tặc” tiêu thụ dễ dàng
Trước đó Tạp chí điện tử NTM đã có bài: “bát nháo” bãi tập kết cát không phép ngang nhiên hoạt động, phản ánh về tình trạng các bãi tập kết kinh doanh cát không phép hoạt động trên địa bàn huyện Cẩm Xuyên (tỉnh Hà Tĩnh) trong một thời gian dài mà các cơ quan chức năng vẫn không xử lý nổi.
Ông chủ của bãi tập kết cát này nói: Đất nhà tôi thì tôi kinh doanh thôi!
Theo đó, dọc tuyến quốc lộ 1A đoạn qua địa phận huyện Cẩm Xuyên (tỉnh Hà Tĩnh) rất nhiều bãi tập kết cát “lộ thiên”. Khoảng 10 km chạy dọc theo tuyến QL 1A từ xã Cẩm Hưng đến xã Cẩm Bình có khoảng 5 điểm tập kết, kinh doanh cát. Đáng nói, những điểm tập kết cát này không chỉ nằm trên đường quốc lộ, gần khu dân cư mà còn gần các trường học. Các bãi ở đây máy xúc chuyên nghiệp hoạt động thường xuyên. Cát được các xe tải hoặc công nông tự chế vận chuyển, cung cấp cho các công trình xây dựng. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến vấn đề học tập của các em học sinh, trong đó đáng nói là vấn đề ô nhiễm tiếng ồn, đồng thời tiềm tàng nguy cơ mất an toàn giao thông, tạo tiền lệ không tốt trong quản lý hoạt động kinh doanh khoáng sản.
Nhiều câu hỏi được đặt ra: Phải chăng do nhu cầu sử dụng vật liệu cát tăng cao? UBND tỉnh Hà Tĩnh đang gây khó khăn trong việc cấp phép các bãi tập kết? Lợi nhuận từ việc khai thác, kinh doanh cát trái phép lớn nên nhiều tổ chức, cá nhân tìm mọi cách để kinh doanh, bất chấp luật pháp?
Đi tìm câu trả lời, PV liên hệ với một số địa phương để làm việc và nhận thấy sự thờ ơ của các cấp trong quá trình quản lý hoạt động kinh doanh khoáng sản.
Tại UBND xã Cẩm Quang, khi PV đặt vấn đề về tình hình quản lý các bãi tập kết cát, các cán bộ đùn đẩy trách nhiệm qua nhau. PV chỉ nhận được những cái lắc đầu từ phòng địa chính, xây dựng với những câu trả lời mơ hồ: “khả năng hai điểm tập kết của hộ gia đình anh Nguyễn Văn Nhật và công ty cổ phần Hoa Nga chưa được cấp phép”.
Ngay cạnh UBND xã Cẩm Thạch là hai điểm tập kết cát của hộ gia đình anh Lưu Như Bình và Lê Văn Xuyên. Điểm đáng chú ý ở đây là chính quyền xã đã “bật đèn xanh” cho hộ gia đình ông Lưu Như Bình để thuê đất làm bãi tập kết vật liệu xây dựng.
Phóng viên hỏi về việc hai điểm tập kết cát nằm ngay sát UBND xã với đầy đủ máy xúc cát chuyên nghiệp, có dấu hiệu kinh doanh cát thì anh Nguyễn Xuân Trường (cán bộ địa chính xã Cẩm Thạch) phân trần: “Hộ gia đình anh Lưu Như Bình đã được chính quyền xã cho thuê đất để làm điểm tập kết vật liệu xây dựng. Còn bãi cát của anh Lê Văn Xuyên thì chúng tôi chưa nắm được có dấu hiệu kinh doanh cát trong đó hay không, bởi khi mời anh này lên làm việc thì anh Xuyên cho rằng đây là đất của gia đình, anh chỉ sử dụng để tập kết cát làm điểm trung chuyển”.
Tại xã Cẩm Bình, mặc dù phóng viên đã cung cấp thông tin về 2 bãi tập kết cát của cơ sở cung cấp vật liệu xây dựng Đồng Xuân, cơ sở Dũng Hạnh đều nằm trên quốc lộ 1A. Tuy nhiên, ông Nguyễn Xuân Lựu (cán bộ địa chính xã Cẩm Bình) tỏ ra bình thản: “Hiện nay bên anh đang củng cố hồ sơ, chưa nắm được các điểm tập kết cát”.
Xã “làm ngơ”, huyện “buông lỏng” quản lý
Thông tin từ UBND huyện Cẩm Xuyên cho biết: Trên địa bàn huyện Cẩm Xuyên chỉ có một điểm tập kết, kinh doanh cát được cấp phép hoạt động tại thị trấn Thiên Cầm. Đồng nghĩa với việc hàng loạt các điểm kinh doanh cát trên các địa bàn Cẩm Thạch, Cẩm Huy, Cẩm Bình, Cẩm Thịnh…đều hoạt động không phép.
Hàng loạt bãi tập kết cát không phép dọc QL1A ở Cẩm Xuyên
Trước đó, tháng 6/2015 UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có kết luận kiểm tra hoạt động khoáng sản trái phép trên địa bàn tỉnh, theo đó tổng số 45 vị trí tập kết, kinh doanh cát của 43 tổ chức, cá nhân được kiểm tra, có đến 44 vị trí của 42 tổ chức, cá nhân có các sai phạm trong kinh doanh.
Cụ thể, 37 tổ chức, cá nhân tập kết, kinh doanh cát không rõ nguồn gốc; 39 tổ chức, cá nhân sử dụng đất bãi tập kết; kinh doanh cát không đúng mục đích, lấn chiếm đất để sử dụng, thuê mướn trái quy định. 13 địa phương cấp xã buông lỏng quản lý tàinguyên khoáng sản để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép; 17 xã vi phạm về thẩm quyền cho thuê đất để các tổ chức, cá nhân sử dụng làm bãi tập kết, kinh doanh cát trong thời gian dài nhưng không có hồ sơ thuê đất theo đúng quy định.
UBND tỉnh yêu cầu Sở Xây Dựng tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về điều kiện, năng lực của các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh vật liệu xây dựng; hướng dẫn, chỉ đạo UBND các huyện rà soát, bố trí quy hoạch các bãi kinh doanh vật liệu xây dựng, tổng hợp, đề xuất phương án giải quyết. Tuy nhiên, đến nay tình trạng tập kết, kinh doanh cát vẫn diễn biến phức tạp.
Anh Trần Ngọc Quang – Trưởng phòng Kinh tế Hạ tầng huyện Cẩm Xuyên cho biết: “Thực hiện kết luận số 246/KL – UBND ngày 10/6/2015 của UBND tỉnh về việc kiểm tra hoạt động khoáng sản trái phép trên địa bàn và Công văn số 1153/SXD – HĐXD ngày 07/8/2015 của Sở Xây Dựng về việc báo cáo rà soát, bố trí quy hoạch các vị trí tập kết, kinh doanh cát trên địa bàn tỉnh. UBND huyện đã có công văn gửi xuống các xã yêu cầu rà soát để có phương án giải quyết, tuy nhiên chỉ có 2 xã là xã Cẩm Vịnh và xã Cẩm Quan có kết quả sà soát gửi về UBND huyện.
Anh Quang cũng thừa nhận chính quyền huyện đã buông lỏng vấn đề quản lý nên để xảy ra tình trạng này. Đồng thời, anh Quang cho biết sắp tới sẽ phối hợp với chính quyền địa phương để kiểm tra, sà soát, chấn chỉnh lại vấn đề này.
Thiết nghĩ, các cơ sở cung cấp cát trên địa bàn huyện Cẩm Xuyên đã tồn tại một thời gian dài khi chưa có giấy phép tập kết bến bãi nhưng vẫn ngang nhiên hoạt động. Bất chấp những tác nhân gây ô nhiễm môi trường, những câu trả lời “thời gian sắp tới chúng tôi sẽ kiểm tra, xử lý”, lời hứa ấy từ chính quyền huyện sẽ có trọng lượng đến đâu?.
Quỳnh Nga – Bảo Trung