Xe

Bắt bệnh khó khởi động xe máy vào mùa Đông

Mùa Đông. Trời giá rét, nhiệt độ xuống thấp, độ ẩm tăng cao khiến việc khởi động xe máy, đặc biệt với những chiếc xe đời cũ luôn trở nên khó khăn hơn sau một đêm dài lạnh lẽo.

Nỗi ám ảnh “Đánh thức mùa đông”

Sở hữu một chiếc xe Honda Lead đời cũ, mỗi khi vào mùa Đông, chị Phương Hoa (Nam Trung Yên, Cầu Giấy, Hà Nội) không khỏi lo lắng vì sáng nào cũng phải loay hoay đánh vật hàng chục phút đồng hồ để khởi động “chú ngựa sắt” của mình. Nhiều hôm, chỉ vì mất quá nhiều thời gian cho việc khởi động chiếc xe mà chị liên tục đi làm muộn, thậm chí còn bị sếp “điều ra tiếng vào”. Chị Hoa cho biết, trong mùa đông năm ngoái, xe của chị cũng gặp tình trạng tương tự nhưng ít hơn. Chồng chị đã đem ra cửa hàng bảo dưỡng xe một lần, xe hoạt động bình thường trở lại. Đến năm nay, dù mới chỉ vào đầu vụ rét, việc xe chết máy thường xuyên như vậy khiến chị không khỏi lo ngại.

Không chỉ những trường hợp sử dụng xe tay ga như của chị Phương Hoa, nhiều người dùng xe số khác cũng phàn nàn về những vấn đề tương tự. Không những xe không thể đề nổ, khởi động mà khi bắt đầu đi cũng có hiện tượng giật cục, tay phanh cứng, khó xử lý,… Những xe này khi được đem đến các cửa hàng, cơ sở bảo hành đều được kết luận là do “bệnh thời tiết” và khắc phục khá dễ dàng. Tuy nhiên, nhiều trường hợp do lười đi “khám bệnh” cho xe mà khiến cho tình trạng này càng trở nên trầm trọng hơn.

Việc phải loay hoay khởi động xe sáng mùa Đông luôn khiến nhiều người ái ngại.

Với người Việt, xe máy không chỉ là phương tiện phục vụ cho các nhu cầu đi lại mà còn là “cần câu cơm” của bộ phận không nhỏ người dân trong xã hội. Tuy nhiên, số người hiểu và có thể can thiệp vào động cơ xe lại không nhiều.

Và sẽ thật là khó chịu khi vào mỗi buổi sáng việc phải tốn nhiều công sức để “đánh thức” chiếc xe. Xe tay ga đã trải qua một thời gian sử dụng và xe số là những "bệnh nhân" thường thấy vào mỗi buổi sáng, đặc biệt là mùa đông.

Xử lý xe khó khởi động sao cho đúng cách?

Theo anh Trần Văn Tài, chủ một cơ sở sửa chữa xe máy trên đường Phạm Văn Đồng (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) thì những hiện tượng như kể trên thường diễn ra vào mùa đông. Đặc biệt khi trời quá lạnh, xe chỉ cần để qua đêm, sáng hôm sau đã gặp phải tình trạng này. Nguyên nhân là do buổi sáng, nhiệt độ thấp làm xăng khó bay hơi, hỗn hợp khí không đủ độ đậm đặc (nghèo xăng) để cháy trong buồng đốt. Tỷ lệ căn chỉnh gió và nhiên liệu tại bộ chế hòa khí cũng bị ảnh hưởng.

Bên cạnh đó, khi độ ẩm cao thì không khí trong động cơ xe bị ngưng tụ thành những giọt nước nhỏ, đọng lại ở trong bộ chế hòa khí và ống dẫn nhiên liệu dẫn đến việc thiếu không khí cần thiết để đáp ứng cho quá trình khởi động. Nước đọng cũng sẽ làm tắc một số bộ phận dẫn nhiên liệu, bộ phận đánh lửa, ảnh hưởng đến vận hành xe. Nếu tình trạng này lâu ngày sẽ tạo ra muội than tại bugi, làm giảm tuổi thọ của bộ phận này.

Để xử lý vấn đề này, người dùng cần lưu ý một số điểm sau: Với xe số, trước khi khởi động, bạn tắt hết các chức năng phụ như đèn pha, xi nhan. Tới đó, hãy kéo hết cỡ le gió, dùng gạt cần số về mo (số N) rồi hãy thực hiện đạp nổ cho xe nóng dần lên.

Khi xe đã nổ, bạn nhẹ nhàng tăng ga dần dần khoảng 10 giây, cho xe đi và chuyển số lần lượt từ 1-2-3-4, mỗi số cách nhau khoảng 20m. Sau cùng, bạn nên đi xe ở số 4 cho ổn định. Lưu ý không chuyển từ số N lên số 4 đột ngột bằng cách đạp cần số về sau sẽ gây nên tình trạng hóc số, không tốt cho máy.

Với xe tay ga, bạn chỉ cần vặn tay ga hết hành trình một vài lần để giúp hỗn hợp khí đốt được đủ xăng và đầy buồng đốt. Sau đó khởi động xe bằng nút đề, giữ xe cầm chừng một lúc rồi tăng ga nhẹ nhàng, duy trì ở tốc độ thấp khoảng 100m rồi đi bình thường.

Khi xe gặp vấn đề liên quan tới khởi động, cần phải có xử lý đúng cách để tránh tình trạng nặng hơn.

Để tránh việc ngày nào cũng phải thực hiện các thao tác kể trên, bạn cần phải làm sạch bugi, chỉnh lại bộ chế hòa khí hợp lý. Sau khi dựng xe trên chân chống đứng, bạn hãy dùng tuốc nơ vít vặn cả ốc xăng và ốc gió vào hết cỡ, đề nổ khoảng 5 phút cho máy nóng sau đó buông tay ga và nới lỏng ốc gió từ từ theo chiều ngược kim đồng hồ. Lúc này máy sẽ có tiếng nổ lụp bụp do thừa xăng, hãy điều chỉnh cho đến khi tiếng nổ đó hết dần rồi ghi nhớ vị trí của ốc gió chuẩn.

Khi máy đã nổ êm, hãy tiếp tục nới ốc gió. Lúc này máy sẽ rú lên, càng nới thì tiếng rú càng to (do xe thiếu xăng, dư gió). Bạn hãy ghi nhớ lại vị trí tốc độ máy cao nhất rồi vặn ốc gió vào vị trí giữa hai điểm vừa nhớ. Đó chính là điểm hợp lý nhất để chế hòa khí lấy gió.

Để hoàn tất việc chỉnh chế hòa khí, bạn hãy nới dần ốc xăng theo chiều ngược kim đồng hồ cho tới khi máy nổ ổn định, xe không rung, không tắt máy, tiếng nổ đều là xong.

Một số bệnh khác của xe như đi giật cục, phanh cứng, người dùng cũng cần phải có cách xử lý đúng. Với trường hợp xe đi giật cục, nguyên nhân là do cho máy chạy khi các chi tiết bên trong còn lạnh, làm giảm khả năng bôi trơn của dầu nhớt. Vì vậy, bạn nên để xe vận hành ở chế độ Garanti (nổ máy không tải) khoảng 1-2 phút. Khi vặn tay ga thấy máy nổ mượt và đều là có thể cho xe chạy được.

Lưu ý, không vặn ga hết cỡ ngay vì có thể gây hiện tượng xe bị sặc, chết máy. Với xe ga, bạn nên giữ ga đều một lúc rồi mới tăng dần. Với xe số, hãy chạy xe từ số 1, tăng dần lên số 2 và chạy khoảng 1km đầu mới chuyển dần sang số 3 và 4.

Với bệnh tay phanh cứng, bạn không nên để phanh quá căng, đồng thời rửa và tra dầu mỡ thường xuyên.

Tác giả: Đ.Huệ

Nguồn tin: Báo Người đưa tin

  Từ khóa: xe tay ga

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP