Tin trong nước

Bảo vật quốc gia Đại hồng chung bị viết bậy

Vào năm 1601, chúa Nguyễn Hoàng cho xây dựng chùa Thiên Mụ (hay còn được gọi là chùa Linh Mụ) nằm bên bờ sông Hương thuộc phường Hương Long (thành phố Huế, Thừa Thiên Huế).

Đại hồng chung ở chùa Thiên Mụ (TP Huế, Thừa Thiên Huế) là bảo vật quốc gia, nhưng đang bị nhiều du khách viết, vẽ bậy lên.

Vào năm 1710, chúa Nguyễn Phúc Chu đã cho đúc quả Đại hồng chung bằng đồng và đặt chiếc chuông tại chùa Thiên Mụ. Chuông cao 240 cm (thân cao 188 cm; quai cao 52 cm), đường kính miệng 140 cm, đường kính thân 114,6 cm, nặng 1.985,8 kg.

Phần quai chuông tạo hình con bồ lao 2 đầu quay ra 2 phía, 4 chân trước của bồ lao gắn với đỉnh chuông. Thân bồ lao uốn cong, trên lưng là một bông sen. Râu, mắt, vi, kỳ lưng và chân của bồ lao đều được chạm khắc rất tinh vi. Vào năm 2013, Đại hồng chung chùa Thiên Mụ được công nhận bảo vật quốc gia.

Là ngôi chùa nổi tiếng, hàng ngày chùa Thiên Mụ đón hàng trăm lượt khách tham quan. Nhiều du khách nước ngoài khi đến chùa Thiên Mụ rất ấn tượng với chiếc chuông Đại hồng chung đặt phía bên phải tháp Phước Duyên nằm trong khuôn viên chùa.

Xưa kia, tiếng chuông Đại hồng chung chùa Thiên Mụ rất nổi tiếng, đi vào thi ca. Nhiều người mê tín cho rằng mong muốn điều gì ghi lên chuông, khi tiếng chuông phát ra sẽ đến tai chư Phật và mong ước sẽ thành hiện thật. Vì vậy, nhiều người bất chấp quy định của nhà chùa biến bên trong Đại hồng chung như một chiếc bảng, chật kín dòng chữ cầu an, nguyện cầu tình yêu.

Dòng chữ cầu thi đậu vào trường cấp 3 Nguyễn Huệ của một bạn trẻ ở thành phố Huế.

Hay những lời cầu sức khỏe…

…lời hẹn thề yêu đương. Hầu hết khách dùng bút màu trắng viết lên mặt trong chuông đồng.

Bề ngoài chuông cũng bị khách tham quan viết vẽ bậy, nhưng ít hơn. Chuông Đại hồng chung được lưu giữ phía trước khuôn viên cách xa nơi ở của sư thầy nên việc quản lý, bảo vệ gặp khó khăn.

Du khách người Anh khi biết bên trong chuông bị viết vẽ bậy đã cố vào chụp lại hình ảnh. Họ tỏ ra ngạc nhiên vì Đại hồng chung là bảo vật quốc gia của Việt Nam, nhưng lại bị nhiều người xâm hại, viết vẽ bậy.

Mai rùa, các bia lớn đặt đối diện Đại hồng chung cũng bị viết vẽ bậy. Tuy nhiên, nhà chùa không biết vì không có người trực thường xuyên tại nơi này.

Mặc dù nhà chùa dán biển cấm vẽ bậy trước nhà trưng bày chuông Đại hồng chung nhưng tình trạng viết vẽ bậy vẫn diễn ra.

Bà Huỳnh Thị Anh Vân, Giám đốc Bảo tàng cổ vật Cung đình Huế (Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế) cho biết, việc quản lý chuông thuộc về nhà chùa. Lâu nay, nhà chùa không phản ánh sự việc Đại hồng chung bị xâm phạm nên Trung tâm không biết, mặc dù đã bố trí một bảo vệ túc trực thường xuyên tại chùa.

“Nếu có sự việc chuông Đại hồng chung bị viết vẽ bậy, Trung tâm sẽ phối hợp với nhà chùa chùi tẩy để trả lại nguyên trạng”, bà Vân nói.

Võ Thạnh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP