Du lịch

Bảo tàng thuyền Việt cổ độc nhất vô nhị ở Việt Nam

Bảo tàng khảo cổ Phạm Huy Thông nằm ở thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh) hiện đang lưu giữ và trưng bày các hiện vật vô cùng quý báu gồm: Các cọc gỗ mà Ngô Quyền đã cắm trên sông Bạch Đằng để đánh quân Nam Hán, nhiều đồ gốm sứ, đồ đá, trống đồng, bộ kiếm thời Hùng Vương, bản phục chế mặt người thời kỳ văn hóa Đông Sơn…

Bảo tàng khảo cổ Quảng Yên do TS. Nguyễn Việt - Giám đốc Tiền sử Đông Nam Á xây dựng. Theo TS. Nguyễn Việt, sở dĩ ông lấy tên giáo sư Phạm Huy Thông đặt tên cho bảo tàng vì giáo sư là người đã dẫn dắt ông vào con đường nghiên cứu khoa học khảo cổ. Với diện tích không lớn, hiện vật không quá nhiều nhưng khi thăm các phòng trưng bày, ngắm cổ vật dù nguyên vẹn hay không nguyên vẹn, người xem vẫn như được trở về cuộc sống của người Việt hàng ngàn năm trước. Song hiện vật đặc biệt nhất của bảo tàng Phạm Huy Thông chính là 22 chiếc thuyền độc mộc.

Bảo tàng khảo cổ Phạm Huy Thông (thị xã Quảng Yên - Quảng Ninh).

Những chiếc thuyền độc mộc cổ trong bảo tàng.

Theo TS. Nguyễn Việt, đây là những chiếc thuyền do Trung tâm của ông tìm kiếm, thu gom, trục vớt dọc sông Kinh Thầy (thuộc tỉnh Hải Dương) ròng rã trong 3 năm, từ 2016-2018. Để có được những con thuyền cổ là sự vất vả và cố gắng rất lớn của Trung tâm vì tài liệu khảo cổ rất sơ sài, lại phải xác định chính xác vị trí của những chiếc thuyền cổ ở đâu mới tổ chức khai quật, bởi kinh phí rất hạn hẹp.

TS. Nguyễn Việt - Giám đốc Tiền sử Đông Nam Á.

Cũng theo TS. Nguyễn Việt, Trung tâm của ông đã lập viện nghiên cứu Bạch Đằng ở Quảng Yên, tập trung tìm thuyền bè, vũ khí thời kỳ Lý-Trần. Ông và các cộng sự đã từng khai quật trục vớt được một phần đuôi thuyền thúng thời kỳ Đông Sơn dùng làm quan tài chôn người khi được người dân sống dọc sông Kinh Thầy báo vị trí. Cho đến nay, Trung tâm của ông đã trục vớt được 6 thuyền có niên đại Đông Sơn (cách đây 2400-1900 trước), 5 thuyền thời kỳ Bắc thuộc (từ đầu Công nguyên đến thế kỷ thứ 9) và 9 chiếc thuyền thời kỳ quốc gia Đại Cồ Việt và Đại Việt (từ thế kỷ 10-17), hầu hết đều là thuyền độc mộc, có một số thuyền đục lỗ hai bên mạn để kê cao lên bằng ván gỗ hay tre. Đây là những chiếc thuyền dân sinh dùng để đi lại và đánh cá nhưng khi có chiến tranh nó sẽ trở thành thuyền chiến hạm nhỏ. Chỉ một số rất ít thuyền có mũi vát nhọn có khả năng chuyên dùng cho chiến đấu.

Lý giải về việc tìm thấy nhiều thuyền trên sông Kinh Thầy, TS. Nguyễn Việt nói rằng đó là do khu vực sông Kinh Thầy nhận nước từ sông Lục Đầu (ngã ba Lấu Khê, Chí Linh, Hải Dương), nên về thủy văn đây là vùng nước cân bằng giữa nước lũ và thủy triều dẫn đến hiện tượng xô, dồn, lắng đọng các vật nặng dưới đáy sông. Về lịch sử, nơi đây tụ tập quân sĩ chống giặc Nguyên Mông của vua tôi nhà Trần. Về văn hóa, xưa từ ngã ba Lấu Khê xuôi xuống cầu Bình có nhiều làng gốm, lò gốm nằm bên sông Kinh Thầy. Đó là lý do có nhiều thuyền, đồ gốm và dụng cụ vũ khí kim loại tìm được ở đây.

Về địa chất, sông Kinh Thầy là những đứt gãy tự nhiên đã tạo ra ranh giới giữa vòng cung Đông Triều và biển (cũ). Đường chân núi khá trùng với Quốc lộ 18 ngày nay nối với các trung tâm cảng cổ thời kỳ Đông Sơn, Âu Lạc - Nam Việt như: Luy Lâu (thuộc huyện Thuận Thành Bắc Ninh), Bạch Đằng, Hộ Phố, Phiên Ngưng. Mặt khác, mật độ tụ cư Âu Lạc khá cao ở ven Kinh Thầy...

Được biết, Trung tâm đã gửi mẫu 12 thuyền đi giám định gỗ và định tuổi bằng phương pháp carbon phóng xạ (C14) tại Úc, Đức và Pháp. Kết quả cho thấy: Sáu thuyền có niên đại Đông Sơn ( 2400- 1900 năm trước Công nguyên), số còn lại từ 1200 đến 800 năm (TCN). Duy nhất một thuyền niên đại 400 năm. Tại bảo tàng Phạm Huy Thông, 6 chiếc thuyền đang được trưng bày trên cạn, 16 thuyền đang được ngâm bảo quản trong môi trường nước. Theo TS. Nguyễn Việt, trong năm 2018, ông đã cùng giáo sư người Úc P. Bellwood tiến hành đo vẽ, lấy mẫu, đánh số từng thuyền, khởi xướng một chương trình nghiên cứu quốc tế về những con thuyền này. Một số báo cáo khoa học đã được xây dựng và trình bày tại các hội nghị khoa học chuyên ngành trong và ngoài nước. Một bài báo nghiên cứu tổng hợp về thuyền Đông Sơn đang hoàn tất. Những năm tới, Trung tâm sẽ tiến hành bảo quản, phục dựng các con thuyền này.

Được biết, trong năm 2017, TS. Nguyễn Việt đã tiến hành đóng mới một chiếc thuyền buồm cánh dơi, loại thuyền đã ngừng đóng tại Việt Nam để tìm hiểu về kỹ thuật và cách điều khiển một phương tiện giao thông tiêu biểu của vùng sông nước Bắc Bộ xa xưa. Ông và các cộng sự đã lưu trữ toàn bộ tư liệu về kỹ thuật, kỹ năng, nhân công, nguyên vật liệu truyền thống để đóng loại thuyền này (gồm 400 giờ camera và khoảng 800 hình ảnh tư liệu).

Công trình này đã giúp giữ lại kỹ năng đóng loại thuyền buồm cánh dơi khi những lớp thợ cả cuối cùng đã cao tuổi. Qua đó, góp phần vào công việc nghiên cứu và tôn vinh lịch sử tàu thuyền và truyền thống làm kinh tế biển của Việt Nam. Đây được coi như chiếc thuyền buồm cánh dơi cuối cùng ở Việt Nam. Chiếc thuyền này đã được đăng kiểm, có biển số lưu hành và thực hành vận tải từ đầu 2018 đến nay.

Có thể khẳng định, những công việc mà Trung tâm của TS. Nguyễn Việt đang làm và những chiếc thuyền cổ đang trưng bày tại bảo tàng khảo cổ Phạm Huy Thông giúp cho hôm nay và cả mai sau hiểu thêm về cuộc sống và công cuộc bảo vệ đất nước của người Việt xưa.

Trả lời câu hỏi tại sao thuyền thời kỳ Đông Sơn tìm thấy hầu hết bằng gỗ lim, TS. Nguyễn Việt phân tích: Những cánh rừng thuộc cánh cung Đông Triều phân bổ tự nhiên nhiều gỗ lim, gỗ tốt. Từ thời Đông Sơn, người xưa đã khai thác để sử dụng trong các công trình lớn. Bằng chứng là những cấu kiện mộ khung lim rất lớn ở Ngọc Lạc (Tứ Kỳ, Hải Dương), mộ thân cây lớn ở Việt Khê (Hải Phòng), Phương Nam (Uông Bí, Quảng Ninh), Kiệt Thương (Chí Linh, Hải Dương)...

Nguồn tin: nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG