Bước vào năm học mới, mỗi gia đình đều phải bỏ ra một số tiền không nhỏ để mua sách vở và dụng cụ học tập cho con. |
Mua tiền triệu, bán đồng nát
Bước vào năm học mới, mỗi gia đình đều phải bỏ ra một số tiền không nhỏ để mua sách vở và dụng cụ học tập cho con. Ngoài những cuốn SGK bắt buộc thì còn có những cuốn sách kỹ năng mềm mà ngay cả các em cũng thừa nhận rằng rất ít khi, hoặc có những quyển không bao giờ sử dụng đến.
Những cuốn sách như vậy, đến khi kết thúc năm học lại không thể sử dụng. Trong số sách này, một số quyển quan trọng có thể để lại làm tư liệu học cho con, còn lại đều bị bỏ xó, được gom lại để bán cho đồng nát với giá chỉ 2.000 - 3.000đ/kg.
Anh Thảo, một phụ huynh ở Cầu Giấy (Hà Nội), cho biết: “Đầu năm học chi cho con khoảng hơn một triệu để mua sách vở, dụng cụ học tập. Đến khi hết năm thì bán đồng nát chứ không thể sử dụng lại được. Sách mua mất vài triệu nhưng hết năm học đành xác định làm giấy vụn, bán chỉ được vài chục nghìn”.
“Trước khi thay sách vào năm 2001, bao nhiêu thế hệ anh chị em trong gia đình, học sinh trong nhà trường có thể để lại cho các em dùng tới khi sờn nát mới thôi. Những cuốn sách cũ có giá trị nhiều năm. Thì ngày nay, một bộ sách dùng một lần vô cùng lãng phí, và thật xót lòng khi sách còn rất mới nhưng cũng không thể sử dụng lại được nữa”.
Sở dĩ có chuyện trên, bởi thực tế SGK hiện nay hầu hết đều có những yêu cầu như điền, viết ngay tại sách, làm bài tập ngay vào sách... Cũng chính vì thế, những cuốn sách sau một năm học đã chi chít những nét bút không thể sử dụng lại.
Ngoài bộ sách chính còn có những sách dạy kỹ năng mềm như: rèn kỹ năng sống, hoạt động trải nghiệm, giáo dục an toàn giao thông, kỹ năng thoát hiểm... Đành rằng, những cuốn sách đó rèn kỹ năng thật sự rất cần thiết đối với học sinh, nhưng lại rất ít khi được sử dụng bởi thời gian học theo những bộ sách chính đã kín mít. Điều đáng nói là sách mang tính chất tham khảo nhưng lại bắt buộc học sinh phải mua.
Cùng với đó, trẻ em ở thành phố hiện nay ít có ý thức giữ gìn sách vở bởi nhiều thứ “thừa thãi”. Thế nên, những cuốn sách ngoài phục vụ học tập thì có em còn để “giải tỏa” hay thể hiện khả năng hội họa cũng như sở thích của bản thân. Và những trang sách trở nên bẩn thỉu nhem nhuốc là điều dễ hiểu.
Nơi thừa, nơi thiếu
Ở thành thị thì dư thừa là vậy, nhưng vẫn có một số nơi thiếu SGK cho học sinh. Ở nhiều vùng khó khăn, học sinh phải dùng lại đến 80-90% sách cũ, thậm chí là cũ từ 8-10 năm. Do hoàn cảnh vất vả, lam lũ nên cha mẹ các em không thể mua một bộ sách mới cho các em, vì thế sách các em sử dụng đều là mượn từ thư viện của trường.
Cô Thanh Hà, giáo viên Lai Châu cho biết: “Ở vùng cao, sách dùng đi dùng lại nhiều năm, chất lượng thấp, sách rách, hư hỏng nhiều. Nhà trường có tạo điều kiện để các em có đầy đủ sách đến trường, tuy nhiên chỉ đủ về số lượng chứ chất lượng thì thiếu”.
Thậm chí, nhiều nơi thiếu thốn hơn thì sách vở chủ yếu là nhờ các tình nguyện viên quyên góp được cho các em vào năm học mới. Những cuốn sách bị rách mất 9-10 trang nhưng vẫn phải dùng, vì đó là tài liệu duy nhất mà trường có để cung cấp cho các em.
Trở lại với chuyện lãng phí SGK ở thành thị, nhiều ý kiến đánh giá còn do tâm lý “dùng đồ mới” của không chỉ các em học sinh mà còn cả của những bậc phụ huynh. Có phụ huynh nghĩ “chỉ có vài chục nghìn một quyển sách không đáng bao nhiêu”, nhưng chính suy nghĩ đó lại đang góp phần vào việc gây lãng phí, không cần thiết này.
“Đối với chính các em nhỏ, cha mẹ cần xây dựng cho các em một thói quen và suy nghĩ biết trân trọng tri thức và giữ gìn sách.Tạo cho các em thói quen ghi lại vào vở ghi hay làm bài ở vở bài tập. Sử dụng lại những cuốn sách có thể dùng được để tạo thói quen tiết kiệm một cách hợp lý cho các em.
Gom sách vở còn sử dụng được để quyên góp gửi tặng các em ở nơi còn thiếu thốn, đồng thời giáo dục ý thức các em biết sẻ chia và bảo vệ môi trường một cách tích cực”, một ý kiến đánh giá.
Tác giả: Hà Trần
Nguồn tin: Báo Pháp luật Việt Nam