Báo động “chủ nghĩa nhiệm kỳ” đi đôi với khai khoáng kiểu vơ vét
Theo TS Lê Đăng Doanh – nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, cơ chế xin – cho, việc đấu thầu không minh bạch và Luật Khoáng sản chưa có những quy định cụ thể đã giúp cho một số người, một số nhóm dựa vào đó để vơ vét của cải, vật chất.
Ảnh minh họa
Tình trạng khai thác khoáng sản bừa bãi, những yếu kém trong khâu quản lý và hệ lụy đối với thiên nhiên, dân sinh như hồi chuông báo động tại Hội thảo “Quản trị ngành công nghiệp khai thác Việt Nam: Thách thức và nhu cầu cải cách” diễn ra hôm qua (3/12).
Khai thác bừa bãi, xuất khẩu ồ ạt
Theo tính toán của Tổng hội Địa chất, số năm khai thác còn lại của một số ngành khoáng sản đóng góp lớn cho sự phát triển của Việt Nam trong thời gian qua sẽ không còn nhiều. Ví như thời gian khai thác còn lại của dầu khí 56 năm, barit 21 năm, thiếc là 19 năm, chì – kẽm 17 năm và vàng là 21 năm. Chúng ta cứ tưởng nước ta “rừng vàng, biển bạc” nhưng hoàn toàn không phải thế, trữ lượng các tài nguyên khoáng sản của ta rất ít, rất thiếu.
Thực trạng này được TS Nguyễn Thành Sơn, Giám đốc Ban Quản lý Các dự án than Đồng bằng sông Hồng, Tổng Cty khoáng sản Vinacomin cụ thể hóa bằng những con số khá rõ ràng. Đó là trong tự nhiên Việt Nam chỉ có 60/200 loại khoáng sản. Tuy vậy, hiện chúng ta mới chỉ thăm dò, khai thác được một nửa số đó (30/60 loại) và so với nhu cầu thì chúng ta thiếu 4/20 khoáng sản quan trọng. Nhưng nhiều người vẫn lầm tưởng nước ta giàu tài nguyên thiên nhiên. Ví như trữ lượng titan trong tự nhiên của các mỏ trên những vùng ven biển nước ta chỉ từ 0,57-0,6%, tương đương với 600 triệu tấn. Trong khi trên thế giới trung bình là 10 tỷ tấn.
Theo TS Sơn, vì chúng ta không có chính sách và quy hoạch tổng thể về tài nguyên khoáng sản dẫn đến tình trạng khai thác bừa bãi, xuất khẩu ồ ạt. Tình trạng “Chủ nghĩa nhiệm kỳ đi đôi với khai thác vơ vét vẫn tiếp diễn từ cấp Trung ương xuống đến địa phương”, ông Sơn đánh giá. Thậm chí, tình trạng khai thác than ở Việt Nam còn vơ vét hơn các thời kỳ trước.
Các nguồn khoáng sản của Việt Nam không những bị khai thác quá mức mà còn “chảy máu” khi chúng ta khai thác chúng bằng công nghệ lạc hậu. So với trung bình các nước phát triển, Việt Nam lạc hậu khoảng trên 50 năm. Lấy ví dụ cụ thể công nghệ đãi vàng ở Thái Nguyên được coi là hiện đại nhất so với các địa phương trong nước, TS. Sơn cho biết lượng tổn thất trong quá trình khai thác khoảng 70% – một sự lãng phí quá lớn.
Môi trường và dân sinh gánh hậu quả
Bất cập không dừng lại ở câu chuyện khai thác quá đà, ồ ạt gây tổn thất tài nguyên thiên nhiên, hệ lụy từ việc cấp phép khai thác khoáng sản tràn lan cũng khiến nhiều hộ gia đình điêu đứng vì thiếu hoặc mất hẳn đất sản xuất. Phần lớn các mỏ khai thác tại một số địa phương chưa xây dựng bãi thải theo đúng quy định, gây bồi lấp dòng chảy, ruộng vườn; làm thu hẹp diện tích đất lâm nghiệp; gây hỏng cầu cống, đường sá…
GS Đặng Hùng Võ – nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết: “Ai lên Bắc Kạn dễ nhận thấy khắp nơi khai thác mỏ, đất ô nhiễm, nước tuyển quặng dồn vào 1 số chỗ chảy ra môi trường… Môi trường bị ảnh hưởng ở khắp nơi và người dân gánh chịu hậu quả lớn nhất”.
Càng đáng lo hơn khi hầu hết hoạt động khai thác khoáng sản hiện tập trung chủ yếu ở các vùng núi và trung du khiến phạm vi tác động sâu rộng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các vùng rừng và diện tích đất rừng xung quanh khu vực khai thác.
TS Sơn chỉ ra hậu quả của tình trạng khai thác tràn lan khoáng sản là 26 người dân tại Quảng Ninh bị chết trong đợt mưa lũ cuối tháng 7/2015 (mặc dù đã được cảnh báo từ 21 năm trước) và bùn đỏ của alumina Tân Rai đang thẩm lậu hóa chất độc hại làm chết cá, khu vực Bảo Lộc với 100/200ha hồ bị nhiễm độc.
“Cứ tiếp diễn tình trạng môi trường bị ảnh hưởng như hiện nay thì chúng ta không chỉ có một, hai dòng sông mà sẽ có rất nhiều dòng sông “chết” cùng với rất nhiều làng ung thư mọc theo”, bà Nguyễn Thị Cúc, Hội Tư vấn Thuế Việt Nam nhận xét.
“Méo mó” trong cấp phép
Theo GS Võ, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng khai thác khoáng sản “vô lối” là do tình trạng cấp phép ở nước ta còn chưa rõ ràng, minh bạch. Chính sự phân cấp, phân quyền không rõ ràng, “méo mó” trong việc cấp phép khai thác khoáng sản dẫn đến khi hậu quả xảy ra, không có đơn vị nào đứng ra nhận trách nhiệm. “Địa phương vượt quyền là tình trạng phổ biến, họ chỉ được cấp mỏ nhỏ nhưng hầu như họ cấp những mỏ lớn. Chính quan hệ quen biết, quan hệ lợi ích làm cho việc khai thác khoáng sản ngày càng nở rộ”, GS Võ nói.
Theo TS Lê Đăng Doanh – nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, cơ chế xin – cho, việc đấu thầu không minh bạch và Luật Khoáng sản chưa có những quy định cụ thể đã giúp cho một số người, một số nhóm dựa vào đó để vơ vét của cải, vật chất.
Theo đa số các đại biểu, chúng ta cần chặn việc xin – cho, cần minh bạch hóa các nguồn thông tin khi đấu giá khai thác khoáng sản cùng với việc tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân giám sát thì sẽ đưa việc khai thác khoáng sản vào quy củ.