Du lịch

Bánh xèo cá kình làng Chuồn

Bánh xèo ăn bằng tay, cầm con cá tước từng miếng thịt ngọt lịm, chấm với nước mắm ruốc cay xè.

Bánh xèo là món ăn phổ biến ở nhiều vùng miền, nhưng dùng cá kình làm nhân có lẽ là nét độc đáo chỉ có ở làng Chuồn. Chiếc bánh nhỏ bằng bàn tay - đúng chất ăn "chơi", lấy hương lấy hoa của người Huế.

Làng có tên gọi chính thống là làng An Truyền, còn làng Chuồn là tên gọi thân thuộc của người dân địa phương. Nơi đây thuộc xã Phú An, huyện Phú Vang, cách TP Huế hơn 10 km. Đường đi đến làng Chuồn rất dễ dàng, chỉ cần theo quốc lộ 49 hướng về An Truyền, qua cầu Tư Hiền sẽ đến nơi.

Cái lạ, cái ngon của món ăn này chính là cá kình, cách ăn và không gian ăn. Đầu tiên, cần đi mua cá, hãy tìm về làng Chuồn vào khoảng 5h30 - 6h sáng. Lúc này, những ngư dân ở đầm Chuồn (thuộc địa phận làng) sau một đêm đánh bắt các loại hải sản tự nhiên và bán lại cho các thương lái.

Các thương lái sẽ ngồi ngay ở bờ để bán hải sản cho khách. Số hải sản còn lại sẽ được chuyển đến cho các nhà hàng ở Huế hoặc đầu mối ở chợ làng Chuồn. Cá còn tươi, những con tôm cựa mình nhảy tanh tách...

Theo chia sẻ của người bán cá kình, cá mới được bắt lên da sẽ có ánh màu đen. Dần dần, da cá xuất hiện lốm đốm bạc rồi chuyển dần sang màu bạc trắng. Lúc cá ươn da sẽ có màu trắng vàng. Thực khách nên mua tại bến đầm Chuồn vào sáng sớm 6:00 để có được cá tươi. Ngoài cá, có thể mua thêm tôm, mực để đa dạng các loại nhân cho món bánh. Mua xong, thực khách di chuyển vào chợ cách đó khoảng 500 m để bắt đầu công đoạn “đổ bánh xèo”.

Vào trong chợ, bạn dễ dàng tìm thấy những gánh “đổ bánh thuê” đơn sơ của các dì (cô), các mệ (bà) bán hàng lâu năm. Đồ nghề bán hàng của họ là những chiếc bếp luôn đỏ lửa với 6 - 7 chiếc chảo, một cái bàn nhỏ và mấy chiếc ghế để khách ngồi quây quần xung quanh. Họ rửa cá, rửa tôm cho khách, sau đó lấy lá chuối chấm quét dầu lên lòng chảo. Dầu sôi, họ bỏ cá kình vào chảo, đổ lớp bột bánh mỏng, sau đó rải thêm giá đỗ và hành bên trên rồi đậy vung lại, tiếp tục làm bánh khác. Trong khoảng 3 phút, người đổ bánh xèo quay lại lật bánh đầu tiên để chín giòn 2 mặt, sau đó đậy nắp lại thêm khoảng 2 phút nữa là có thể thưởng thức bánh.

Nghe tiếng xèo xèo và ngửi mùi thơm nức của những nguyên liệu tự chuẩn bị, thực khách lấy điều này làm thú vui trong lúc đợi bánh. Những người đổ bánh thuê sẽ không có sẵn cá, tôm mà thực khách phải tự mua riêng. Họ chỉ lấy riêng tiền bột và tiền công đổ bánh khoảng 2.000 đồng/ cái. Chi phí toàn bộ cho bánh, cá, tôm... khoảng 50.000 - 60.000 đồng/ người, đủ no nê cho một bữa sáng.

Còn với người dân trong vùng, bánh xèo là món ăn sáng quen thuộc, song ăn đơn giản hơn. Họ thường mua vài lát thịt, vài con tôm hoặc thậm chí chỉ ăn bột bánh còn thi thoảng mới ăn cá, vì chi phí khá cao cho buổi sáng của người Huế.

Chiếc bánh mới ra khỏi chảo bốc hơi nghi ngút, bánh nóng, giòn tan làm thỏa mãn vị giác của những người khách đã lái xe đường xa đến đây từ sớm tinh mơ.

Người dân địa phương cho biết, cách ăn chuẩn là phải ăn bánh bằng tay chứ không dùng đũa. Gỡ vây cá, bỏ xương sau đó chấm miếng bánh có nguyên con cá vào nước mắm cay xè. Vừa ăn vừa thổi xuýt xoa, thịt cá kình béo ngậy, đặc biệt là phần ruột, tất cả quyện với lớp bột bánh giòn, giá đỗ và nước mắm khiến thực khách ăn hoài không ngán. Ruột cá kình còn được người dân xem là loại thuốc dân gian rất tốt cho giấc ngủ.

Ngoài bánh xèo cá kình, thực khách cũng thường chọn ăn thêm bánh xèo tôm, bánh xèo mực. "Cái hay của món ăn này là mình phải dậy từ sớm. Trên đường từ thành phố về làng du khách được ngắm bình minh, đường làng, xem ngư dân kéo lưới, họp chợ... Ngoài ra, khách còn tự chuẩn bị nguyên liệu, cá to hay nhỏ, tôm thế nào mình tự chọn là một trải nghiệm khó có được khi ăn ở ngoài hàng", Tuấn Đoàn, một du khách chia sẻ.

Tác giả: Ngân Dương

Ảnh: Journeys in Hue

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP