Giáo dục

Bạn đọc viết: Bỏ đại học để… đào tạo thạc sĩ!

Hôm trước, tôi gặp lại người bạn đồng nghiệp cùng cơ quan cũ, nay đã chuyển về làm việc cho một trường đại học ở quê anh. Thực chất trước đây là trường cao đẳng tổng hợp, mới được nâng lên thành đại học đào tạo đa ngành nghề mấy năm nay.

Qua tâm sự, biết rằng anh em gặp được nhau hôm nay là do anh đang trên đường đi làm công tác tuyển sinh. Nguyên nhân là những năm gần đây, tuyển được quá ít sinh viên nên trường ra quy định mỗi cán bộ, giáo viên phải “vận động”, tìm kiếm được ít nhất 3 sinh viên nhập học tại trường. Dù là một trường được đầu tư quy mô tương đối lớn, lại đóng chân ở một tỉnh có dân số đông nhưng để tuyển được 800 sinh viên/mùa là rất khó khăn. Đây cũng là thực trạng chung của các trường đại học, cao đẳng ở tốp dưới những năm gần đây.

Anh kể mấy năm trở lại đây, cứ đến mùa tuyển sinh là cán bộ, nhân viên, giáo viên của trường xuống tận các thôn, xã để làm công tác vận động các em học sinh vừa tốt nghiệp phổ thông nhập học, thậm chí đến nhà từng em để vận động nhưng vẫn không tuyển đủ chỉ tiêu.

Tuy nhiên, thông tin khiến tôi bất ngờ là anh bảo hai năm nữa trường anh có thể đào tạo trình độ thạc sĩ, vì một số ngành học đã đào tạo đại học được mấy năm nay. Anh tin rằng khi đó, chắc sẽ bớt khổ khi đến mua tuyển sinh. Tôi thắc mắc là tuyển đủ sinh viên còn khó khăn, tuyển không được sao lại còn đào tạo thạc sĩ.

Anh cười, bảo rằng đào tạo thạc sĩ thì lại có nhiều nguồn hơn sinh viên! Bởi vì, đối tượng học chủ yếu là cán bộ, công chức hoặc những người đã đi làm. Số đối tượng này trên địa bàn tỉnh khá lớn nên không lo về nguồn. Vả lại đây là những người có tiềm lực về tài chính nên đào tạo thạc sĩ thì trường mới có nguồn thu và giảng viên mới có thu nhập.

Qua khảo sát, tìm hiểu anh nói hiện nhiều cán bộ, công chức phải bỏ ra cả đống tiền để lên các thành phố lớn học thạc sĩ, tiến sĩ. Vì thế không lo thiếu nguồn, nhiều người vì cái mác, cái danh mà không ngại bỏ tiền đi học để trở thành thạc sĩ, tiến sĩ!

Do đó, trường anh đặt mục tiêu làm sao xin được nhiều chỉ tiêu đào tạo thạc sĩ càng tốt, khi đủ điều kiện. Tôi lại thắc mắc là lấy đâu ra giảng viên có trình độ tiến sĩ, giáo sư cơ hữu để đào tạo thạc sĩ. Anh bảo không lo vì giáo sư, tiến sĩ ở Việt Nam không thiếu, chỉ cần có nhu cầu là tuyển được! Thiếu chỉ là thiếu sinh viên học cao đẳng, đại học mà thôi! Anh còn cho tôi biết rằng thậm chí nhiều trường đại học đặt mục tiêu chính là đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ thay vì đào tạo đại học như trước đây.

Càng nghe anh nói mà lòng tôi không khỏi bồn chồn, xót xa cho nền giáo dục nước nhà. Khi mà số lượng cử nhân, kỹ sư hoặc người có trình độ đại học đang thất nghiệp, dư thừa rất lớn. Cùng với kiểu đào tạo không tìm ra sinh viên đại học thì vươn lên mục tiêu đào tạo thạc sĩ nhưng thế này thì thời gian không xa nước ta sẽ lại rơi vào tình trạng thừa thạc sĩ, tiến sĩ! Và, lại phải “giải cứu” thạc sĩ, tiến sĩ!

Tác giả: Vĩnh Linh (Kon Tum)

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG