Những con chuột đã bị đổi đầu – Ảnh: Chụp từ clip của WSJ |
Tờ The Wall Street Journal đã bỏ 10 giờ liền để chứng kiến cuộc phẫu thuật đổi đầu do bác sĩ Ren thực hiện, theo đó con chuột cử động cái đầu mới, thở bình thường và thậm chí còn mở mắt, uống nước. Dù con vật chỉ sống được vài phút, bác sĩ Ren vẫn tự tin tuyên bố rằng nếu hoàn thiện quy trình này, cụ thể là sử dụng những ống tuýp nhỏ mang máu chứa ô xy từ não đến cơ thể mới, ông ta sẽ chuyển sang thao tác trên những con vật lớn hơn, chẳng hạn như loài linh trưởng. Và kế hoạch đã được vạch ra tại phòng thí nghiệm của vị bác sĩ này.
Trước những chỉ trích về tính khả thi của những dạng thí nghiệm này, bác sĩ Ren so sánh công trình nghiên cứu của mình với những trường hợp ghép chi đã được thực hiện thành công trên thế giới. Thậm chí, ông còn đi xa hơn khi vẽ ra tham vọng một ngày không xa, dự án thay đầu có thể giúp bệnh nhân có cái đầu khỏe mạnh nhưng thân thể rách nát hoặc bất động do chấn thương cột sống hay teo cơ. Tuy nhiên, điều này không thể ngăn cản sự hoài nghi trong giới bác sĩ. Lâu nay, ghép đầu là một đề tài đặc biệt gây tranh cãi, đưa ra những quan ngại về mặt đạo đức và thách thức quan niệm về sự tồn tại của ý thức. Ghép đầu có liên quan sâu rộng với cái gọi là nhân dạng riêng của con người, theo Robert Truog, Giám đốc Trung tâm đạo đức sinh học thuộc Trường Y của Đại học Harvard (Mỹ).
Hồi đầu năm nay, kế hoạch ghép đầu người của một nhà phẫu thuật Ý đã gây xôn xao khi ông này kiếm được một đối tượng chịu thử. Theo trang Rutply, bác sĩ Sergio Canavero sẽ thực hiện vụ ghép đầu của Valery Spiridonov, 30 tuổi, một lập trình viên người Nga bị chứng teo cơ tủy sống gọi là Werdnig-Hoffmann. Theo ý kiến của giới chuyên gia, việc nối đầu người này vào thân người khác có thể gây nên một cấp độ kinh hoàng chưa từng có, chưa kể mức độ điên rồ của kế hoạch, đẩy đối tượng vào tình trạng sống còn tệ hơn chết.
Hạo Nhiên/ Thanh Niên