Nhân ái

Bà giữ trẻ 21 năm nuôi con cho… người lạ

Dù không phải máu mủ, nhưng bà Đặng Thị Bình đã nuôi dạy, chăm sóc con gái của một người phụ nữ nhờ bà trông giữ suốt 21 năm trời.

Bà Bình vẫn nuôi dạy Thương suốt những năm qua dù không phải máu mủ ruột thịt.

Ngày định mệnh

Từ một người giúp việc với mục đích kiếm thêm thu nhập, suốt 21 năm qua bà Đặng Thị Bình (SN 1955, ở Tân Quang, Văn Lâm, Hưng Yên), bất đắc dĩ trở thành người mẹ cưu mang, nuôi nấng con gái của một phụ nữ gửi con nhờ trông giữ thuê.

Năm 2002, bà Bình lên Hà Nội thuê trọ tại khu vực Long Biên (Hà Nội) và nhận trông trẻ thuê cho những gia đình xung quanh. Trong số trẻ bà nhận trông có 1 cháu được mẹ gửi lại và từ đó không đến đón con về nữa.

“Suốt 21 năm qua, tôi luôn ngóng chờ cuộc điện thoại của mẹ Thương. Tôi hiểu, dù bà có thương cháu đến đâu thì cũng không bằng tình cảm mẹ con ruột thịt. Hiện tôi chỉ mong được sống đến ngày chứng kiến Thương có việc làm, lập gia đình và ổn định cuộc sống. Lúc đó, có nhắm mắt xuôi tay tôi cũng cam lòng…”, bà Đặng Thị Bình tâm sự khi được hỏi về cô bé 21 năm trước bị bố mẹ bỏ rơi mà bà nhận chăm sóc.

Bà Bình vẫn nhớ như in ngày 8/1/2004, chị Nguyễn Huyền Trang (SN 1979) cùng một người đàn ông đi ô tô màu đen, bế theo bé Hoàng Huyền Thương (khoảng 5 tháng tuổi), đến nhờ bà trông giúp với số tiền 600 nghìn đồng/tháng. Thời điểm đó, chị Trang lấy lý do đi chữa bệnh nên nhờ bà trông cả ngày lẫn đêm.

Thời gian đầu, hai vợ chồng ngày nào cũng sang thăm con, nhưng chị Trang không cho con bú vì lí do “đặc biệt”. Nhớ về những đêm Huyền Thương khát sữa mẹ quấy khóc, bà Bình thương cháu nên phải đi gõ cửa từng nhà đang nuôi con nhỏ trong xóm trọ để xin sữa.

“Ngày 22/2/2005 là ngày ăn hỏi con gái tôi. Tôi gọi điện cho chị Trang sang trông con nhưng không liên lạc được. Ban đầu tôi tưởng ốm đau, nằm viện nên cố gắng chờ đợi. Nhưng 1 tuần, 2 tuần trôi qua vẫn không thể liên lạc. Sốt ruột, tôi đến phòng trọ cô ấy tìm thì được chủ nhà cho biết người này đã chuyển chỗ ở…”, bà Bình kể lại.

Những ngày sau đó, bà Bình đi khắp các bến xe, ga tàu để hỏi thăm, tìm lại người mẹ cho đứa trẻ tội nghiệp, nhưng không có kết quả.

“Có lần tôi nghe tin người ta nói chị Trang làm việc tại Bắc Ninh, tôi bắt xe khách, bế theo cả cháu Thương xuống để tìm. Khi tôi cùng cháu Thương chỉ còn cách chỗ làm của Trang khoảng 50 mét thì thấy chị Trang lên một xe ô tô cùng với một người đàn ông. Tôi có chạy đuổi theo để gọi, nhưng chị ấy không dừng lại. Càng hận Trang bao nhiêu thì tôi lại càng thấy tội Thương bấy nhiêu”, bà Bình kể lại.

Cuộc sống ở quê quá khó khăn, bà Bình mới phải lên Hà Nội kiếm sống. Nhiều người khuyên bà Bình nên gửi Thương vào trại trẻ mồ côi để bớt gánh nặng, nhưng nhìn cháu, bà lại không đành lòng.

“Tôi nuôi cháu từ lúc nó còn đỏ hỏn, khóc ngằn ngặt trên tay tôi vì khát sữa đến khi con cứng cáp. Bà cháu bện hơi nhau nên tôi chẳng nỡ xa. Dù có nghèo nhưng tôi vẫn quyết tâm nuôi dạy cháu nên người. Từ ngày mẹ Thương bỏ đi, không có tiền mua sữa bột, tôi phải mua sữa ông Thọ pha ra cho cháu uống.

Cuối tháng nhận được tiền trông trẻ tôi dành dụm mua cho cháu vài hộp sữa tươi để thay đổi. Khổ nhất là đến thời kỳ cháu ăn dặm, cháu thèm thịt, tôi cũng chỉ dám mua nửa lạng, chia ra làm mấy bữa cho cháu ăn”, bà Bình nói.

Giấy khai sinh của Thương vẫn để trống tên bố mẹ.

Mong ước từ nơi sâu thẳm trái tim

Chấp nhận nuôi Thương như món quà trời ban, cuộc sống của gia đình bà Bình không ít lần rơi vào cảnh bi đát. Người phụ nữ sinh năm 1955 vốn là mẹ của đàn con nhỏ, là trụ cột chính trong gia đình, nuôi thêm Thương thực sự phải gồng gánh thêm rất nhiều. Đầu năm 2006, Thương ốm đau triền miên, tiền thuốc thang rất tốn kém, bà Bình phải vay mượn khắp nơi để đưa cháu đi viện.

“Cứ vài ngày cháu lại ốm, lại đi viện. Vì thế, người ta cũng không thuê tôi trông trẻ nữa. Tôi phải cõng Thương đi nhặt đồng nát quanh khu vực cầu Long Biên, bữa đói bữa no. Đây cũng là quãng thời gian khó khăn nhất của hai bà cháu”, bà Bình kể lại.

Nuôi dưỡng Thương đã khó, làm giấy tờ tùy thân cho cô bé còn gập ghềnh hơn gấp trăm lần bởi mẹ bỏ em đi mà chẳng để lại giấy tờ tùy thân.

“Khi Thương sắp bước vào lớp 1, cháu vẫn không thể làm giấy khai sinh vì không có bố mẹ và không nằm trong hộ khẩu của nhà ai. Tôi đi gõ các cửa, khóc lóc, lạy van khắp nơi. Mất mấy tháng ngược xuôi, nhiều người thấy tôi vất vả nên cho tiền, lúc đó tôi nói: Cho 1 tỷ đồng tôi cũng không cần, nhưng làm ơn cho tôi xin cái giấy khai sinh cho cháu”, bà Bình nhớ lại.

Cuối cùng, với nhiều sự giúp đỡ, bà Bình cũng làm được giấy khai sinh cho Thương. Thế nhưng tờ giấy khai sinh này phần tên bố mẹ để trống. Từ một người dưng, bỗng nhiên bà Bình trở thành người thân duy nhất của Thương. Bà yêu Thương như cháu ngoại, thậm chí còn hơn. Bởi cháu ngoại bà còn có bố mẹ quan tâm chăm sóc, còn Thương thì không.

Bà Bình kể, có lần bà treo thưởng cho Thương, nếu được điểm 10 sẽ thưởng 10 nghìn đồng để bỏ lợn, cuối năm mua quần áo. Thế nhưng, có lúc Thương được 4 điểm 10 cùng lúc, bà không có đủ tiền thưởng cho cháu: “Mỗi lần nghĩ lại quãng thời gian đó, tôi lại thấy ứa nước mắt vì thương con quá, nếu bà không nghèo cháu cũng đỡ khổ”, bà Bình rưng rưng.

Từ khi biết nói, Thương nhiều lần hỏi bà Bình về bố mẹ, những lúc ấy bà Bình lại nói dối: “Bố mẹ con đi làm ăn xa”. Thế nhưng, đến năm Thương học lớp 3, Thương đã biết được sự thật về nhân thân của mình qua lời kể của cô giáo.

“Tối hôm đó về nhà, cháu bỏ ăn, nằm quay mặt vào tường khóc. Những ngày sau đến lớp cũng không nói chuyện, tính cách cũng trầm hơn hẳn. Con bé từ đó hiểu chuyện sớm. Cũng năm ấy cháu thấy xưởng gạch gần nhà thuê người bốc xếp nên đã trốn nhà ra làm thuê. Lúc về tay sưng rộp, rớm máu, tôi giận lắm nhưng không đánh, hai bà cháu cứ ôm nhau khóc…”, bà Bình nói.

Vài năm nay, sức khỏe bà Bình cũng yếu dần với căn bệnh thoái hóa cột sống. Thời gian lấy đi của bà thanh xuân, sức khỏe nhưng bù lại cho Thương sự trưởng thành, chín chắn. Cô bé ngày nào đã trở thành một thiếu nữ tóc dài, đôi mắt mang đậm tâm tư. Lớn lên trong vòng tay bà, Thương hiểu được những vất vả mà bà phải chịu đựng để nuôi em khôn lớn. Năm 2012, em về quê ở cùng bà.

“Sau này em muốn đi làm người mẫu để có thể kiếm được nhiều tiền phụng dưỡng bà. Trước đây đêm nào em cũng nằm mơ được gặp bố mẹ, được bố mẹ cho đi chơi công viên, mua quà, mua gấu bông cho em. Nhưng từ khoảng 2 năm nay, em đã thay đổi suy nghĩ. Em không còn muốn gặp lại bố mẹ nữa. Dù họ có giàu cỡ nào đi nữa, em cũng không cần. Em chỉ cần một mình bà thôi”, Huyền Thương nói.

Bà Bình nay đã gần 70 tuổi, nhưng hàng ngày vẫn nhận trông mấy đứa trẻ quanh xóm để có tiền trang trải cuộc sống. Chuyện cổ tích giữa đời thường của bà Bình thấm thoát cũng 21 năm. Giờ bà Bình chẳng còn sức mà đi tìm mẹ cho đứa cháu tội nghiệp nữa, nhưng sâu thẳm trong trái tim, bà vẫn muốn một ngày nào đó, hai mẹ con được đoàn tụ.

Tác giả: Bảo Hân - Lan Anh

Nguồn tin: giaoducthoidai.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP