Tin Hà Tĩnh

Áp giá đất “trên trời” hàng trăm tỷ đồng đầu tư hạ tầng lãng phí?

Áp giá đất cao ngất ngưỡng, người dân quay lưng, hàng trăm tỉ đồng vốn Nhà nước đầu tư hạ tầng khu dân cư đô thị trở nên hoang hóa, thậm chí người dân dùng để… thả bò. Đó là nghịch cảnh đang diễn ra tại Dự án Hạ tầng khu dân cư đô thị, thương mại và dịch vụ tổng hợp Đông Nam huyện Kỳ Anh. Hai lần đấu giá không bán được một bộ hồ sơ?

Hai lần đấu giá không bán được một bộ hồ sơ?

Không giống các dự án khác, đất đấu giá bán đắt như “tôm tươi”, Dự án Hạ tầng khu dân cư đô thị, thương mại và dịch vụ tổng hợp Đông Nam huyện Kỳ Anh, mặc dù đầu tư hạ tầng hàng trăm tỉ đồng nhưng đã hai lần thông báo bán đấu giá đều bị người dân “quay lưng”. Người dân cho rằng, do giá đất khởi điểm quá cao nên không thể mua nổi? Hàng trăm tỉ đồng ngân sách đầu tư chưa thể thu hồi, khiến nguồn vốn Nhà nước bị ứ đọng, lãng phí.

Hệ thống hạ tầng đã hoàn thiện nhưng do giá quá cao nên khách hàng “quay lưng”

Dự án hạ tầng khu dân cư đô thị, thương mại và dịch vụ tổng hợp Đông Nam huyện Kỳ Anh có diện tích 17,2ha, thuộc địa bàn các xã Kỳ Thư, Kỳ Văn và Kỳ Tân (huyện Kỳ Anh). Trung tâm Phát triển quỹ đất – Sở TNMT Hà Tĩnh làm chủ đầu tư, khởi công từ năm 2016, hoàn thành vào cuối 2017. Dự án được đầu tư hạ tầng hoàn chỉnh gồm các hạng mục: San nền; Kè mương thoát nước; Hệ thống đường giao thông; Hệ thống thoát nước mưa, thoát thải; Hệ thống cung cấp điện, nước... Tổng mức đầu tư 193 tỷ đồng, nguồn vốn vay từ Quỹ đầu tư phát triển Hà Tĩnh và các nguồn vốn hợp pháp khác.

Giai đoạn 1, 88 lô đất được Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản tỉnh Hà Tĩnh thông báo đấu giá quyền sử dụng đất lần một vào ngày 14/12/2017 và lần 2 vào 11/01/2018. Tuy nhiên, cả hai lần thông báo vẫn không bán được hồ sơ.

Bảng áp giá đất cao ngất ngưỡng

Một người dân ở đây cho biết, khi bắt đầu làm hạ tầng, một số hộ dân ở địa phương này rất quan tâm. Bởi khu đất có ở vị trí đẹp, nằm gần thị xã Kỳ Anh, nhất là lại gần Quốc lộ 1A thuận tiện cho việc kinh doanh, thương mại. Tuy nhiên, do mức giá quá cao so với khu vực lân cận, nên sau khi xem bảng niêm yết giá đất, người dân phải ngán ngẫm ra về.

Chị Nguyễn Thị Tứ - một doanh nghiệp ở Kỳ Ninh - Kỳ Anh cho biết: “Mình đang có nhu cầu mua đất để làm văn phòng công ty. Sau khi xem giá đất ở dự án này, thấy giá quá cao so với thực tế nên không tham gia đấu giá nữa, mình chuyển hướng sang mua đất của một hộ dân gần đó, giá chỉ bằng 1/3 so với giá đất tại dự án này”.

Cùng quan điểm, anh Lê Hồng Phong (Kỳ Châu - Kỳ Anh) cho hay: Sau khi hạ tầng hoàn thiện, anh cũng dự định lấy hai lô dùng làm ga ra sửa chửa ô tô. Tuy nhiên, khi xem bảng giá đất thì thấy cao quá nên cũng phải bỏ ý định đấu mua đất ở đây. “Cho dù đầu tư hạ tầng hoàn chỉnh cũng không thể áp một cái giá cao vô lý như thế được, bởi giá thị trường khu vực xung quanh nằm ngay mặt đường 1A giá đất chỉ bằng một nửa khu này. Dại gì chúng tôi bỏ gấp đôi số tiền mình có để đấu giá ở đây, trong khi chỉ cần một nửa số tiền đó chúng tôi có thể mua được một miếng đất khác ngay bên cạnh của dân”. Anh Phong phân tích.

Áp giá “trên trời”, tiền Nhà nước đầu tư để lãng phí

Theo Quyết định số 3643 do ông Đặng Ngọc Sơn- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh ký ngày 8/12/2017 phê duyệt giá khởi điểm bán đấu giá quyền sử dụng đất của 88 lô đất thuộc dự án này, mỗi lô có mức giá từ 960 triệu đến 3.940 triệu. Theo đó, có 24 lô thấp nhất giá 960 triệu đồng, gần 30 lô diện tích chỉ 150m2 nhưng giá 1,2 tỷ đến 1,5 tỷ. Gần một nửa số lô còn lại có giá trên 2 tỷ đến gần 4 tỷ đồng. So sánh bảng giá giá đất khu vực gần đó do địa phương bán đấu giá như: Kỳ Tân, Kỳ Văn thì giá đất ở đây cao gấp 10 đến 12 lần.

Một cán bộ ở công ty định giá độc lập chia sẻ: Nếu so sánh giá đất do UBND tỉnh Hà Tĩnh quy định và giá ở khu vực xung quanh thì việc định giá đất ở dự án này hoàn toàn thiếu cơ sở. Bởi Kỳ Anh từ năm 2016 lại nay không phải là thời điểm “sốt đất” như những năm trước đó. Thứ 2, giá đất khu vực xung quanh chỉ bằng 1/3 thậm chí 1/10 so với đất mà Hội đồng giá tỉnh đưa ra. Thứ 3,theo khung giá đất của tỉnh năm 2015 thấp hơn nhiều lần so với mức giá này.

Hàng trăm tỉ đồng để hoang hóa cho dân thả bò

Ông Từ Hải Đường – Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất Hà Tĩnh (đợn vị chủ đầu tư – PV) thừa nhận: Khi đầu tư dự án, nhiều đơn vị liên quan đã rất kỳ vọng sẽ tạo được nguồn thu lớn cho tỉnh. “Theo quy định của tỉnh, nếu một dự án kiểu này, sau khi trừ chi phí đầu tư, lợi nhuận trên 30% được coi là hiệu quả. Ở dự án này, Hội đồng giá muốn lợi nhuận lên 150 đến 200%. Chính vì giá cao quá nên chúng tôi không bán được. Hiện nay chúng tôi đã làm văn bản gửi UBND tỉnh xin điều chỉnh giá khởi điểm để đấu giá lại.

Một lãnh đạo thuộc Sở TN –MT chia sẻ: “Khi định giá đất UBND tỉnh Hà Tĩnh giao Sở TNMT chủ trì, Sở TNMT thuê Công ty tư vấn giá độc lập cùng với Phòng giá của Sở căn cứ trên các quy định pháp luật để đưa giá hợp lý nhất, nhưng khi trình lên Hội đồng giá, không hiểu vì sao Hội đồng giá lại đề nghị tăng lên 20 - 30% để đến nay “đất vàng” ế ẩm biến thành đất hoang?”.

Mục tiêu của dự án nhằm hoàn thiện kết cấu hạ tầng, tạo quỹ đất để kêu gọi đầu tư, đáp ứng nhu cầu về đất ở, kinh doanh thương mại, dịch vụ và các nhu cầu xã hội khác trong tương lai. Góp phần tăng nguồn thu ngân sách, tạo nguồn lực phát triển kinh tế- xã hội trên địa bàn. Tuy nhiên, đầu tư hàng trăm tỷ đồng tiền ngân sách, đất quy hoạch đến nay không bán được. Nguồn tiền đầu tư hạ tầng bị “tắc nghẽn”, không thể sinh lợi, không thể xoay vòng vốn… ThanhtraVietNam sẽ tiếp tục tìm hiểu và thông tin về vụ việc này.

Tác giả: Ngân Nga

Nguồn tin: thanhtravietnam.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP