Trong nước

Án tình ái, sát hại người thân… làm “nóng” nghị trường Quốc hội

Tại phiên thảo luận công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật ngày 8/11, nhiều đại biểu đã đề cập tội phạm giết người do tình ái, giết người thân,…đang có chiều hướng gia tăng.

Đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp: “Loại tội phạm phát sinh mới như giết người do ghen tuông, tình ái, án mạng trong gia đình, băng nhóm xã hội đen có chiều hướng gia tăng. Đáng chú ý là mua bán người, cho vay nặng lãi, sử dụng mạng viễn thông hoạt động phi pháp gây bức xúc trong nhân dân. Ngoài ra còn có một số tội phạm tuy giảm nhưng hoạt động tinh vi hơn trước, tiềm ẩn nguy cơ cho xã hội như ma túy, cướp tài sản, cá độ trên không gian mạng, xâm hại trẻ em...”

Đại biểu Chu Thị Hồng Thái - Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn: “Tình trạng tội phạm giết người gia tăng, có những vụ việc gây bức xúc dư luận. Tội giết người là một trong những loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, có mức độ nguy hiểm cho xã hội đặc biệt lớn, đề nghị các cơ quan chức năng cần có biện pháp hữu hiệu hơn nữa ngăn chặn tội phạm giết người. Đề nghị Chính phủ, Bộ Công an đánh giá nguyên nhân gia tăng cả số vụ việc, đặc biệt đối tượng giết người lại là người thân trong gia đình. Cần đánh giá về chế tài xử phạt đối với tội phạm giết người trong các quy định của pháp luật hiện hành liệu đã đủ sức răn đe hay chưa”.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương: “Trong khi nhiều loại tội phạm giảm rõ rệt, một số loại tội phạm lại tiếp tục gia tăng, đó là nhóm tội phạm về trật tự xã hội, cụ thể là tội cưỡng dâm, dâm ô người dưới 16 tuổi, tội giết người, mua bán người, thậm chí buôn bán trẻ em. Đây là vấn đề vô cùng nhức nhối khi tính mạng, tinh thần con người bị chà đạp, để lại hậu quả nặng nề”.

Đại biểu Tô Văn Tám - Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum: “Tội phạm giết người (giết người thân), tội phạm xâm hại trẻ em, tội buôn bán người, tội tham nhũng vẫn tiếp tục có xu hướng gia tăng. Việc phòng ngừa các nguyên nhân của các loại tội phạm có ý nghĩa rất lớn trong đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, trong đó cần kết hợp giữa phòng ngừa, tuyên truyền, giáo dục với đấu tranh trấn áp, đặc biệt cần chú trọng phòng ngừa từ gia đình, nhà trường và cơ sở, phát hiện sớm và hóa giải những mâu thuẫn mới phát sinh, không để tích tụ kéo dài; phát hiện, ngăn chặn và loại trừ các điều kiện, nguyên nhân phát sinh tội phạm ngay tại cơ sở”.

Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương: “Tội phạm xâm hại tình dục trẻ em đang có xu hướng gia tăng cao, diễn biến phức tạp và đáng báo động. Đây là một trong những tội phạm rất nguy hiểm, không chỉ gây ra thiệt hại cho xã hội, làm băng hoại nền tảng đạo đức, mà còn gây ra tổn thương nặng nề về thể chất và tâm lý, rất khó khắc phục với nạn nhân. Cần xây dựng một hệ thống pháp luật đồng bộ, mạnh mẽ và hiệu quả, là công cụ hữu hiệu nhất trong hoạt động bảo vệ quyền trẻ em”.

Đại biểu Trần Công Phàn – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương: “Số lượng lớn các đối tượng nghiện ma túy dù ở trong cơ sở cai nghiện hay ở ngoài xã hội mà quản lý không chặt thì đây có thể là nguồn tội phạm, nguồn của vi phạm. Do đó, cần đề rà soát và quản lý chặt nhóm đối tượng này, sau đó tính toán đến hiệu quả của công tác cai nghiện. Điều quan trọng là hạn chế nghiện, giảm tỷ lệ người nghiện, quản chặt cửa khẩu, quản lý biên giới”.

Đại biểu Sùng A Lềnh - Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai: “Tại Việt Nam và nhiều nước trên thế giới cho thấy, việc duy trì hình phạt tử hình là một biện pháp cần thiết để trừng trị, răn đe và phòng ngừa các tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Vì vậy công tác giải quyết hồ sơ án tử hình và quản lý giam giữ thi hành án tử hình là một nhiệm vụ rất quan trọng. Tuy nhiên, việc thực hiện vẫn chưa quyết liệt, chưa kịp thời và chưa đáp ứng yêu cầu đề ra. Công tác giam giữ, thi hành án tử hình có nhiều khó khăn do đối tượng bị kết án từ hình thời gian gần đây tăng nhanh.”.

Đại biểu Cao Mạnh Linh - Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa: “Với sự thay đổi, phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin, ngày nay, môi trường mạng xã hội như một xã hội thứ hai mà tại đó, ngoài đời thực có gì thì trên không gian mạng hầu như cũng có như: lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đánh bạc, chiếm đoạt tài khoản ngân hàng, tín dụng đen, mua bán trái phép vũ khí, chia sẻ thông tin sai sự thật, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác… Ngoài sự đa dạng, phức tạp thì tính chất, mức độ của tội phạm trên không gian mạng còn có góc độ nguy hiểm hơn ngoài đời thực”.

Đại biểu Lý Văn Huấn – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên: “Tình trạng đối tượng phạm tội là người bị tâm thần trong thời gian qua chiếm tương đối cao. Loại tội phạm này chủ yếu là tội phạm xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe như tội cố ý gây thương tích và tội giết người. Các vụ án này sau khi khởi tố, điều tra thường phải đình chỉ vì lý do không cấu thành tội phạm. Nguyên nhân dẫn đến loại tội phạm này gia tăng chủ yếu là công tác quản lý đối với đối tượng tâm thần. Những trường hợp này gia đình ruồng bỏ, xã hội không quan tâm, quản lý không chặt chẽ của các cấp chính quyền địa phương”.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm: “Mặc dù tình hình tội phạm vi phạm pháp luật vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp, có lúc, có nơi nhân dân còn lo lắng, bất an nhưng nhìn chung tổng thể Việt Nam là đất nước an ninh, an toàn so với mặt bằng chung trên thế giới. Có được kết quả này là sự nỗ lực, cố gắng rất lớn của các cơ quan trong hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân, trong đó có vai trò quan trọng của các cơ quan tư pháp, nhất là lực lượng Công an nhân dân”.


Tác giả: Tâm Đức

Nguồn tin: kienthuc.net.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP