Hành động ám sát tướng lĩnh cấp cao của Mỹ không thể khiến Iran ngồi yên. |
“Iran sẽ phải trả đũa”
Sau hành động ám sát tướng Soleimani của Mỹ, Tehran tuyên bố sẽ "trả đũa" thích đáng đối thủ. Ngay lập tức, Washington đã điều thêm 3.000 lính tới Trung Đông. Lo ngại trước nguy cơ va chạm xảy ra, bộ Ngoại giao Mỹ đã kêu gọi các công dân ở Iraq nhanh chóng rời khỏi đất nước này ngay lập tức.
"Iran sẽ phải trả đũa Mỹ", Mark Sleboda, một nhà phân tích an ninh và các vấn đề quốc tế nói với Sputnik.
"Lý do đầu tiên là vì thiệt hại cho đất nước và chủ quyền của họ. Qasem Soleimani không chỉ là một nhà lãnh đạo quân sự đáng kính, thành công mà ông còn là một nhà ngoại giao cực kỳ hiệu quả đối với Iran, cũng như là một nhân vật nổi tiếng đối với người dân trong nước. Với mối quan hệ chặt chẽ với lãnh đạo tối cao Iran Ayatollah Khamenei, vị tướng này còn nằm trong danh sách cân nhắc được chọn làm tổng thống trong tương lai”.
Theo các nhà phân tích, phản ứng ở Iran về cái chết của nhà lãnh đạo lực lượng Quds là rất mạnh mẽ, và ngay cả khi Tehran muốn cố gắng giải tỏa căng thẳng, người dân Iran sẽ yêu cầu phải có một số hành động đáp trả.
"Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là hành động đáp trả sẽ diễn ra ngay lập tức cũng như bắt buộc sự đáp trả phải ở mức độ nào", nhà phân tích Sleboda nêu quan điểm, đồng thời cho rằng tại thời điểm này, Iran sẽ không bước vào cuộc chiến công khai với Mỹ.
"Vụ ám sát chắc chắn là một động thái làm thay đổi cục diện cuộc chơi, làm gia tăng mức độ của cuộc chiến bất đối xứng, hỗn hợp và bí mật đang diễn ra giữa Mỹ, Saudi Arabia, Israel một bên và Iran một bên, vốn đã diễn ra trong nhiều thập kỷ".
Chuyên gia Sleboda tin rằng, các cách trả đũa của Iran có thể liên quan đến hành động của Hezbollah ở Lebanon, Hamas ở Palestine, Lực lượng Huy động Nhân dân (PMF) và các phong trào chính trị ở Iraq.
"Sự phân bổ rộng của các lực lượng này trên khắp khu vực có thể là điều kiện rất tốt để chống lại Mỹ", nhà phân tích nhấn mạnh rằng có rất nhiều căn cứ quân sự của Mỹ và các đại sứ quán ở khu vực Trung Đông có thể trở thành mục tiêu khả thi.
Ngoài ra, các lực lượng thân Iran còn có khả năng tấn công cơ sở hạ tầng của các đồng minh Mỹ, như Israel và Saudi Arabia.
Lời biện minh “vụng về” của Mỹ
Theo chuyên gia Sleboda, sử dụng cái cớ vì mục đích “tự vệ” trong quyết định ám sát tướng Soleimani của Mỹ có vẻ như là một lời biện minh không thuyết phục và vụng về.
Đám tang tướng Soleimani của Iran. |
"Họ tuyên bố đã nắm được kế hoạch của tướng Soleimani về ý định tấn công người Mỹ đâu đó ở Trung Đông", nhà phân tích an ninh nói. "Nhưng họ đã không cung cấp bằng chứng nào về việc này. Việc ám sát một người không phải là cách tự vệ được ghi trong quy tắc của Liên Hợp Quốc. Cụm từ tự vệ thường Mỹ và một số nước khác sử dụng để biện minh cho các cuộc tấn công phủ đầu”.
Thực tế là Mỹ đã lên kế hoạch nhằm mục tiêu tướng Qasem Soleimani trong một thời gian dài
"Các chính quyền trước đây, bao gồm cả chính quyền Obama, cũng đã cân nhắc ám sát Soleimani với lý do chủ yếu là chống lại lợi ích của Mỹ”, chuyên gia Sleboda nói thêm.
Âm mưu sâu xa
Chuyên gia Sleboda không loại trừ việc sát hại tướng Soleimani là một phần trong kế hoạch to lớn hơn nhằm thúc đẩy sự thay đổi chính trị ở Iran và người đứng đầu lực lượng Quds sẽ không phải là nhân vật quan trọng cuối cùng mà Mỹ muốn loại bỏ.
Larry Johnson, cựu nhà phân tích của CIA chia sẻ mối lo ngại của chuyên gia Sleboda khi cho rằng Mỹ có thể lên kế hoạch tấn công từng nhân vật quyền lực của Iran để phá hoại Chính phủ nước này.
"Tôi tin rằng chính quyền Trump đang tính toán đến việc nhằm vào các mục tiêu quan trọng của Iran, tương tự như Soleimani, để ủng hộ cho phe đối lập", ông nói. "Tuy nhiên, cuộc tấn công như vậy dường như sẽ chỉ tăng thêm sự ủng hộ cho chính quyền hiện tại”.
Johnson cảnh báo, "sẽ có thêm nhiều cuộc tấn công và điều này sẽ tiếp tục kích động người Iran, làm tăng nguy cơ các hành động trả đũa, cũng như leo thang thành một cuộc chiến toàn diện”.
Về phần mình, nhà phân tích chính trị người Canada Christian Assad nhấn mạnh với Sputnik rằng, "vụ ám sát có chủ đích đối với tướng Soleimani là một lời tuyên chiến rõ ràng và phá hủy hoàn toàn Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA)".
“Chúng ta sẽ phải chờ xem Trung Quốc, Nga và các nước khác có thể gây áp lực đủ lớn để làm mát gót chân của Mỹ hay không”, ông nói.
Tác giả: Mạnh Kiên
Nguồn tin: Báo Người Đưa Tin