Ngày 15/5, Bộ Công an đưa ra thông báo đề nghị các cá nhân, tổ chức cung cấp thông tin, tài liệu phục vụ công tác điều tra vụ án “Giả mạo trong công tác” xảy tại trường Đại học Đông Đô.
Để phục vụ công tác điều tra vụ án, Bộ Công an cũng đề nghị các cơ quan, tổ chức, cơ sở đào tạo rà soát hồ sơ đã tiếp nhận của cán bộ, học viên, nghiên cứu sinh. Những người này nếu có sử dụng bằng cử nhân ngôn ngữ Tiếng Anh hệ chính quy, văn bằng 2 do đại học Đông Đô cấp thì thông báo ngay cho Bộ Công an.
Bên cạnh đó, các cá nhân đã được đại học Đông Đô cấp bằng cử nhân ngôn ngữ Tiếng Anh, hệ chính quy, văn bằng 2 cũng như các cơ sở liên kết tuyển sinh, đào tạo và các cá nhân đã tham gia tuyển sinh, đào tạo cũng cần trình báo để làm việc và cung cấp thông tin, tài liệu phục vụ điều tra. Nhằm đảm bảo thời hạn điều tra vụ án, các tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp thông tin, tài liệu trước ngày 25/6.
Ngay sau khi thông báo này được đưa ra, theo tìm hiểu của Đất Việt, nhiều người đặt ra câu hỏi: Ai sẽ là người tự nguyên đứng ra trình báo mình đang sở hữu văn bằng 2 tiếng Anh do đại học Đông Đô cấp?
Nhiều cán bộ Đại học Đông Đô tự ý mở chương trình đào tạo tiếng Anh khi chưa được cấp phép. |
Anh Phan Hoài Minh (ngụ TP. Hà Nội) bày tỏ: "Với những người từng học văn bằng 2 tiếng Anh ở đại học Đông Đô đang làm trong doanh nghiệp tự nhân thì không nói làm gì vì chủ yếu vẫn phụ thuộc vào năng lực làm việc nhưng với những cơ quan Nhà nước, bằng cấp là tiêu chí để tuyển dụng thì liệu họ có dám đứng ra tự trình báo, để rồi bằng bị thu hồi dẫn đến vị trí làm việc bị ảnh hưởng?".
Trong khi đó, chị L.T.T (ngụ Q. Ba Đình, TP. Hà Nội) nhận mình đang có văn bằng 2 tiếng Anh khi nhiều năm trước theo học tại trường đại học Đông Đô. Tuy nhiên, chị T. cho biết, người theo học không biết được chương trình đó chưa được cơ quan chức năng cấp phép, chỉ thấy trường đăng tin tuyển sinh, đào tạo thì đăng ký theo học.
"Quá trình học cũng phải đến trường, vượt qua các kỳ sát hạch như theo học tại nhiều nơi khác. Bây giờ nếu như trình báo thì tấm bằng đó bị thu hồi, vậy ai sẽ là người đền bù thiệt hại cho những học viên từng theo học và được cấp bằng" - chị T. lo lắng.
Liên quan đến vụ án này, hiện Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú, lệnh khám xét chỗ ở, nơi làm việc về tội "Giả mạo trong công tác" đối với 4 bị can, gồm: Dương Văn Hòa (Hiệu trưởng Trường đại học Đông Đô); Trần Ngọc Quang (Phó Trưởng phòng Phòng Đào tạo và quản lý sinh viên Trường đại học Đông Đô); Phạm Vân Thùy (cán bộ Trường đại học Đông Đô) và Lê Thị Lương (cán bộ Trường đại học Đông Đô).
Trong vụ án này còn có bị can Trần Khắc Hùng (Chủ tịch HĐQT kiêm Viện trưởng Viện Đào tạo liên tục Trường đại học Đông Đô), tuy nhiên, vào thời điểm khởi tố, bị can Hùng bỏ trốn, hiện đang bị truy nã.
Các bị can trong vụ án này bị khởi tố để điều tra về việc tổ chức tuyển sinh, đào tạo bằng đại học thứ hai hệ chính quy ngành ngôn ngữ Anh khi chưa được phép.
Cụ thể, lợi dụng nhu cầu học của một bộ phận người dân cần có văn bằng, chứng chỉ phục vụ cho kỳ thi tuyển, thi nâng ngạch viên chức, công chức…, các bị can đã cấu kết với nhau tổ chức tuyển sinh, đào tạo và cấp bằng đại học thứ hai hệ chính quy ngành ngôn ngữ Anh cho các học viên và liên kết với các trung tâm bên ngoài để tuyển sinh.
Mức học phí cho văn bằng 2 tiếng Anh do Hiệu trưởng Trường đại học Đông Đô ký năm học 2018-2019 là 29,82 triệu đồng và 35 triệu đồng.
Tác giả: Ngọc Vân
Nguồn tin: Báo Đất Việt