Hương Khê

Ai tiếp tay cho lâm tặc phá rừng phòng hộ Sông Tiêm?

Thời gian gần đây, dư luận rất quan tâm đến việc trên địa bàn huyện Hương Khê xuất hiện nhiều đối tượng vận chuyển gỗ lậu trái phép. Một câu hỏi được đặt ra là: số lượng gỗ đó có nguồn gốc từ đâu và bằng cách nào để có thể lọt qua sự kiểm soát của các cơ quan chức năng trên địa bàn? Phóng viên Báo Hà Tĩnh đã có cuộc đột nhập vào thượng nguồn rừng phòng hộ Sông Tiêm và phát hiện một thực trạng chua xót: lâm tặc đang ngày đêm “xẻ thịt” rừng một cách trắng trợn, không thương tiếc…

Vào cuộc…

Mờ sáng 17/8, tôi cùng anh bạn đồng nghiệp có mặt tại xã Phú Gia (Hương Khê) để bắt đầu cuộc hành trình xâm nhập vào tiểu khu 247 thuộc Rừng phòng hộ Sông Tiêm, nơi được xác định là điểm nóng của nạn khai thác gỗ trái phép.

Ai tiếp tay cho lâm tặc phá Rừng phòng hộ Sông Tiêm? (bài 1): Đột nhập “điểm nóng” 247
Những thân cây gỗ lâu năm bị lâm tặc đốn hạ không thương tiếc.

Tiểu khu 247 cách thị trấn Hương Khê chừng hơn 37 km. Chúng tôi đi qua Đồn Biên phòng Phú Gia, 2 trạm và 3 tổ bảo vệ rừng Cây Trồ (thuộc BQL Rừng phòng hộ đầu nguồn Sông Tiêm) rồi tiếp tục đi bộ men theo Rào Trình chừng 1 km thì tới dốc Hạ Độ (cạnh chân núi, điểm bắt đầu lên rừng).

Dẫn chúng tôi xâm nhập vào khu rừng phòng hộ này là K. (tên nhân vật đã được thay đổi) một người rất am hiểu về “đường đi, nước bước” của lâm tặc. K. chỉ tay vào những tảng bê tông, tảng đá to trên Rào Trình và cho biết, đường chúng tôi đang đi, nguyên là đường vận chuyển gỗ trước đây của lâm tặc và đã bị lực lượng chức năng triệt cấm.

Từ dốc Hạ Độ, nhóm chúng tôi men theo đường mòn của lâm tặc để lại, bò lên “điểm nóng” dốc Đá Trụt – nơi tích trữ gỗ của lâm tặc. Người dẫn đường dặn: không dùng máy chụp ảnh, quay phim, nếu thấy người làm gỗ chỉ cười xã giao rồi cúi đầu mà đi, tuyệt đối không được hỏi han, nếu không sẽ nguy hiểm đến tính mạng…

Ai tiếp tay cho lâm tặc phá Rừng phòng hộ Sông Tiêm? (bài 1): Đột nhập “điểm nóng” 247
Những bê gỗ to và dài đang nằm ngổn ngang đang chờ “lâm tặc” kéo về điểm tập kết.

Nhìn bề ngoài, cánh rừng phòng hộ là một màu xanh bát ngát, nhưng khi xâm nhập vào bên trong, chúng tôi đã thấy rõ dấu vết của những lần lâm tặc “oanh tạc” trước đây. Đó là những dấu cây bị chặt phá, những cây gỗ mục nát nằm ngổn ngang trên đường, bên cạnh những vết lằn do trâu kéo gỗ để lại,…

Theo K., dốc Đá Trụt nằm giữa lưng chừng núi, có độ cao 600m so với chân núi, dọc đường đi có nhiều dốc cao, hiểm trở, dễ trơn trượt. Đi được chừng 45 phút, tôi bắt đầu nghe rõ tiếng máy cưa xăng của lâm tặc, K. bảo: “Đó là tiếng cưa của nhóm lâm tặc khác đang chặt phá ở khu vực động Hang Dơi (cùng thuộc tiểu khu 247), ở đây có khoảng 4 – 5 nhóm lâm tặc hoạt động bất kể ngày đêm…”.

Khoảng 12h trưa, khi chúng tôi đang dần đuối sức vì phải leo một quãng đường rừng dốc đứng thì nghe tiếng gỗ va đập và tiếng lâm tặc đang quát trâu. K. thông báo, sau dốc núi này là đến dốc Đá Trụt, rồi căn dặn chúng tôi nhớ để điện thoại chế độ yên lặng.

Chạm trán với lâm tặc

Khom mình dưới những hang lá trong rừng, chúng tôi rón rén theo chân K., hồi hộp tiến về dốc Đá Trụt. Cách “điểm nóng” khoảng 100m, chúng tôi nấp sau những cây rừng cổ thụ để theo dõi hoạt động của lâm tặc mà không dám ra ngoài, K. cảnh báo: “Nếu lộ thì tiêu!”.

Ai tiếp tay cho lâm tặc phá Rừng phòng hộ Sông Tiêm? (bài 1): Đột nhập “điểm nóng” 247
K. cho biết: “Số gỗ này đã bị BQL Rừng phòng hộ Sông Tiêm phát hiện và xử lý bằng cách cắt gỗ. Nhưng không hiểu vì sao BQL lại cắt gỗ rất “nương tay” cho lâm tặc…(?!)

Đợi cho tiếng người và tiếng gỗ va chạm không còn nữa, chúng tôi quyết định rời khỏi chỗ ẩn nấp. Thật bất ngờ, trước mắt là những bê gỗ to và dài đang nằm ngổn ngang trên dốc đá cao chừng 100m cùng những phản gỗ to để lót đường và những vết gỗ trượt xuống tận chân núi.

K. thông báo: lâm tặc đã chuyển hướng và đến khoảng 3h chiều thì sẽ quay lại để kéo gỗ về đến điểm tập kết là bãi bốc Rào Trình; mọi người có gần 3 tiếng để vừa tác nghiệp vừa rút lui.

Dốc Đá Trụt gồm nhiều đoạn dốc khác nhau, nơi đây đã gắn kết không chặt và nếu đi không khéo, rất dễ trượt chân. Chúng tôi đếm được tổng cộng 32 bê gỗ vuông có độ dày chừng 30 – 40 cm, có chiều dài khoảng 5m và 3 cột gỗ nhà lớn. Số gỗ trên ước chừng hơn 12 khối, gồm các loại: táu, dỗi, vàng tim và dạ hương. Theo K., “nếu số gỗ này ra được cửa rừng sẽ có tổng trị giá theo thị trường khoảng 250 triệu đồng”.

Quan sát trên những bê gỗ này có nhiều dấu cưa cắt sâu khoảng 2 cm. K. cho biết: “Số gỗ này đã bị BQL Rừng phòng hộ Sông Tiêm phát hiện và xử lý bằng cách cắt gỗ. Nhưng không hiểu vì sao BQL lại cắt gỗ rất “nương tay” cho lâm tặc…(?!). Việc xử lý bằng cách cắt gỗ như thế này là trái quy định pháp luật”.

Khoảng 2h chiều, chúng tôi rời dốc Đá Trụt thì “chạm mặt” với nhóm lâm tặc lên kéo gỗ về. Tất cả chúng tôi nhanh chóng nấp sau lùm cây rồi tháo chạy theo chân K. bằng đường vòng để xuống rừng. Vì đường vòng có nhiều cây cối rậm rạm, dây leo chằng chịt nên chúng tôi gây ra tiếng động và bị phát hiện. Một nhóm lâm tặc vừa hô hoán, vừa đuổi theo, nhưng thật may mắn, chúng tôi đã chạy thoát!.

Trên đường rút lui khỏi “điểm nóng”, phía bên kia khu rừng đối diện tiểu khu 247 tiếng máy cưa xẻ gỗ của lâm tặc vẫn gầm rú giữa đại ngàn…

Video cận cảnh đột nhập “điểm nóng” 247:

Gỗ lậu được các đối tượng tập kết tại bãi bốc Rào Trình, sau đó vận chuyển bằng xe công nông. Để ra khỏi địa bàn thì duy nhất chỉ đi theo con đường được kiểm soát bởi các lực lượng: Ban quản lý (BQL) Rừng phòng hộ Sông Tiêm, Đồn Biên phòng Phú Gia, Hạt Kiểm lâm Hương Khê…

Cuộc “đàm phán” trên cung đường độc đạo

Sau khi thoát nạn tại tiểu khu 247, chúng tôi rời thượng nguồn rừng phòng hộ Sông Tiêm khi bóng chiều đã ngả. Trên con đường độc đạo trở về thị trấn Hương Khê, chúng tôi bắt gặp nhiều xe máy chở những tấm gỗ cồng kềnh đã được xẻ hình hộp nhỏ về xuôi mà chẳng mảy may có chút biểu hiện lén lút. Phải khẳng định rằng, để đưa gỗ từ tiểu khu 247 ra khỏi địa bàn, chỉ có con đường duy nhất là phải vượt qua 5 chốt chặn của các lực lượng chức năng.

Ai tiếp cho lâm tặc tàn phá rừng phòng hộ Sông Tiêm? (Bài cuối): “Con voi chui lọt lỗ kim”?!
Xe máy ung dung chở những tấm gỗ cồng kềnh đã được xẻ hình hộp nhỏ về xuôi

Chúng tôi đang đi trên đường, thì K. nhận được tin: một xe công nông lắp đầy 12 bê gỗ hộp đang chuẩn bị xuất phát. K. bật loa ngoài điện thoại cho chúng tôi nghe:

– Họ không cho đi!

K. hỏi: – Ai không cho, già hay trẻ? (người gác trạm nhiều tuổi hay ít tuổi – PV).

– Trẻ cho đi, già không, đưa rồi mà không nhận!

K. nói: – Có trùm bạt không, mấy bê?

– Không trùm bạt. Có 12 que (12 bê)

K. nói: – Chúng mày có bị chi không. Đi giữa ban ngày thì lấy bạt trùm vào, a-b-c để về tao lo sau…

Sau đó, K. liền gọi điện “điều khiển” cho người mà chúng tôi phỏng đoán là trực chốt ở trạm kiểm soát. Và, kết quả sau mười lăm phút, chiếc xe chở 12 bê gỗ hộp báo lại đã đi lọt qua trạm kiểm soát một cách “thông thường”…

K. cho biết thêm: “Số gỗ trong rừng hôm nay các chú quay phim phải 4 ngày nữa mới ra”… Chúng tôi chưa tin, liền hỏi: “Đưa gỗ ra ngoài chắc cũng khá tốn kém?”. K. đáp: “Xe vừa rồi cũng hết 6 chai (6 triệu), lo từ A-Z, còn cụ thể dài lắm, tùy thuộc vào lượng gỗ, giờ giấc và rủi ro, gỗ chủ yếu ra buổi tối”…

Những điều K. vừa trao đổi với chúng tôi thực hư chưa rõ. Nhưng có một sự thực là gỗ bị khai thác vẫn nằm “lăn lóc”, ngổn ngang trong rừng.

“Con voi chui lọt lỗ kim”?

Trao đổi với chúng tôi, Thiếu tá Trần Mạnh Hùng – Chính trị viên Đồn Biên phòng Phú Gia cho biết: “Từ đơn vị về thị trấn Hương Khê chỉ duy nhất một con đường có thể lưu thông bằng phương tiện vận tải. Nếu có gỗ lậu thì cũng rất khó để có thể lọt qua sự kiểm soát của các lực lượng cắm chốt trên tuyến đường. Từ đầu năm đến nay, lực lượng chúng tôi chưa phát hiện và bắt giữ trường hợp nào liên quan đến hoạt động gỗ lậu”.

Ai tiếp cho lâm tặc tàn phá rừng phòng hộ Sông Tiêm? (Bài cuối): “Con voi chui lọt lỗ kim”?!
Đây chỉ là ít cành còn sót lại, người dân vào rừng tận dụng?

Thiếu tá Hồ Sỹ Thắng – Phó đồn Biên phòng Phú Gia cho biết thêm: “Không biết các anh nắm thông tin ở đâu nhưng nói khai thác gỗ lậu thì to tát quá, chỉ là ít cành còn sót lại, người dân vào rừng tận dụng. Rừng phòng hộ Sông Tiêm làm gì còn gỗ nữa mà khai thác”.

Thiếu tá Thắng nói thêm: “Còn những vấn đề này khác thì để chúng tôi nắm lại đã vì phần lớn anh em ở đơn vị đều mới chuyển về công tác”.

Ông Dương Ngọc Anh – Phó hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Hương Khê (phụ trách pháp chế) cho biết: “Tình trạng khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép trên địa bàn như phóng viên phản ánh thì chỉ xảy ra những năm trước, còn từ đầu năm lại nay, chúng tôi luôn phối hợp và có mặt cùng lực lượng Đồn Biên phòng Phú Gia kiểm soát chặt chẽ và không phát hiện trường hợp nào vi phạm”.

Ông Nguyễn Hữu Thinh – quyền Trưởng BQL Rừng phòng hộ Sông Tiêm (đơn vị chủ rừng) cho biết, diện tích rừng đơn vị quản lý luôn được bảo vệ nghiêm ngặt, từ đầu năm lại nay, chỉ mới bắt giữ 1 trường hợp vận chuyển lâm sản trái phép nhưng số lượng nhỏ, đơn vị đã xử lý kịp thời.

Tìm hiểu thêm, chúng tôi được biết, ngày 18/8, các đơn vị gồm BQL Rừng phòng hộ Ngàn Sâu, Hạt Kiểm lâm Hương Khê đã có sự phối hợp kiểm tra tại tiểu khu 247 thuộc rừng phòng hộ Sông Tiêm. Tuy nhiên, kết quả báo cáo không phát hiện bất kỳ một hoạt động nào có dấu hiệu khai thác lâm sản trái phép.

Theo kiểm đếm của chúng tôi, để về xuôi, gỗ lậu phải “chui lọt” ra khỏi cửa rừng và qua 2 trạm bảo vệ, 3 tổ bảo vệ rừng thuộc BQL Rừng phòng hộ Sông Tiêm; Đồn Biên phòng Phú Gia; Trạm Kiểm lâm Ga thuộc Hạt Kiểm lâm Hương Khê. Không lẽ, “con voi lại chui lọt lỗ kim”?!

Bảo Trung – Đức Cảnh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP