Ngày 3.11 vừa qua, Bộ Nội vụ đã có văn bản chỉ đạo tỉnh Hà Tĩnh về việc giải quyết các kiến nghị của 214 giáo viên tại hai hai địa phương trên. Trong đó, thứ trưởng Bộ Nội vụ đã đề nghị UBND tỉnh Hà Tĩnh tiến hành kiểm điểm và xử lý trách nhiệm đối với cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan đến các sai phạm trong tuyển dụng, ký hợp đồng, thực hiện chế độ BHXH đối với đội ngũ giáo viên ở hai địa phương.
Những sai phạm của UBND huyện Kỳ Anh trong việc tuyển dụng, sử dụng lao động hợp đồng đối với số giáo viên này đã được đề cập nhiều lần.
Trong buổi làm việc giữa Bộ Nội vụ và tỉnh Hà Tĩnh vào ngày 26/10, ông Nguyễn Thiên, Phó chủ tịch UBND tỉnh đã bức xúc và chỉ trích gay gắt những sai phạm của huyện Kỳ Anh. Tuy nhiên, dư luận cho rằng vị phó chủ tịch tỉnh cũng nên thẳng thắn thừa nhận trách cá nhân vì đã buông lỏng quản lí lĩnh vực mình phụ trách trong một thời gian dài. |
Trong làm việc vào sáng 26.10, có sự tham gia của đoàn công tác Bộ Nội vụ, ông Nguyễn Thiện, phó Chủ tịch UBND cũng đã thẳng thắn: nguyên nhân dẫn đến sự việc là do sai phạm của UBND huyện Kỳ Anh cũ đã không thực hiện đúng quy định, chưa qua thi tuyển và xét tuyển mà đã ký hợp đồng lao động (HĐLĐ) với các giáo viên, không quan tâm thực hiện các chính sách đối với giáo viên. Ông cũng rất bức xúc và chỉ trích những sai phạm của huyện này. Ông cho biết thêm, ở Kỳ Anh, theo như số liệu báo cáo thì bậc THCS còn thừa 24 giáo viên nhưng vẫn nhận hợp đồng đến 109 người, bậc tiểu học thiếu 77 giáo viên nhưng lại hợp đồng đến 103 người…
Tuy nhiên, nhiều ý kiến dư luận băn khoăn, vì sao những sai phạm này của UBND huyện Kỳ Anh (cũ) có thể diễn ra và kéo dài một thời gian như vậy mà không bị phát hiện? hay bị phát hiện mà không bị nhắc nhở và xử lý một cách quyết liệt? Cuối cùng “vỡ lỡ” khi Sở Nội vụ chỉ đạo huyện cắt lao động hợp đồng không qua tuyển dụng khi huyện này thực việc chia tách.
Còn nhớ, trong phát biểu của mình tại cuộc họp ngày 26.10, ông Nguyễn Phi Quang, giám đốc Sở Nội vụ cho biết: Trong năm 2013, nhận thấy sai phạm của huyện Kỳ Anh trong việc tuyển dụng và sử dụng giáo viên hợp đồng, Sở đã thành lập đoàn thanh tra về chỉ đạo xử lý, tuy nhiên huyện vẫn tiếp tục sai phạm.
Như vậy, những sai phạm của huyện Kỳ Anh không bất ngờ với các lãnh đạo của Sở Nội vụ Hà Tĩnh. Vậy tại sao thời điểm đó, khi đã phát hiện ra sai phạm trên nhưng Sở lại không chỉ đạo quyết liệt để huyện Kỳ Anh chấm dứt và khắc phục tình trạng trên? Tại sao Sở không dứt khoát chấn chỉnh tình trạng này? để rồi, ngoài các hợp đồng lao động đã ký trước đó, các hợp đồng lao động với không ít giáo viên khác vẫn tiếp tục được huyện này ký.
Đặc biệt hơn nữa, là người chịu trách nhiệm quản lý trực tiếp mảng giáo dục của tỉnh nhà, dư luận không ít người thắc mắc về trách nhiệm của ông Nguyễn Thiện, phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh với tư cách là người đứng đầu khi sự việc xảy ra trong lĩnh vực mà ông quản lý?
Một vấn đề nữa được đặt ra là, huyện Kỳ Anh quyết định vào giao các trường ký hợp đồng lao động. Vậy kinh phí mà huyện Kỳ Anh trả cho các giáo viên lấy ở đâu?
Một lãnh đạo huyện Kỳ Anh cũ (vừa nghỉ hưu) cho biết: lương của 214 giáo viên này được huyện chi trả, vì các trường làm gì có kinh phí. Thực tế, trong mấy năm liền huyện Kỳ Anh không tổ chức tuyển dụng giáo viên, trong khi đó các trường lại thiếu, mà kinh phí để tự hợp đồng không có nên huyện mới đứng ra quyết định việc ký hợp đồng với giáo viên. Và số tiền cho các giáo viên này được lấy từ tiền chi cho sự nghiệp giáo dục hằng năm của huyện được trên cấp. Số tiền này hằng năm được Sở Tài chính Hà Tĩnh quyết toán và cấp xuống chi trả cho các giáo viên hợp đồng này. Hay nói cách khác, số tiền chi trả cho các giáo viên hợp đồng đều được huyện báo cáo Sở Tài chính để được cấp.
Mặc dù đã được Bộ Nội vụ cùng các cơ quan ban ngành quan tâm, nhưng xem ra con đường quay lại bục giảng của 214 giáo viên còn lắm gian nan |
“Sở Tài chính biết việc này”, vị lãnh đạo cũ của huyện Kỳ Anh nói.
Nếu đúng như vị lãnh đạo trên nói, thì Sở Tài chính khi tham mưu cấp nguồn đã không thấy được những bất cập của việc chi trả tiền cho các giáo viên lao động hợp đồng như vậy của huyện Kỳ Anh, nhất là trong tương quan với các huyện khác? hay biết nhưng vẫn tham mưu cấp tiền xuống cho địa phương trên chi trả một cách không hợp lý cho các giáo viên bị ký hợp đồng sai quy định? Với 214 giáo viên, số tiền hằng năm Sở Tài chính tham vưu ủy ban tỉnh cấp về chắc chắc là một con số không hề nhỏ.
PV đã liên hệ với ông Lê Quang Diên, trưởng phòng Ngân sách huyện- xã Sở Tài chính để tìm hiểu kĩ hơn về vấn đề này. Tuy nhiên ông Diên cho biết phải xem lại cụ thể chứ chưa nắm được sự việc.
Những chi tiết nêu trên cho thấy sự quản lý thiếu chặt chẽ, quyết liệt cũng như thiếu sự phối hợp chặt chẽ của các đơn vị liên quan trong việc để xảy ra sai phạm lâu dài của huyện Kỳ Anh.
Đặc biệt nhất là Sở Nội vụ đã biết rõ sai phạm nhưng vẫn “thả lỏng” cho huyện Kỳ Anh tiếp tục sai. Nếu như không có việc chia tách địa giới hành chính thì những sai phạm trong tuyển dụng, ký hợp đồng lao động với các giáo viên này chắc chắn sẽ còn kéo dài, và những người chịu thiệt thòi cuối cùng lại chính là các giáo viên.
Mai Nguyễn / Tầm Nhìn