Tin Liên Quan

Ai “bảo kê” cho cát tặc tung hoành trên sông Gianh? (bài 2)

 Theo Giấy phép khai thác khoáng sản số: 1294 /GP-UBND, ngày 5/6/2013 mà UBND tỉnh Quảng Bình cấp cho Công ty TNHH Đức Toàn, thì công ty này được cấp phép khai thác cát làm vật liệu xây dựng thông thường bằng phương pháp lộ thiên tại mỏ cát bãi Rì Rì, xã Văn Hóa với công suất khai thác: 15.000 m3/ năm và thời hạn khai thác là 20 năm.

Việc khai thác cát trái phép trên lòng sông Gianh có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng về môi trường như: sạt lỡ, xói mòn, thay đổi dòng chảy… Nhưng bên cạnh đó việc vận chuyển lượng cát khai thác trái phép này ra khỏi địa bàn cũng gây thất thoát cho tỉnh Quảng Bình một lượng tài nguyên lớn, nhà nước mất đi một khoản thu không nhỏ từ phí tài nguyên. Vậy mà hằng ngày hàng ngàn khối cát lậu vẫn qua mặt cơ quan chức năng tuồn về Vũng Áng (Hà Tĩnh).
Mỏ cát Của Công ty TNHH Đức Toàn vẫn đang hoạt động ngay giữa ban ngày
Ngang nhiên
Vào dịp trước và trong những ngày tết Nguyên đán, khi xâm nhập thực tế qua QL 12A đoạn từ xã Tiến Hóa, huyện Tuyên Hóa xuống thị trấn Ba Đồn, huyện Quảng Trạch, PV bắt gặp những đoàn xe tải nối đuôi nhau chở cát chạy về hướng QL 1A. Các xe tải này luôn được trùm bạt kín nhưng vẫn dễ dàng phát hiện ra các xe này chở cát vì nước trong các xe này chảy ướt cả một làn đường bên phải hướng xe chạy.
Các đoàn xe tải này bốc cát từ các điểm khai thác lậu chủ yếu ở các xã Quảng Liên, Cảnh Hóa, huyện Quảng Trạch và Tiến Hóa, Văn Hóa, huyện Tuyên Hóa. Và điểm đến là Hà Tĩnh (chủ yếu là bán ở Cảng Vũng Áng ).
Được biết trên địa bàn hai huyện Quảng Trạch và Tuyên Hóa hiện tại có khoảng 27 mỏ cát đang được quy hoạch để cấp phép. Riêng huyện Tuyên Hóa có 12 mỏ, trong đó chỉ có 1 mỏ được cấp phép là mỏ cát của Công ty TNHH Đức Toàn đóng trên địa bàn xã Văn Hóa, huyện Tuyên Hóa. Điều đáng nói ở đây là mặc dù được cấp phép khai thác nhưng mỏ cát này vẫn chưa hoàn chỉnh đầy đủ các quy định nhưng vẫn ngang nhiên hoạt động một quy mô rất lớn.

Máy xúc đang bốc cát lên xe tải tại mỏ cát của Công Ty TNHH Đức Toàn

Nhưng thực tế, theo quan sát và tìm hiểu của PV thì mỗi ngày tại bãi đáp của công ty này mỗi ngày có khoảng gần 30 chuyến xe trọng tải hơn 20 khối xuất bến đi bán, đó chỉ là lượng cát xuất bến đi, còn thực tế khai thác và còn tập kết dự trữ tại bãi rất nhiều. Như vậy với công suất khai thác như thế này thì chỉ trong vòng chưa đầy 2 tháng công ty này đã hết công suất cho phép. Thực tế này được rất nhiều phản ánh.

Công ty hiện có hơn 20 chiếc thuyền chưa  được đăng kiểm hết theo quy định vẫn ngang nhiên hoạt động. Bãi đổ của Công ty này vẫn chưa được đấu nối theo quy định cấp phép nhưng hàng ngày cát vẫn được đưa vào bãi và bốc lên xe tải vận chuyển đi bán.
“Nếu sai thì họ đã bắt dừng”

Để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề trên, ngày 10/2/2013, PV đã có buổi làm việc với ông Trần Văn Vĩnh –  Giám đốc Công ty TNHH Đức Toàn. Ông Vĩnh cho rằng: “Mỏ cát của công ty hoạt động khai thác là không sai, nếu sai thì sao cơ quan chức năng không bắt dừng đi…”. Khi được hỏi về đội thuyền khai thác và bãi đáp chưa được phép đấu nối thì ông Vĩnh phân trần: “Đội thuyền đang “chuẩn bị” được học khóa đào tạo, còn về bãi đáp thì công ty không biết cơ quan chứ năng mới thông báo sau này”.

Hàng ngày có khoảng 30 chiếc xe trọng tải hơn 20 tấn xuất bến cát Đức Toàn
Việc Công ty TNHH Đức Toàn được phép hoạt động lâu nay đã gây không ít bức xúc cho người dân sống gần đây, đặt biệt các hộ dân sống ngay trên đò và chuyên là nghề khai thác cát. Vì tất cả đều bị cấm mà chỉ mỗi công ty này được phép hoạt động. Nhiều người dân đã có ý kiến phản ánh tại các cuộc họp tiếp xúc cử tri ở xã, Cảnh Hóa.
Được biết, tại kỳ họp thứ 7, HDND tỉnh Quảng Bình, Đại biểu HDND xã Cảnh Hóa đã có ý kiến: “Tại sao nhà nước có chính sách bình ổn giá, mà lại cấm hết tất cả các hoạt động khai thác cát trên địa bàn, chỉ cho mỗi Công ty TNHH Đức Toàn khai thác. Đến khi không có cát xây dựng người dân lên mua cát của Công ty này thì bị đẩy giá từ 40 ngàn đồng/1 khối lên 80 ngàn/ 1 khối, thậm chí mua với khối lượng lớn còn mua vài ba khối công ty này không thèm bán mà để bán đi Hà Tĩnh”. Mặc dù câu hỏi này mang rất nhiều bức xúc từ nhân dân nhưng cũng chưa được các lãnh đạo trả lời một cách thỏa đáng.

Đội thuyền và dàn hút hùng hậu
Ai “bảo kê” cho cát tặc?
Công ty TNHH Đức Toàn mặc dù được cấp phép nhưng chưa đầy đủ theo quy định nhưng vẫn độc tôn ngang nhiên khai thác và vận chuyển cát đi bán lâu nay mà chẳng có bất kỳ cản trở nào từ các cấp các ngành. Điều này gây ra sự bất bình trong người dân khai thác cát. Liệu chăng, có các bàn tay lớn nào từ trên che chở, hay có sự bảo kê của các cơ quan công quyền cho công ty này?!
Việc “cát tặc” hoạt động với nhiều hình thức, có thể cả đêm và ngày, khai thác nhiều chổ khác nhau lại vào dịp tết Nguyên đán có thể gây khó khăn cho công tác truy quét và xử lý. Nhưng việc từng đoàn xe chở cát lậu ngang nhiên chạy trên các Quốc lộ lớn thì sao? Theo quan sát của PV thì cả QL 1A và QL 12A đều có các đội tuần tra của lực lưởng CSGT tỉnh và huyện. Chưa kể đến các lực lượng chức năng khác như Cảnh sát môi trường, Thanh tra giao thông, Sở TNMT, đội liên ngành các huyện và tỉnh,… Liệu chăng các cơ quan này thờ ơ để các đoàn xe này qua mặt hay đều do “bận chuẩn bị bảo vệ tết”?.

Hằng ngày có hàng tăm chuyến xe như thế này chở cát lậu tuồn ra khỏi tỉnh.
Tại kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh Quảng Bình khóa XVI diễn ra vào tháng 12/ 2013. Ông Lương Ngọc Bính – Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh – cho rằng, trách nhiệm để xảy ra vấn đề trên trước hết thuộc về chính quyền địa phương và trách nhiệm tham mưu, quản lý của các cơ quan quản lý nhà nước như Sở TNMT, CSGT… Đồng thời, ông Bính đã đề nghị tất cả các cơ quan ban ngành phối hợp với địa phương để xử lý dứt điểm tình trạng trên, làm rõ các sai phạm và xử lý nghiêm các cá nhân sai phạm trong thời gian sớm nhất, để lập lại trật tự việc khai thác cát trái phép trên địa bàn.
Tuy nhiên, đến thời điểm này thực tế lại khác so với chỉ đạo, đến nay nạn khai thác cát trái phép vẫn diễn ra công khai, rầm rộ. Và đặc biệt hơn, lượng cát khai thác trái phép này không được sử dụng để xây dựng các công trình cơ bản trong tỉnh mà bán lậu ra ngoài gây thất thoát tài nguyên của tỉnh Quảng Bình cũng như Nhà nước mất đi các khoản thu phí.
(Còn tiếp)
Phan Ba – Hà Vy/Tầm Nhìn

BÀI MỚI ĐĂNG