Trong nước

8 tỉnh, thành "xin hoãn" sắp xếp, sáp nhập huyện, thị

10 huyện ở Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Quảng Trị, Tiền Giang, Lào Cai, Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Tĩnh thuộc diện phải sắp xếp nhưng các địa phương đề nghị chưa tiến hành trong giai đoạn 2019-2021.

Dự thảo báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết số 1211/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021 vừa được Bộ Nội vụ đưa ra lấy ý kiến cho thấy, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã tiến hành sắp xếp đối với 21 đơn vị hành chính cấp huyện. Trong đó, 9 đơn vị thuộc diện phải sắp xếp, 3 đơn vị thuộc diện khuyến khích sắp xếp (tỉnh Quảng Ninh sáp nhập huyện Hoành Bồ với thành phố Hạ Long, TPHCM thành lập thành phố Thủ Đức trên cơ sở 3 quận gồm Quận 2, Quận 9 và Quận Thủ Đức) và 9 đơn vị liền kề có liên quan đến sắp xếp.

Đến nay còn 10 đơn vị hành chính cấp huyện thuộc diện phải sắp xếp nhưng các địa phương đề nghị chưa tiến hành sắp xếp trong giai đoạn 2019-2021 gồm: Minh Long, Sơn Tây (Quảng Ngãi); Khánh Sơn (Khánh Hòa), Si Ma Cai (Lào Cai), Đầm Hà (Quảng Ninh), Bạch Long Vỹ (Hải Phòng), Cồn Cỏ (Quảng Trị), Tân Phú Đông (Tiền Giang), thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh), thị xã Quảng Trị (Quảng Trị).

Trụ sở Bộ Nội vụ.


Dự thảo của Bộ Nội vụ cho thấy, sau khi thực hiện sắp xếp, số đơn vị hành chính cấp huyện trong cả nước từ 713 đơn vị giảm xuống còn 705 đơn vị (giảm 8 huyện). Trong đó, tỉnh Cao Bằng giảm 3 huyện (3/13 đơn vị hành chính cấp huyện), TPHCM giảm 2 đơn vị hành chính cấp huyện; tỉnh Quảng Ngãi giảm 1 huyện; tỉnh Quảng Ninh giảm 1 huyện; tỉnh Hòa Bình giảm 1 huyện.

Các tỉnh Yên Bái, Điện Biên có điều chỉnh địa giới hành chính để sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện nhưng không làm giảm số lượng đơn vị hành chính cấp huyện.

Trong tổng số 705 đơn vị hành chính cấp huyện hiện nay có 118 đơn vị đạt từ 100% trở lên của cả hai tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số theo quy định; 341 huyện chỉ đạt từ 50% trở lên của cả hai tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên, quy mô dân số; 246 huyện chưa đạt 50% của một trong hai tiêu chuẩn này.

Số lượng đơn vị hành chính cấp huyện thực hiện sắp xếp chưa đạt yêu cầu đề ra, nếu không tính 4 huyện đảo, cù lao do có yếu tố đặc thù nằm biệt lập nên không thực hiện sắp xếp thì các địa phương chỉ tiếp hành sắp xếp được 9/15 đơn vị hành chính cấp huyện thuộc diện phải sắp xếp.

Sau sắp xếp, số lượng đơn vị hành chính cấp huyện chỉ giảm được 8 đơn vị (đạt tỷ lệ 1,12% trên tổng số đơn vị hành chính cấp huyện của cả nước).

Thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh (Ảnh: Báo Đảng Cộng sản VN).


Từ năm 2022 tiếp tục sắp xếp

Theo thống kê của Bộ Nội vụ, tổng số cán bộ, công chức có mặt tại các đơn vị hành chính cấp huyện mới hình thành sau sắp xếp là 2.141 người. Trong đó, số lượng cán bộ, công chức cấp huyện được bố trí theo đúng quy định là 1.552 người; số dôi dư là 589 người.

Trong đề án của UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương báo cáo Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các địa phương đều cam kết và có phương án, lộ trình chi tiết giải quyết dứt điểm số cán bộ, công chức cấp huyện dôi dư trước năm 2022.

Tuy nhiên, sau khi được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua và ban hành các nghị quyết về thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, các địa phương trong quá trình triển khai thực hiện đã có báo cáo, phản ánh về Bộ Nội vụ về việc giải quyết các chính sách đối với những người dôi dư gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, khó đảm bảo hoàn thành trước năm 2022. Cụ thể, trong giai đoạn 2019-2021, các địa phương có phương án giải quyết dứt điểm số cán bộ, công chức cấp huyện dôi dư là 186 người.

Bộ Nội vụ cho biết sẽ tiếp tục đôn đốc, kiểm tra các địa phương triển khai thực hiện và tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết cho phù hợp, bảo đảm đúng quy định của pháp luật.

Bộ Nội vụ đề xuất từ năm 2022 đến năm 2026 thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện chưa đạt 50% một trong hai tiêu chuẩn (tiêu chuẩn còn lại chưa đạt 100%) về diện tích tự nhiên, quy mô dân số theo quy định.

Bộ Nội vụ dự kiến quý IV/2021 sẽ trình Ban cán sự đảng Chính phủ để trình Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương xem xét thông qua Đề án thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thực hiện làm điểm sắp xếp một số đơn vị hành chính cấp tỉnh trong các năm 2022-2026 và định hướng đến năm 2030.

Tạo điều kiện chuyển đổi các loại giấy tờ cho người dân

Sau khi thực hiện sắp xếp, thành lập, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính, việc chuyển đổi các loại giấy tờ có liên quan cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp được chính quyền địa phương chú trọng thực hiện.

UBND cấp tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương kịp thời chủ động triển khai, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân khi thực hiện các thủ tục chuyển đổi và không thu phí. Đến nay việc chuyển đổi đã được hoàn thành và thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

Tác giả: Thế Kha

Nguồn tin: Báo Dân Trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP