Buổi họp thường trực BCĐ Phòng chống thiên tai sáng nay cung cấp số liệu mới nhất về thiệt hại bão số 12 (Damrey). Tính đến 7h, đã có 27 người chết (Khánh Hoà 16, Bình Định 3, Lâm Đồng 3, Đắk Lắk 1, 4 người do sự cố tàu vận tải), 22 người mất tích.
Hơn 28.000 ngôi nhà bị tốc mái, hư hỏng, 529 nhà đổ sập, gần 1.500 lồng bè nuôi trồng thuỷ sản bị cuốn trôi.
Tại 3 tỉnh có gần 100 tàu bị chìm, trong đó 8 tàu vận tải, hiện 17 thuyền viên mất tích vẫn đang được tìm kiếm.
Sau bão, hàng loạt địa phương vẫn mất điện diện rộng: Phú Yên mất điện toàn tỉnh, Khánh Hoà (trừ TP Nha Trang), Bình Định (trừ huyện Tam Quan). Các tỉnh Đắk Lắk, Quảng Ngãi, Đắk Nông mất điện 3-5 huyện.
Tổng cục trưởng Phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài chủ trì cuộc họp sáng nay. Ảnh: T.Hạnh |
Đại diện Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn TƯ cho biết, điều đáng lo nhất sau bão là nguy cơ lũ diện rộng và sạt lở, lũ quét tại các tỉnh Trung và Nam Trung Bộ.
Trong vòng 6 tiếng qua, nhiều điểm từ Huế - Quảng Ngãi mưa đặc biệt to, trên 200mm và dự kiến còn kéo dài đến 7/11.
Nếu tính lượng mưa từ 30/10 đến nay, hàng loạt điểm đã vượt trên 500mm như Minh Long (Quảng Ngãi) 504mm; Hà Bằng (Phú Yên) 505mm; Sơn Giang (Quảng Ngãi) 582mm; Tiên Phước (Quảng Nam) 621mm; Trà My (Quảng Nam) 700 mm, Vân Canh (Bình Định) 701mm.
Mưa dồn dập khiến lũ trên các sông chính đồng loạt lên trên BĐ3, các sông từ Quảng Bình - Quảng Nam và nam Tây Nguyên tiếp tục lên nhanh. Nguy cơ cao ngập lụt tại các tỉnh từ Huế - Phú Yên.
Hiện dung tích các hồ chứa tại Nam Trung Bộ đã tăng khoảng 5-10%, lượng xả cũng đã tăng lên, cá biệt hồ Định Bình (Bình Định) đang xả gấp gần 3 lần so với hôm qua.
Địa phương chưa chỉ đạo quyết liệt
Ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai đánh giá, trong ứng phó với bão số 12 có sự lúng túng, có địa phương chỉ đạo chưa quyết liệt, dẫn đến thiệt hại lớn.
“Những điểm hạn chế trong các cơn bão lớn tại một số vùng đã khắc phục được, như bão số 10 vừa qua ở Bắc Trung Bộ chỉ thiệt hại tài sản, thiệt hại người rất ít. Cơn bão này cũng có sức gió tương tự, tại sao lại thiệt hại nhiều người như vậy?”, ông Hoài đặt câu hỏi.
Ông dẫn chứng, tàu thuyền đánh cá đã kêu gọi vào bờ được hơn 70.000 chiếc nhưng tàu vận tải dường như không quan tâm đến cảnh báo, các địa phương cũng không quan tâm.
“Ngay như Bình Định, hôm qua báo chìm 8 tàu, nay lại báo lên 10 chiếc. Địa phương không nắm được như vậy thì rất khó trở tay”, Tổng cục trưởng nêu.
Hay sự cố người chết do nhà đổ là hết sức đáng tiếc. Ông Hoài yêu cầu làm rõ nguyên nhân, có phải do chủ quan, do sơ tán dân chưa quyết liệt?
Trong bão số 12, TƯ đã cố gắng ở mức cao nhất, đã huy động toàn bộ các nhà mạng, kể cả dịch vụ nhắn tin miễn phí vào cuộc, liên tục ra công điện, họp trực tuyến chỉ đạo nhưng các địa phương triển khai bên dưới không biết được bao nhiêu.
“Phải làm rõ để báo cáo Thủ tướng, phải rút kinh nghiệm chi tiết để lấy đó làm bài học cho các địa phương”, ông Hoài nói.
Ông cũng đánh giá, khả năng đáp ứng yêu cầu của các văn phòng Ban chỉ huy phòng chống thiên tai các tỉnh hiện nay đang rất thấp. Giờ phải rà soát lại, nhiều nơi đang rất khó khăn về con người và trang thiết bị nên khó khăn trong tham mưu, chỉ đạo điều hành.
Đối với việc xả lũ, ông Hoài chỉ đạo ngay trong chiều nay phải mời các nhà khoa học, cơ quan chuyên môn cùng ngồi lại để tính toán vận hành xả lũ liên hồ chứa, cắt lũ, đảm bảo an toàn cho hạ du, nhất là đúng thời điểm tổ chức Tuần lễ Cấp cao APEC.
Song song đó, yêu cầu các địa phương tập trung khắc phục hậu quả, khôi phục đời sống sản xuất cho nhân dân.
Tác giả: Thúy Hạnh
Nguồn tin: Báo VietNamNet