Tin Hà Tĩnh

Vì sao Khu kinh tế Cửa khẩu Cầu Treo 'chết yểu'? - Bài 2: Chính sách thay đổi chóng mặt, người dân 'chết đứng'

Sự thiếu nhất quán trong chính sách khiến nhiều doanh nghiệp, cơ quan quay lưng với Khu kinh tế cửa khẩu Cầu Treo. Hàng loạt dự án “vẽ ra” rồi bỏ hoang, nhiều hệ lụy cho địa phương nhưng đến nay chưa có giải pháp nào để giải quyết….

Chính sách thay đổi “chóng mặt”…

Năm 2013 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 72/2013/QĐ-TTg công nhận KKT Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo Hà Tĩnh là khu phi thuế quan


Theo tìm hiểu của Nhadautu.vn được biết, ngày 19/10/2007 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 162/2007/QĐ-TTg công nhận Khu kinh tế (KKT) Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo Hà Tĩnh là khu phi thuế quan, với hàng loạt ưu đãi về chính sách tài chính, đầu tư, đất đai cho các nhà đầu tư hoạt động trong KKT. Nhờ vậy, hàng chục dự án, hàng trăm doanh nghiệp, hàng nghìn hộ cá thể tham gia đầu tư SXKD vào đây.

Đang là khu phi thuế quan với hàng loạt chính sách ưu đãi hấp dẫn thì ngày 15/8/2014, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 109/2014/TT-BTC hướng dẫn thực hiện Quyết định số 72/2013/QĐ-TTg, trong đó, quy định danh mục mặt hàng chịu thuế ngay khi nhập khẩu từ nước ngoài vào khu phi thuế quan Cầu Treo là tất cả các mặt hàng, trừ hàng hóa nhập vào để thực hiện dự án đầu tư.

Luật Thuế xuất nhập khẩu số 107/2016/QH13 có hiệu lực, KKT Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo không còn được xem là khu phi thuế quan


Đến ngày 1/9/2016, khi Luật Thuế xuất nhập khẩu số 107/2016/QH13 có hiệu lực, KKT Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo chính thức không được xem là khu phi thuế quan, không được hưởng các chính sách thuế đối với hàng hóa, dịch vụ như trước đây.

Từ các chính sách thiếu nhất quán, hạ tầng đầu tư thiếu đồng bộ và nhiều lý do khách quan khác nên KKT ngày càng đìu hiu.

Việc thay đổi chính sách liên tục và gần như không còn ưu đãi gì đáng kể thì hàng loạt doanh nghiệp, hộ kinh doanh bất ngờ rút lui, không mặn mà đầu tư dài hạn vào KKT nữa. Nhiều doanh nghiệp giải thể, nhiều nhà đầu tư tạm dừng hoạt động, kinh doanh buôn bán èo uột khiến KKT ngày thêm ảm đạm.

Đặc biệt, hàng loạt công trình dự án đang được triển khai dang dở buộc phải dừng hoạt động, “đắp chiếu” nhiều năm trời mà không thể biết trước số phận.

Doanh nghiệp "chết đứng"...

Theo thống kê, hiện khu vực KKT Cầu Treo Hà Tĩnh có 30 dự án đầu tư, 130 doanh nghiệp, hơn 2.000 hộ kinh doanh cá thể đang hoạt động, nhưng trên thực tế, tỷ lệ các doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả chỉ chiếm một phần rất khiêm tốn.

Nhiều khu thương mại được thành lập rồi bỏ hoang ...

Đặc biệt, tại KCN Đại Kim (xã Sơn Kim 1) có nhiều dự án công nghiệp, thương mại đầu tư trên khuôn viên rộng hàng chục ha nhưng hiện nay đều trong tình trạng dang dở, bỏ hoang, tạm dừng hoạt động xuống cấp trầm trọng. Trong đó, chiếm diện tích lớn nhất là dự án Nhà máy May Five Star Hà Tĩnh.

Dự án trên có tổng vốn đầu tư 150 tỉ đồng, do Cty cổ phần May Five Star Hà Tĩnh làm chủ đầu tư, thực hiện từ 22/1/2016 trên diện tích 6,5 ha. Đến nay, dự án đã “khai tử” không thực hiện đầu tư được như cam kết.

Hàng loạt dự án được đầu tư hàng trăm tỷ đồng xây dựng lên rồi dừng giữa chừng

Cạnh đó là dự án Nhà máy sản xuất, lắp ráp ôtô, xe máy và các sản phẩm công nghiệp SOKI - CT do Cty cổ phần đầu tư phát triển Việt Lào làm chủ đầu tư với tổng vốn đầu tư là 371 tỉ đồng. Dự án thực hiện tháng 6/2008 trên diện tích 3,45 ha, trước đây đã đi vào hoạt động phần lắp ráp xe máy điện, nhưng hiện đang khó khăn về tài chính, thay đổi cổ đông.

Anh Nguyễn Mạnh H. - Cán bộ từng là quản lý Công ty CP xe điện Hà Tĩnh cho biết, công ty bỏ tiền đầu tư vào đây hàng chục tỷ đồng đã gần cả chục năm rồi, và hiện nay thì cũng không còn hoạt động nữa. Về thủ tục miễn giảm thuế thì không còn được hưởng nữa mà chỉ được hưởng về chính sách KKT đặc biệt khó khăn. Chính vì vậy không chỉ doanh nghiệp chúng tôi mà còn rất nhiều doanh nghiệp khác cũng không thể hoạt động được. Thậm chí rơi vào phá sản, vỡ nợ vì lỡ rót tiền đầu tư nhưng bất cập về chính sách.

Các nhà máy được xây dựng rồi bỏ hoang suốt nhiều năm nay

Còn tại Khu vực Trạm kiểm soát nội địa KKT cửa khẩu Cầu Treo (còn gọi là cổng B ở xã Sơn Tây, huyện Hương Sơn, thuộc KKT cửa khẩu Cầu Treo) Dự án Khu trung tâm thương mại cửa khẩu được đầu tư hàng tỉ đồng đã xây dựng xong nhưng hiện nay sau nhiều năm trời vẫn phải "đắp chiếu".

Được biết, đây là dự án có tổng vốn đầu tư 112 tỉ đồng, do Công ty cổ phần đầu tư CK Việt Nam làm chủ đầu tư, triển khai thực hiện từ năm 2012.

Số liệu từ các cơ quan liên quan, hiện nay, trong tổng 30 dự án đăng ký đầu tư vào KKT này thì chỉ mới có 15 dự án xây dựng cơ bản các hạng mục công trình chính và chỉ khoảng 1/3 trong số đó đang hoạt động hiệu quả; 7 dự án khác đăng ký nhưng chưa thực hiện; 3 dự án đã tạm dừng và chưa biết đến bao giờ mới khởi động lại. Các dự án lớn như Khu nghỉ dưỡng Ngàn Phố (vốn đăng ký 131,9 tỉ đồng) hiện chỉ là một vùng cây cỏ hoang hóa; dự án hạ tầng kỹ thuật khu dân cư tập trung nam sông Ngàn Phố (vốn đăng ký 248,6 tỉ đồng) bỏ dở từ hơn nhiều năm nay…

Người dân bị "vạ lây"

Sự thay đổi chính sách phi thuế quan tại KKT không những đẩy các doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh vào tình trạng dừng hoạt động, thậm chí phá sản mà còn kéo theo một chuỗi dài hệ lụy cho người dân tại khu vực này, chính quyền địa phương chỉ còn cách “lắc đầu” ngao ngán.

Các hạng mục nhà máy, công xưởng chổng chơ


Ông Nguyễn Văn Nam, người dân xã Sơn Kim 1 cho biết, gia đình ông cùng nhiều hộ dân ở đây đã bị thu hồi toàn bộ đất ở, đất vườn, đất ruộng cho Dự án nhà máy May Five Star Hà Tĩnh. Do không còn quỹ đất ruộng để cấp nên khi đến nơi ở mới, gia đình không có đất ruộng để canh tác, phải đi làm thuê ở nơi khác khiến cuộc sống rất khó khăn...

Một hộ dân khác cũng than phiền, nhà nước thu hồi một diện tích đất lớn để đầu tư xây dựng các nhà máy, xí nghiệp nhằm phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm cho con em địa phương chúng tôi rất phấn khởi nên thời điểm đó chúng tôi cũng sẵn sàng bàn giao đất canh tác để thực hiện. Vậy nhưng, giao đất rồi hàng chục năm trời nhà máy, xí nghiệp vẫn không thấy đâu, con em địa phương thì phải tha phương cầu thực... còn chúng tôi hằng ngày trông vào mấy sào ruộng thì giờ có đất trống đó những cũng không giám làm.

Nay các dự án trở thành nơi chăn thả trâu bò

Trao đổi với ông Hoàng Văn Thư, Chủ tịch UBND xã Sơn Kim 1 được biết, thời điểm đó, toàn bộ hơn 33 ha đất ruộng “ngon lành” nhất của 300 hộ dân thuộc xã ở Đại Kim đã bị thu hồi để xây dựng KCN Đại Kim.

Ngày khởi công rầm rộ, hứa hẹn khi các dự án vào đầu tư sẽ tạo việc làm, phát triển kinh tế xã hội, làm thay đổi hẳn bộ mặt xã biên giới Sơn Kim 1. Thế nhưng, sau nhiều năm đầu tư, hầu hết các dự án đều bỏ hoang, “chết yểu” để lại hệ lụy lớn cho địa phương.

“Nhiều dự án khi vào đầu tư bảo người dân đi học nghề, học xong rồi về chờ mãi, nhà máy dừng đầu tư, không hoạt động nên dân không có việc làm, rất bức xúc. Thêm nữa, việc các dự án bỏ hoang, không bảo quản, một số người có thể vào lấy trộm đồ, gây phức tạp tình hình an ninh, trật tự”.

Ngoài ra, với tư cách là người đứng đầu của địa phương ông Thư cũng đề xuất, bày tỏ mong muốn nhà nước làm sao có thể xác định lại năng lực của các nhà đầu tư, nếu không đủ năng lực thì có thể thu hồi và giao cho nhà đầu tư khác để đưa phần diện tích đất đã thu hồi vào sử dụng đúng mục đích góp phần tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương. Chứ để tình trạng bỏ hoang như hiện nay là rất lãng phí.

Trên địa bàn có khoảng 5000 nhân khẩu trong độ tuổi lao động, nhưng giờ cũng đi làm ăn xa gần hết. Hiện nay, chúng tôi chỉ hi vọng làm sao các nhà máy, xí nghiệp có thể tái tạo hoạt động trở lại để có thể tạo công ăn việc làm cho người dân. Không yêu cầu phải nhiều nhưng độ 500 lao động tại địa phương cũng là tốt lắm rồi. - ông Thư nói.

Cuối năm 2015, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đồng ý lựa chọn 9 khu kinh tế cửa khẩu trọng điểm để tập trung đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2016-2020.

Theo đó, 9 khu kinh tế cửa khẩu được lựa chọn gồm: khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh; khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn; khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai; khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Cao Bằng; khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, Hà Tĩnh; khu kinh tế cửa khẩu Cha Lo Quảng Bình; khu kinh tế - thương mại đặc biệt Lao Bảo tỉnh Quảng Trị; khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh và khu kinh tế cửa khẩu tỉnh An Giang.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tập trung phân bổ vốn đầu tư cho 9 khu kinh tế cửa khẩu trọng điểm trên tối thiểu bằng 70% tổng nguồn vốn hỗ trợ đầu tư từ ngân sách Trung ương trong kế hoạch hàng năm và 5 năm 2016 - 2020 cho các khu kinh tế cửa khẩu.

Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng phương án bố trí vốn ngân sách Trung ương theo kế hoạch hàng năm và 5 năm 2016 - 2020 cho các khu kinh tế cửa khẩu, tuân thủ nguyên tắc tập trung cho các khu kinh tế cửa khẩu trọng điểm được lựa chọn và theo đúng các quy định hiện hành, trong đó ưu tiên đầu tư các hạng mục công trình có nhu cầu cấp thiết của từng khu để sớm phát huy hiệu quả, thúc đẩy phát triển các khu này.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì và là đầu mối theo dõi quá trình triển khai việc tập trung đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 cho các khu kinh tế cửa khẩu trọng điểm được lựa chọn, báo cáo đề xuất trình Thủ tướng Chính phủ xử lý những vấn đề vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Trong quý 4/2020, tiến hành tổng kết việc triển khai thực hiện, báo cáo Thủ tướng Chính phủ...

Tác giả: V.TUÂN - H.LONG

Nguồn tin: Báo Nhà Đầu Tư

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP