Hương Sơn

Trạm kiểm soát thành lập theo… "ngẫu hứng", DN khổ đủ đường

Quyết định 162 của Thủ tướng Chính phủ công nhận Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cầu Treo (Hương Sơn, Hà Tĩnh) là khu vực phi thuế quan, tự do thương mại làm cho nhiều người hy vọng vào sự thay đổi về chất thực sự cho kinh tế Hà Tĩnh



Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều doanh nghiệp và khách du lịch đang có những bức xúc quanh sự tồn tại của một trạm kiểm soát nơi đây.


Doanh nghiệp và khách du lịch bị “hành tỏi”!



Đến Khu kinh tế Cửa khẩu Cầu Treo (KKTCK) khi Tết Nguyên đán sắp về mới thấy được sự đổi thay nhanh chóng của vùng đất mà trước đây người ta vẫn gọi là nơi “chó ăn đá gà ăn sỏi”. Sự đổi thay lớn này được khởi nguồn khi vào ngày 19/10/2007, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định 162, công nhận đây là khu vực thương mại tự do, phi thuế quan.



Thế nhưng, sau khi KKTCK Cầu Treo được công nhận là khu phi thuế quan đã nảy sinh mâu thuẫn khi ở đây đang tồn tại quá nhiều trạm kiểm soát của lực lượng chống buôn lậu và gian lận thương mại. Nhiều doanh nghiệp và khách hàng phải kêu trời vì khi muốn qua KKTCK này, họ phải qua tới 3 trạm kiểm soát.




Ông T.H.N, một DN kinh doanh trong lĩnh vực vận chuyển hành khách bức xúc cho biết: “Một chuyến xe từ Lào về KKT phải trải qua 3 lần bị kiểm tra. Kiểm soát ở cửa khẩu là hợp lý, nhưng khi vào KKT lại bị Trạm kiểm soát liên ngành Nước Sốt kiểm tra lại, cũng giống hệt như vậy là bất hợp lý”.



Cùng cảnh ngộ như DN trên là bà con tiểu thương buôn bán ở khu Trung tâm thương mại trong KKT. Hầu hết, các chuyến hàng của họ cũng bị trạm này “ách” lại kiểm tra.



Ngoài kiểm tra hàng hoá, phương tiện thì khi qua đây hành khách còn bị trạm kiểm tra cả khâu quản lý xuất nhập cảnh. Việc làm này là trái với quy định, bởi theo quyết định thành lập, trạm liên ngành có nhiệm vụ chính là “chống buôn lậu và gian lận thương mại”.



“Trong thời gian tới, nếu tình trạng vẫn tiếp tục thì các DN như chúng tôi sẽ vận chuyển và buôn bán bằng con đường khác, mà không đi qua KKT Cầu Treo nữa” – ông T.H.N nói.



Số liệu chưa chính thức được nêu ra ở đây sẽ làm giật mình những người lo lắng, quan tâm nhất cho sự phát triển của KKT: Thuế xuất nhập khẩu giảm 30%; khách du lịch giảm 50% so cùng thời gian trước khi Quyết định 162 được công bố.



Cổng B, ngẫu hứng thì làm!?



Sau khi được Chính phủ công nhận KKT Cầu Treo trở thành khu thương mại tự do, không phải chịu thuế, ngày 19/8/2008, Hà Tĩnh đã có quyết định thành lập Trạm kiểm soát nội địa (Cổng B) có chức năng và nhiệm vụ: Kiểm tra, kiểm soát hàng hoá xuất, nhập khẩu giữa KKT và nội địa; chống buôn lậu và gian lận thương mại…



Theo như lời ông Phạm Trần Đệ, Phó Ban quản lý Khu Kinh tế Cầu Treo thì Cổng B được thành lập là theo… “ngẫu hứng!?”. Ảnh: Duy Tuấn



Ông Nguyễn Trọng Tuấn – Chánh Văn phòng Ban Quản lý KKTCK Cầu Treo cho biết: “Thời gian qua, chúng tôi đã nghe rất nhiều DN và khách hàng phàn nàn về việc gặp phải quá nhiều sự kiểm soát trong KKT, trong đó có Trạm kiểm soát liên ngành. Ban Quản lý KKT sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho khách hàng và nhà đầu tư vào đây. Nhưng nếu Hà Tĩnh không sớm giải thể hoặc chuyển Trạm kiểm soát liên ngành ra khỏi KKT thì sẽ ảnh hưởng lớn đến tâm lý của khách hàng và nhà đầu tư”.



Tuy nhiên, thực tế là ngay cả Trạm kiểm soát nội địa vừa mới được thành lập cũng trái với các quy định của Chính phủ; làm giảm lòng tin của nhà đầu tư, làm cho sự e ngại của các doanh nghiệp có hoạt động thương mại tại KKT này tăng lên. Bằng chứng là từ khi có trạm kiểm soát này, thuế xuất nhập khẩu tụt 30%, lượng khách du lịch tụt 50% so với trước như đã nói ở trên.



Thiếu tá Võ Trọng Hải, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cầu Treo bức xúc: “Theo quy định, những khách du lịch, thương nhân nước thứ 3 có quyền lưu trú tại KKT Cầu Treo không quá 15 ngày. Đó là một quy định tạo điều kiện tốt cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, hiện tại chúng tôi không thể làm thủ tục cho loại khách này vào Việt Nam. Lý do là thành phần chính thức của Cổng B (Trạm kiểm soát nội địa) không có lực lượng biên phòng. Cho người vào mà không kiểm soát được hành vi và lịch trình của họ sẽ dẫn đến những nguy cơ về an ninh”.



Ngày 14/9/2007, Chính phủ Việt Nam và Lào đã có văn bản “Thoả thuận Hà Nội”, trong đó tại Điều 6.1 và 6.2 có nêu: “Hai bên thống nhất ngoài việc kiểm tra kiểm soát tại cửa khẩu, sẽ không kiểm tra kiểm soát trên các tuyến của mỗi bên trừ từng trường hợp có nghi vấn… Hai bên cam kết tập trung đầu tư hoàn thiện các điều kiện cần thiết để đầy đủ mô hình kiểm tra “một cửa, một điểm dừng”.



Dựa trên cam kết này thì Trạm kiểm soát nội địa và Trạm kiểm soát liên ngành ở KKTCK Cầu Treo hiện tại không có chỗ đứng. Tuy nhiên, ông Phạm Trần Đệ, Phó Ban quản lý KKT nói về Cổng B: “Không có quy định nào về việc thành lập cổng này, nhưng chúng tôi làm theo… ngẫu hứng!?”.



Chỉ với sự “ngẫu hứng” này mà hàng trăm doanh nghiệp đang phải chịu sự kiểm soát phi lý, và đáng chê trách.



Nhóm PV

VNN

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP