Tin trong nước

Tin "bác sỹ", nữ bệnh nhân chết thảm vì một mũi tiêm?

Khoảng 21h ngày 7/11, thấy trong người mệt mỏi, ho kèm theo sốt, lại không nhờ được người mua thuốc nên chị Đào Thị S. (SN 1976) đã tìm đến nhà ông Trương Tuấn Kiệt (53 tuổi) được mệnh danh là "bác sỹ làng" thôn My Động 1, xã Tiền Phong, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương) để mua thuốc điều trị.

Tuy nhiên, không biết đơn thuốc và phương pháp điều trị của vị “bác sỹ” này như thế nào mà chỉ sau vài giờ, chị S. đã tử vong với nhiều mũi tiêm, tím tái và bị sưng tấy ở cánh tay trái?



Dấu hiệu bất thường ở cánh tay trái


Theo thông tin mà chúng tôi có được từ cơ quan CSĐT công an huyện Thanh Miện, hiện đơn vị này đang khẩn trương điều tra làm rõ cái chết của chị Đào Thị S. (SN 1976), trú tại thôn Quang Trung, xã Diên Hồng (huyện Thanh Miện) sau khi đi mua thuốc và chữa bệnh tại nhà ông Trương Tuấn Kiệt ở thôn My Động 1 (xã Tiền Phong) cùng huyện.


Nghi ngờ cái chết của chị S. có nhiều dấu hiệu bất thường, gia đình nạn nhân đã làm đơn trình báo lên công huyện Thanh Miện nhằm làm sáng tỏ vụ việc. Được biết ngay sau khi có được thông tin trên, công an huyện Thanh Miện lập tức xuống nhà nạn nhân tiến hành khám nghiệm tử thi, đồng thời triệu tập ông Trương Tuấn Kiệt để làm rõ cái chết của chị Đào Thị S..


Một số người dân sống gần nhà nạn nhân cung cấp với PV, khoảng 23h cùng ngày họ phát hiện một chiếc taxi đỗ trước cửa nhà chị S.. Tiếp đó, ông Kiệt đi vào thông báo với gia đình chị này với nội dung: Chị S. đã tử vong trên đường đi cấp cứu tại bệnh viện đa khoa Thanh Miện. Khi người nhà nạn nhân hỏi nguyên nhân tại sao lại dẫn đến cái chết thì ông Kiệt trả lời: Sau khi điều trị, vừa mới ra khỏi nhà, bất ngờ chị S. bị ngất rồi ngã ở cổng nên vị “bác sỹ làng” liền đưa vào nhà để sơ cứu. Mặc dù đã cố gắng hết mức nhưng trước những biểu hiện bất thường của bệnh nhân, ông này lập tức đưa chị S.vào khoa hồi sức cấp cứu của bệnh viện đa khoa Thanh Miện để cấp cứu. Tuy nhiên, chỉ ít phút sau, chị S. đã tắt thở ngay trên đường đến bệnh viện.


Một người thân của nạn nhân cung cấp thêm cho PV, quá trình kiểm tra thi thể của chị S. để xem có triệu chứng nào khác thường hay không, người nhà đã phát hiện trên cánh tay trái của chị này có nhiều vết bầm tím, sưng tấy biểu hiện như những vết kim tiêm.


Tiếp tục quá trình tìm hiểu thông tin, chúng tôi được biết, trước đây ông Kiệt từng có thời gian làm y tá. Tuy nhiên, thời gian sau ông này về hành nghề khám chữa bệnh tại nhà nhưng không có bất kỳ một giấy phép kinh doanh cũng như chứng chỉ hành nghề. Cũng theo những người dân sống gần gia đình ông Kiệt, mặc dù không treo biển khám chữa bệnh nhưng công việc của vị “bác sỹ làng” này khá bận rộn bởi người dân ở địa phương tìm đến mỗi khi họ cảm thấy mệt mỏi do các chứng, ho, sốt…. Không chỉ có vậy, mỗi khi chồng vắng nhà, vợ ông Kiệt cũng nhiệt tình tham gia vào quá trình bán thuốc cho các bệnh nhân mà chưa từng kinh qua một lớp đào tạo nào về dược sỹ. Cũng vì nghề này nên kinh tế gia đình ông Kiệt có phần khá giả hơn so với những hộ gia đình khác ở địa phương.


Xót xa 3 vành khăn trắng


Tìm đến nhà nạn nhân Đào Thị S. tại thôn Quang Trung (xã Diên Hồng) không khí tang tóc vẫn đè nặng trong căn nhà nhỏ. Mặc dù sự việc đã xảy ra được vài ngày nhưng trước sự ra đi bất ngờ của chị S. những người dân của thôn Quang Trung vẫn tìm đến chia sẻ nỗi mất mát với gia đình. Chứng kiến 3 đứa con của của chị S. đội vành tang trắng, đôi mắt ngây thơ nhìn những người khách đến nhà, không ít người rơi nước mắt.


Rót chén nước trà mới khách, anh Tô Trọng Đạt (SN 1970) chồng của chị S. cho biết: “Vừa mới đặt lưng thì tôi nhận được điện thoại báo vợ tôi đã chết. Nhận được tin tôi rụng rời chân tay vì mới hồi chiều gọi điện về thì cô ấy vẫn nói chuyện bình thường”.


Cũng theo anh Đạt, tối hôm 7/11, chị S. kêu mệt, sau đó dặn 3 đứa con ở nhà chơi với nhau để mẹ đi mua thuốc về uống. Tuy nhiên, chỉ sau vài giờ, ông Kiệt mang xác chị S. trở về nhà với những hành động đầy nghi hoặc. “Hiện tại gia đình ông Kiệt đã đến thỏa thuận sẽ đền bù tiền mai táng cho vợ tôi và hỗ trợ chi phí cho các cháu ăn học sau này” – anh Đạt cho biết thêm.


Được biết, do không có nghề phụ nên sau khi kết thúc mùa vụ, anh Đạt lại rong ruổi đi làm thợ xây tại các tỉnh thành lân cận để trang trải thêm thu nhập cho gia đình. Còn chị S. ở nhà chăm sóc 3 cháu nhỏ đồng thời làm những công việc lặt vặt khác. “Trước đây tôi đi làm, cô ấy ở nhà quán xuyến công việc gia đình, dạy bảo các con. Giờ sự việc xảy ra, tôi chẳng biết phải làm gì nữa. Cứ nghĩ vợ mất đột ngột, các con bơ vơ mà đau lòng quá các anh ạ!” – anh Đạt thở dài tâm sự.


Thông tin từ các nhân chứng


Đây chính là lời khẳng định của một số người dân sống gần nhà của vợ chồng ông Trương Tuấn Kiệt bởi trong quá trình ông “bác sỹ làng” gọi xe để đưa chị S. đi cấp cứu, họ có nhìn thấy nạn nhân có biểu hiện như người đã tử vong. Một người hàng xóm (xin được giấu tên) cho biết: “Nghe thấy tiếng chó sủa, tôi chạy ra ngoài thì phát hiện vợ chồng ông Kiệt đang khênh một ai đó để đưa lên xe. Hơn nữa, tôi có nghe thấy người tài xế nói với ông Kiệt: “Chết rồi thì đưa đi làm gì?”. Ông Kiệt đáp lại: “Anh cứ chở đi, hết bao nhiêu tiền tôi trả”. Sau khi, chiếc xe đi chạy đi, tôi còn thấy vợ ông Kiệt mang một nắm hương to ra huơ huơ trước ngõ”.


Nguyễn Bắc

ĐS&PL

  Từ khóa: nữ bệnh nhân , mũi tiêm

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP