Tin trong nước

Sự thật vụ mẹ “nhốt” con gái 11 tuổi không cho đi học (1): Cuộc “giải cứu” bất thành

Ít ai ngờ rằng, giữa lòng Hà Nội, có một người mẹ đã “nhốt” con gái 11 tuổi suốt nhiều năm không cho đi học vì sợ con… gặp nguy hiểm. Tận mắt chứng kiến câu chuyện, một nữ nhà báo đã viết thư ngỏ gửi Chủ tịch UBND TP Hà Nội.

Luôn nghĩ có người ám sát mình!

Chia sẻ cùng chúng tôi, chị Phương Th – người viết thư ngỏ gửi Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung kể, tháng 4/2015, chị được biết tại tòa nhà NƠ1A, bán đảo Linh Đàm (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội) có cháu Võ Thu H (SN 2005) sống cùng mẹ là Trần Thị N (SN 1973) trước đây bình thường nhưng vì sống lâu với người mẹ có biểu hiện về căn bệnh tâm thần phân liệt nên theo thời gian, cháu cũng có dấu hiệu mắc bệnh giống mẹ.

Ban đầu, khi đến tìm hiểu, chị Phương Th dự định sẽ viết bài đăng báo để can thiệp, tách cháu H ra khỏi mẹ giúp cháu được an toàn còn người mẹ sẽ đưa vào viện tâm thần chữa trị. Tuy nhiên, khi tiếp xúc với các nhân chứng ở tòa nhà NƠ1A, chị nhận thấy cần chọn một phương án khác để có thể giúp đỡ cháu H tốt nhất.

Chị Phương Th liên hệ luật sư Đào Thị Liên (Công ty Luật Tiền Phong) nhờ hỗ trợ tiếp cận các cơ quan chức năng như: Viện Kiểm sát, tòa án cũng như nghiên cứu các điều luật về quyền trẻ em. Hơn một tuần tìm hiểu các quy định của pháp luật, chị có buổi làm việc với cán bộ phụ trách Hội phụ nữ của UBND phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai.

Trong buổi làm việc, UBND phường xác nhận khi tiếp nhận hoàn cảnh của chị N đã báo cáo lên UBND quận và quận nhiều lần tổ chức họp các anh chị, chồng cũ của chị N để tìm hướng giải quyết nhưng không nhận được sự hợp tác từ gia đình. Chính vì vậy, trường hợp mẹ con cháu H cứ kéo dài cả chục năm trời, không ai giúp đỡ và bệnh của chị ngày càng nặng hơn.

 Sự thực câu chuyện nhốt con không cho đi học có thể vì lý do bệnh tật, không hề tàn nhẫn như thông tin thêu dệt trên mạng xã hội.

Sự thực câu chuyện “nhốt” con không cho đi học có thể vì lý do bệnh tật, không hề tàn nhẫn như thông tin thêu dệt trên mạng xã hội.

“Là người có hiểu biết nhất định về căn bệnh tâm thần phân liệt, tôi có thể khẳng định, chị Trần Thị N có những dấu hiệu của bệnh lý này, đây là một bệnh rất khó chữa trị và người ở cùng bệnh nhân này sẽ nguy hiểm. Tuy nhiên, đó chỉ là nhận định của tôi thông qua những hành động mà các nhân chứng cung cấp.

Ví dụ: Chị N luôn nghĩ có người muốn ám sát mình nên lúc nào trong người cũng dấu một con dao và một cái búa đinh, chị chỉ đồng ý nói chuyện với công an bởi chị tin công an sẽ bảo vệ mẹ con chị. Chị không bao giờ mua thức ăn hai lần ở một cửa hàng vì chị nghĩ khi quen biết người ta sẽ đầu độc chị chết.

Trong mắt chị, tất cả mọi người đều rất xấu, chị không tin ai, kể cả anh em ruột thịt. Chị gây sự với bất kỳ ai nếu chẳng may họ gặp chị trong thang máy, ở hành lang hay thậm chí nhà hàng xóm mở cửa to cũng khiến chị nghĩ họ có ý định hại mình. Chính những suy nghĩ ấy nên chị thường mua hương vàng về đốt ở cửa mấy nhà hàng xóm với suy nghĩ làm vậy họ không giết chị được”, chị Phương Th nói.

Sống với mẹ lâu, không được tiếp xúc với ai nên cháu H sợ tất cả những người khác ngoài mẹ, không dám nhìn ai, nói chuyện với ai vì trong suy nghĩ của H, ai cũng có thể là người muốn giết mình nên luôn đề phòng với tất cả mọi người.

Ám ảnh, day dứt trước hoàn cảnh của mẹ con chị N, nữ nhà báo Phương Th đã cùng luật sư Đào Thị Liên liên hệ với bố cháu bé là anh Võ Văn H đề nghị anh đồng hành để giúp cháu có cơ hội hòa nhập cộng đồng, được đi học và xa xôi hơn là trong tương lai bé có thể cứu mẹ cùng lời gợi ý rằng có một người đã sẵn sàng hỗ trợ kinh phí đưa chị N đi điều trị và chi phí nuôi cháu H ăn học đến năm 18 tuổi trong trường hợp cháu H được chữa bệnh và có thể đến trường).

Thế nhưng, chồng cũ của chị N đã từ chối với lý do anh còn gia đình riêng, không thể đưa con gái về nuôi, sau đó từ chối các cuộc điện thoại từ chị Phương Th và luật sư. “Anh ấy còn cho biết, nếu đưa vụ việc lên tòa, nếu tòa tước quyền giám hộ con của chị N mà chỉ định anh nuôi bé H thì anh đề nghị cho bé vào trại trẻ mồ côi”, chị Phương Th cho biết.

Sau cuộc kết nối với chồng cũ của chị N thất bại, nữ nhà báo tìm đến anh chị em ruột của chị N. Hơn 8 tháng chờ đợi, chị đã có cuộc gặp gỡ với 2 anh trai và chị gái chị N. Qua 3 lần trao đổi tại nhà anh trai chị N, nhà báo Th và luật sư đã chuẩn bị đơn đề nghị, cùng người thân của chị N lên làm việc với ông Tạ Văn Hải (Phó chủ tịch UBND Phường Hoàng Liệt), bà Nguyễn Thị Hà đại diện phụ nữ phường để đi đến thống nhất ký vào đơn đề nghị hỗ trợ chữa trị cho chị N, kinh phí sẽ do nhóm của nữ nhà báo hoàn toàn chịu trách nhiệm.

Cuộc “giải cứu” bất thành!

Sau khi có đơn, nhóm của chị Phương Th trực tiếp liên hệ với Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương đề nghị hỗ trợ đưa cả hai mẹ con chị N vào thăm khám và nhận được sự đồng tình. Biết tiếp cận với chị N rất khó khăn nên trước khi đưa chị vào bệnh viện, cả nhóm đã họp với phía lãnh đạo địa phương để bàn phương án.

Theo đó, khi xe của Bệnh viện đến, ban quản lý tòa nhà sẽ cắt điện nước, chị N mở cửa đi kiểm tra thì bác sỹ cùng công an sẽ ập vào đưa cả hai mẹ con lên xe, về thẳng bệnh viện trước sự chứng kiến của đại diện UBND phường, đại diện hội phụ nữ, tổ trưởng tổ dân phố, công an khu vực, nhóm phóng viên, luật sư và cả người nhà.

Chiều 10/8/2016, các bên đã thống nhất giờ giấc, phương án cho sáng hôm sau. Tuy nhiên, sáng 11/8, khi đến khu nhà NƠ1A- bán đảo Linh Đàm, phía bệnh viện đã sẵn sàng thì những bên còn lại…không xuất hiện! Người nhà chị N cho biết, họ đã ký vào đơn đề nghị hỗ trợ, UBND phường phải tự quyết định việc này.

Phía UBND Phường và công an thì từ chối với lý do bận. Còn tổ dân phố cho biết, họ phải nhận được đơn xin giúp đỡ của người nhà còn nhóm của chị Phương Th là những cá nhân không liên quan, họ không thể hỗ trợ. Vậy là kế hoạch thất bại!

Chị Phương Th trải lòng: “Sau hôm đó, chúng tôi quay lại UBND phường Hoàng Liệt đề nghị họ báo cáo sự việc lên quận và chúng tôi sẽ liên hệ cán bộ chính sách của Phòng LĐTBXH quận. Chúng tôi được đề nghị làm việc trước với một cán bộ phụ trách công tác xã hội của Phòng LĐTBXH quận Hoàng Mai.

Sau rất nhiều lần liên hệ nói chuyện, cán bộ này cho biết: Chỉ hỗ trợ các tổ chức, còn những cá nhân như chúng tôi, hoàn toàn không có tư cách pháp nhân, nếu Phòng LĐTBXH hỗ trợ việc này, mẹ con chị N xảy ra chuyện, không ai chịu trách nhiệm. Đến lúc này thì chúng tôi hiểu, lý do vì sao mà hơn 10 năm qua, hai con người khốn khổ ấy phải sống với một thế giới riêng của mình…”

Trong htư ngỏ của chị Phương Th gửi Chủ tịch UBND TP Hà Nội, có đoạn viết: “Thưa ông! Trong cuộc đời mỗi chúng ta, không ai chọn được cha mẹ cũng như nơi mình sinh ra. Chúng ta may mắn hơn khi được sinh ra trong một gia đình tử tế, được cha mẹ cho ăn học đàng hoàng để ra đời cống hiến cho xã hội. Cá nhân tôi- một đứa trẻ tỉnh lẻ sống cả một thời tuổi thơ cơ cực ở miền Tây xứ Nghệ nghèo rớt rơi, quanh năm ăn sắn ăn khoai nhưng luôn được sự yêu thương của gia đình và quan trọng là tôi luôn nhận được sự quan tâm của cộng đồng nơi tôi sinh sống. Hôm nay, khi tôi ngồi viết thư ngỏ này gửi cho ông, tôi luôn bị ám ảnh về một cô bé cao gần bằng tôi mà nó không có một tuổi thơ đúng nghĩa, đó không phải là cách nó chọn cuộc sống cho mình mà bởi hoàn cảnh đẩy đưa…

Xin thưa! Đầu tiên khi viết thư ngỏ này, là tôi viết cho chính bản thân tôi bởi khi những con chữ này tuôn ra, tôi cảm thấy mình được nhẹ lòng hơn. Tôi viết như là để nói với chính mình rằng “tôi đã cố gắng hết sức rồi”. Và quan trọng hơn, tôi cũng muốn nói các bạn của mình rằng “việc này tôi biết rất khó nhưng tôi không từ bỏ, tôi nhất định phải cứu được cô bé ấy”…

(còn nữa…)

Thành Nam

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP