Tin Hà Tĩnh

"Sống dở, chết dở" ở mỏ sắt lớn nhất Đông Dương

Dự án Mỏ sắt Thạch Khê (huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) chính thức được khởi động từ năm 2009 và nay đang phải tạm dừng vì nhiều lý do. Số phận mỏ sắt lớn nhất Đông Dương sẽ ra sao vẫn chưa thể định đoạt.

Lợi đâu chưa thấy nhưng cuộc sống của hàng nghìn hộ dân ở 6 xã vùng mỏ sắt đã bị xáo trộn: Những người ở lại thì đang phải đối mặt với nhiều khổ cực vì những hệ lụy từ việc bóc tầng phủ của mỏ sắt Thạch Khê, còn những hộ di dời nhường chỗ cho mỏ sắt thì đang phải “sống dở, chết dở” ở nơi tái định cư….

Sau nhiều năm dừng triển khai, mỏ sắt Thạch Khê giờ là một khu vực hoang tàn


Tỉnh muốn dừng, chủ đầu tư muốn tiếp tục

Theo tổng quan, dự án khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Thạch Khê (Hà Tĩnh) được quy hoạch trên diện tích gần 3.900 ha, thuộc địa bàn 6 xã của huyện Thạch Hà, gồm: Thạch Khê, Thạch Đỉnh, Thạch Hải, Thạch Bàn, Thạch Trị và Thạch Lạc. Đây được xem là mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á, ước tới hơn 540 triệu tấn, chiếm hơn 1/2 trữ lượng quặng sắt toàn quốc. Dự án do Công ty cổ phần sắt Thạch Khê (TIC) làm chủ đầu tư với kinh phí gần 10.000 tỷ đồng.

Tháng 9-2009, TIC chính thức khởi động dự án bằng việc thử nghiệm công nghệ và bóc đất tầng phủ và đã thực hiện đến độ sâu -28m, đạt 12,7 triệu m3 thì dừng lại do khó khăn về tài chính và những bất cập trong triển khai dự án.

Việc tạm dừng dự án đã ảnh hưởng đến mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh, đời sống sinh hoạt của nhân dân trong vùng. Ngày 22/12/2016, Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã phát đi bản thông báo kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về những hạn chế, bất cập tại Dự án mỏ sắt Thạch Khê.

Kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh chỉ ra rằng, mặc dù mỏ sắt Thạch Khê đã được Chính phủ, bộ, ngành Trung ương, cán bộ và nhân dân Hà Tĩnh tạo mọi điều kiện thuận lợi nhưng từ sau khi khởi công (tháng 9/2009), dự án triển khai có quá nhiều yếu kém, bất cập chưa được giải quyết. Quy mô dự án lớn, thời gian khai thác mỏ dài, nhưng năng lực chủ đầu tư quá yếu kém, không huy động đủ vốn cần thiết để triển khai dự án như cam kết; Vị trí khai thác mỏ sát biển, đánh tác động môi trường (tụt mực sa mạc hóa, phòng chống bão, siêu bão, lũ, đổ thải lấn biển, bãi thải trên bờ, xử lý nước thải, chất thải, cải tạo phục hồi môi trường sau khai thác) còn quá sơ sài, đơn giản;...

Trước những tồn tại đó, đặc biệt từ bài học về sự cố môi trường biển đã gây thiệt hại lớn cho Hà Tĩnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã kiến nghị Trung ương chưa cho khởi động lại Dự án mỏ sắt Thạch Khê khi chưa giải quyết được các tồn tại nêu trên. Ban Thường vụ Tỉnh ủy kiến nghị, cần có quy định cụ thể về thời gian rà soát, đánh giá hoàn thiện các nội dung liên quan đến dự án.

Ngày 28/2/2017, Văn phòng Chính phủ có Thông báo số 1778 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) chủ trì, phối hợp với Bộ Công thương, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND Hà Tĩnh và các cơ quan liên quan rà soát, đánh giá toàn diện các mặt về hiệu quả kinh tế, công nghệ, phương án tiêu thụ sản phẩm, thị trường, và các tác động về xã hội để đảm bảo triển khai dự án đúng quy định (kể cả vấn đề giãn tiến độ nhà máy sản xuất phôi thép 2 triệu tấn/năm)…

Tháng 7/2017, sau nhiều cuộc họp, ghi nhận ý kiến các bên, Bộ KH&ĐT đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét chủ trương cho phép dừng Dự án khai thác sắt Thạch Khê và dừng cả Dự án sản xuất phôi thép công suất 2 triệu tấn/năm tại đây.

Các lý do Bộ KH&ĐT đưa ra là năng lực tài chính của TIC sẽ không đáp ứng được nhu cầu vốn của Tổ hợp dự án theo tiến độ triển khai; đầu ra của sản phẩm về dài hạn chưa chắc chắn; báo cáo tác động môi trường được phê duyệt cách đây 4 năm, còn thiếu một số nội dung cần được đánh giá, bổ sung cho phù hợp…

Mỏ sắt lớn nhất Đông Dương này đang trở thành nơi chăn bò của dân các hộ dân


Tuy nhiên, Bộ Công thương đã đưa ra hàng loạt quan điểm chứng minh đề xuất dừng dự án là “chưa đủ cơ sở”, trong đó khẳng định cần xem xét thận trọng, tính toán đến những hậu quả, hệ lụy liên quan đến những thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng mà nhà đầu tư đã bỏ ra 10 năm nay, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư và kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp theo chủ trương kiến tạo của Chính phủ vì thủ tục pháp lý đã được làm đúng, đầy đủ theo quy định.

Phía Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam (TKV) cũng chỉ ra nhiều hệ lụy khi dừng dự án như phá vỡ Quy hoạch thăm dò khai thác, chế biến và sử dụng quặng sắt và Quy hoạch phát triển tổng thể Kinh tế - Xã hội tỉnh Hà Tĩnh đã được Thủ tướng phê duyệt. Bên cạnh đó, không phát huy được nguồn tài nguyên sẵn có để phát triển kinh tế xã hội, các cơ sở sản xuất thép trong nước mất cơ hội sử dụng nguồn quặng chất lượng cao, giá rẻ và tiếp tục phải phụ thuộc vào nguồn quặng nhập khẩu giá cao làm tăng chi phí, giá thành sản xuất dẫn đến mất lợi thế cạnh tranh với thép nhập khẩu…

Cuộc sống người dân điêu đứng…

Trong khi dự án khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Thạch Khê có tiếp tục được triển khai hay không vẫn chưa có quyết định cuối cùng thì điều dễ nhận thấy hiện tại khu vực mỏ này là một bãi cát hoang tàn, cuộc sống của hàng ngàn hộ dân bị đảo lộn, hàng ngày họ phải đối mặt với cảnh túng thiếu, bệnh tật đe dọa.

Theo báo cáo của UBND huyện Thạch Hà, do quy hoạch mỏ sắt nên cơ sở hạ tầng thiết yếu của nhiều xã không được tu sửa, xuống cấp nghiêm trọng. Nhà dân từ lâu không được xây dựng, sửa chữa, nhiều hộ hoàn cảnh rất khó khăn, nhà cửa dột nát. Nhiều gia đình bị thu hồi hết đất sản xuất (hoặc phần lớn đất canh tác) trong khi chưa có phương án tái định cư, chưa chuyển đổi nghề nghiệp. Riêng xã Thạch Hải theo qui hoạch toàn xã phải di dời, đến nay có trên 110 hộ dân rất cấp thiết phải cấp đất tách hộ (có nhiều hộ dân sống chung 4 thế hệ trong một nhà) nhưng không có quỹ đất. Xã Thạch Bàn có trên 50 hộ dân thôn Đồng Thanh cấp thiết phải di dân tái định cư (sát moong mỏ) nhưng khu tái định cư Thạch Bàn II chưa hoàn thiện...

Là địa phương bị ảnh hưởng trực tiếp nhiều nhất bởi dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê, ông Nguyễn Văn Hồng – Chủ tịch UBND xã Thạch Đỉnh không giấu được sự lo lắng: “Hơn 7 năm sống ở khu vực mỏ, cuộc sống người dân đang rất vất vả. Mùa nắng thì hạn hán, cát bay. Trồng cây gì cũng cằn cỗi. Mưa xuống, nước ở khu vực mỏ đục ngầu không sử dụng được. Hiện người dân không biết dự án tiếp tục hay dừng, các phương án hỗ trợ đến chính sách giúp đỡ người dân cũng không có…”.

Nguồn nước giếng khoan nhiễm phèn, cây cối chết khô, ruộng vườn bị vùi lấp… vì mỏ sắt Thạch Khê bóc đất tầng phủ

Theo lãnh đạo chính quyền xã Thạch Đỉnh cho biết, toàn xã có 96 hộ dân phải di dời, 331ha đất nông nghiệp và đất ở bị thu hồi để phục vụ dự án. Sau khi về nơi tái định cư, rất nhiều gia đình đã rơi vào cảnh “ăn không ngồi rồi” vì không có đất canh tác, không có việc làm, bởi trước đó, họ chỉ bám vào ruộng vườn để sinh sống. Giờ mỏ sắt tạm dừng triển khai, nhiều hộ dân đã quay về khu vực đất cũ để tìm đường sống.

“Các kế hoạch, lộ trình đã công bố của Dự án đều không được thực hiện. Dự án triển khai quá chậm, trong khi đời sống nhân dân ngày càng sa sút, đi không được, ở không xong, kế hoạch di dời không rõ ràng...”, ông Nguyễn Quốc Hương - Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Hà nói về việc triển khai dự án ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân địa phương.

Dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê ảnh hưởng trực tiếp đến 6 xã ven biển của huyện Thạch Hà với 5.928 hộ dân bị ảnh hưởng trực tiếp.

Đến nay, Dự án đã giải phóng mặt bằng 830,1 ha, trong đó 741,3 ha thuộc khu vực mỏ và bãi thải, 88,8ha thuộc công trình hạ tầng tái định cư.

Tổng kinh phí đầu tư cho dự án đến nay đạt 1.798,29 tỉ đồng, trong đó giá trị đầu tư xây dựng cơ bản 1.287,9 tỉ đồng, giá trị thực hiện giải phóng mặt bằng và tái định cư 387,76 tỉ đồng.

Tác giả: Văn Tuân

Nguồn tin: Báo Bảo vệ Pháp luật

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP