Tin Hà Tĩnh

Rác thải ở Hương Khê- Hà Tĩnh: Bao giờ có lời giải?

Mỗi ngày có khoảng từ 13-14 tấn chất thải rắn được thải ra từ thị trấn Hương Khê(Hà Tĩnh) nhưng không có bãi xử lý đáp ứng điều kiện vệ sinh môi trường. Hơn sáu tháng nay, rác thải cứ thế lê lết khắp mọi nơi, ngõ ngách, đường giao thông, khu dân cư và thậm chí rác thải ở Hương Khê còn được "đóng gói" theo tàu vào Nam.

Ô nhiễm nghiêm trọng

Cách đây hơn sáu tháng, rất đông người dân ở gần bãi rác Trại Lợn (thị trấn Hương Khê) đã tập trung ngăn cản không cho HTX Môi trường - Đô thị Hương Khê vận chuyển rác vào bãi tập kết. Hoạt động thu gom bị “tê liệt” khiến cả thị trấn Hương Khê ngập trong rác kéo dài, môi trường ô nhiễm nghiêm trọng.

Rác thải bủa vây khắp mọi ngõ ngách ở Hương Khê

Hình ảnh mà người dân Hương Khê hẳn không thể nào quên với nghịch cảnh trong thị trấn xuất hiện những bãi chứa rác thải bất ngờ hiện lên ở mọi nơi, từ trường học đến khu dân cư, đường giao thông…. Đó là những điểm tập kết rác tự phát, là giải pháp bị động khi không tìm được đầu ra.

“Có nhiều nguyên nhân để giải thích, nhưng điều khiến người dân mất niềm tin với cấp ủy Đảng, chính quyền là lời hứa không được thực hiện. Trước người dân, đồng chí Lê Ngọc Huấn Chủ tịch UBND huyện Hương Khê từng chia sẻ ý kiến bức xúc và hứa sẽ sớm có giải pháp xử rác thải. Cụ thể, chậm nhất đến tháng 5 năm 2017 dự án bãi xử lý rác thải rắn ở xã Hương Thủy sẽ hoàn thành…”, Ông Trần Xuân Hào, một người dân nói.

Thế nhưng, đến hạn dự án công trình xử lý rác thải tập trung mới chưa hoàn thành, UBND huyện đã có thông báo “gia hạn” tiếp tục sử dụng bãi rác Trại Lợn để tập kết rác thải của địa phương. Người dân đã không đồng thuận việc làm này do bãi rác quá tải, không thể tiếp tục sử dụng nên đã tìm cách ngăn cản.

Nằm la liệt ngay giữa trung tâm thị trấn

Theo báo cáo của UBND thị trấn Hương Khê, mỗi ngày có khoảng 13-14 tấn rác thải rắn được thải ra trên địa bàn. Với số lượng lớn như vậy nhưng bãi rác Trại Lợn đã không thể tiếp nhận, bãi rác thay thế chưa có. Nghĩa là rác thải bị tồn đọng ở những bãi rác tạm, trong khu dân cư. Rác không được thu gom, ứ đọng bủa vây cả thị trấn khiến cho môi trường luôn trong tình trạng ngột ngạt mùi hôi thối, mất cảnh quan.

Ông Nguyễn Văn Hoàn- Người dân thị trấn Hương Khê cho biết: Rác chất đống nhiều ngày phải tìm cách tự đốt tại chổ, những hộ không có phương án xử lý thì tập hợp đóng gói tuồn ra đường. Nỗi khiếp sợ nhất là vào những ngày mưa, rác không đốt được nên nằm lê lết khắp nơi, ruồi nhặng, mùi hôi thối bủa vây. Không còn cách nào khác, thậm chí một số người dân ở Hương Khê còn đóng rác thải vào bì, túi ni long treo lên tàu vào nam để tìm cách tháo gỡ.

Người dân Hương Khê "gửi rác" theo tàu vào nam

Bãi rác Trại Lợn đóng cửa, hoạt động của HTX môi trường thị trấn Hương Khê cũng gặp bế tắc do không có nơi để xử lý rác. Đã nhiều lần người dân chặn xe không cho đổ vào bãi rác vì đã quá sức chịu đựng hay bãi rác tạm không đảm bảo vệ sinh môi trường. Người dân ở đây kiến nghị dù là bãi tập kết rác tạm thời, nhưng cơ quan quản lý phải đảm bảo vệ sinh môi trường, đảm bảo an toàn cho sức khỏe của họ.

Thách thức phải vượt qua

Hơn mười năm qua, có không ít nhà đầu tư đã đến tìm hiểu để đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác thải ở Hương Khê nhưng đến thời điểm này chưa có dự án nào được triển khai đưa vào sử dụng. Nguyên nhân chính là không thống nhất được các điều kiện về công nghệ, vị trí, hiệu quả kinh tế khi nhà máy đi vào hoạt động. Sau khi bãi rác Trại Lợn ở xã Gia Phố đóng cửa thì thị trấn Hương Khê đối mặt với tình trạng ùn ứ rác thải.

Rác thải được tập kết ở khu vực quy hoạch trung tâm hành chính huyện Hương Khê

Hương Khê đã quy hoạch, triển khai xây dựng dự án khu xử lý rác thải tại xã Hương Thủy. Thế nhưng, hoạt động triển khai dự án được một thời gian thì người dân địa phương quyết liệt ngăn cản không cho thực hiện do gần khu dân cư.

Để xử lý vấn đề bức bách, ngoài việc các xã, thị trấn tự lo nơi đổ rác, thị trấn Hương Khê đã được UBND huyện đồng ý lấy tạm đồi Phúc Sy, nơi đã được quy hoạch xây dựng khu hành chính cấp huyện làm nơi tập kết rác tạm thời. Đồng thời, Hương Khê tập đầu tư xây dựng hệ thống lò đốt rác tại Hương Trạch.

Ông Phan Quốc Lập- Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Hương Khê cho biết: Việc lấy đồi Phúc Sy làm bãi tập kết đó chỉ là phương án tạm thời để giải quyết lượng rác thải ứ đọng, chờ khi nhà máy xử lý được xây dựng hoàn thành sẽ cho di chuyển. Tất nhiên việc tập kết rác dù tạm thời nhưng vẫn được cơ quan chuyên môn triển khai các bước, yêu cầu kỹ thuật đảm bảo vệ sinh môi trường khu vực xung quanh”.

Thừa nhận việc giải quyết vấn đề rác thải ở Hương Khê của cơ quan chức năng đang gặp nhiều bị động, thời gian qua môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng. Ông Lập cho rằng, đây là một thách thức lớn, không thể để thực trạng kéo dài mà cần phải vượt qua.

Mặc dù đồi Phúc Sy chỉ cho phép tập kết rác tạm thời đến tháng 9/2017 nhưng đến nay phương tiện vẫn ra vào đổ rác

“Để giải quyết được vấn đề rác thải ở Hương Khê cần sự vào cuộc của các cấp, các ngành một cách quyết liệt. Không ai muốn bãi rác nằm ở khu vực gần mình nên sự cố gắng của cơ quan chức năng chưa đủ mà rất cần sự chia sẽ, giúp sức và đồng cảm của người dân…”, ông Phan Quốc Lập nói.

Liên quan đến vấn đề rác ở Hương Khê, ông Phan Lam Sơn- Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh cho rằng: “Đây không phải là địa phương có lượng rác thải lớn, tuy nhiên, thời gian qua do bãi rác thải được quy hoạch xây dựng ở xã Hương Thủy gặp nhiều vướng mắc, không đảm bảo tiến độ.

“Để xảy ra tình trạng rác thải tràn ngập thị trấn Hương Khê trách nhiệm chính thuộc về địa phương. UBND huyện Hương Khê thiếu chủ động, lúng túng trong giải quyết. Đến khi để rác ứ động, chôn lấp tại một số điểm không phù hợp khiến người dân bức xúc…”, ông Sơn nói.

Rác thải ở Hương Khê gây ô nhiễm môi trường, dư luận bức xúc, câu hỏi đặt ra là đến bao giờ mới có lời giải ? Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Ngọc Sơn giao Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, xem xét tích cực phối hợp với địa phương nhanh chống giải quyết tình trạng rác thải tồn động, hướng dẫn triển khai xây dựng cơ sở xử lý rác thải đảm bảo môi trường.

Tác giả: Đức Cảnh

Nguồn tin: Báo Tài nguyên và Môi trường

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP