Giáo dục

Quan chức bức xúc con bị nâng điểm: Minh oan thế nào?

Chỉ bức xúc là chưa đủ, các cán bộ có người thân là thí sinh bị sửa điểm vần phải có nhiều hành động cụ thể để làm mình chứng.

Điều cần nhất...

Ngày 16/4/2019, trước bức xúc của nhiều quan chức ở các tỉnh về chuyện con bị nâng điểm, phủ nhận chuyện can thiệp, nâng điểm cho con trong kỳ thi THPT Quốc gia 2018, ông Trần Quốc Thuận - nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, hành động này chưa thể khẳng định việc các lãnh đạo, cán bộ có can thiệp vào bài thi của con, cháu họ hay không.

Ông Thuận cho biết: "Việc con cái của lãnh đạo nằm trong danh sách những thí sinh có bài thi bị sửa chắc chắn sẽ làm ảnh hưởng đến danh tiếng của bố mẹ. Dù sao thì người làm cha, làm mẹ cũng phải nhận trách nhiệm về mình. Nếu không phải trách nhiệm về mặt quản lý nhà nước thì là trách nhiệm của người bố, người mẹ với con cái. Chính vì thế, không thể nói như mình vô can khi con mình có bài thi sửa điểm".

Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cũng đặt ra giả thiết, có thể những đối tượng trực tiếp sửa điểm thực hiện hành vi vì xu nịnh khi biết thí sinh có số báo danh đó là con của các bộ đương chức, khi đó vị lãnh đạo sẽ không biết con mình được nâng điểm.

Một cán bộ trong đường dây nâng điểm thi tại Sơn La bị bắt.

"Đối với những bị lãnh đạo trong trường hợp này cần phải có hành động cụ thể, tích cực đề nghị công khai, minh bạch danh sách thí sinh và phụ huynh liên quan, đề nghị cơ quan điều tra làm rõ từng lai khai của đối tượng, đồng thời bản thân cũng phải phối hợp tốt với cơ quan điều tra để minh oan cho mình..." - ông Thuận đưa ra lời khuyện.

Theo ông Thuận, vụ việc sửa điểm thi ở một số tỉnh đã điều tra được 2 giai đoạn đầu khi xác định đối tượng phạm tội chính, danh sách thí sinh được nâng điểm. Đến giai đoạn thứ 3 cần phải điều tra, làm rõ có sự tác động của các bậc phụ huynh để nâng điểm cho con cháu mình hay không.

Ông Thuận cho hay: "Để xác định được việc này thì cơ quan điều tra sẽ dựa trên chứng cứ thu thập chứ không phải cứ nói có tội là cố tội, không có tội là không có tội. Chính vì thế, cần phải công khai kết luận điều tra để dư luận được rõ".

Đồng quan điểm, TS Lê Trường Tùng - Chủ tịch HĐQT Trường Đại học FPT cũng cho rằng, các lãnh đạo có con em nằm trong danh sách bài thi bị sửa muốn minh oan thì cách tốt nhất là chủ động đề nghi công khai, minh bạch mọi thông tin liên quan đến quá trình điều tra vụ án.

Bản thân mỗi lãnh đạo cũng cần phối hợp tích cực với cơ quan điều tra, các cơ quan trong tỉnh cũng cần tạo điều kiện để cho đồng nghiệp của mình minh oan trước những nghi vấn của dư luận. Có như thế mới lấy lại được sự tin tưởng.

Quan chức chịu oan khi con bất ngờ nằm trong danh sách thí sinh có bài thi sửa điểm? (Ảnh minh hoa: Tuổi trẻ)

Bằng chứng đâu?

Luật sư Phạm Văn Hướng cho rằng, trong vụ việc sửa điểm thi, người dân quan tâm nhất là việc có sự tác động của các bị lãnh đạo, cán bộ để thay đổi điểm của con cháu mình hay không? Nếu có thì đây sẽ là hành vi đưa hối lộ và nhận hối lộ.

Theo ông Hướng, để buộc tội một người có hành vi hối lộ thì cơ quan điều tra cần phải có bằng chứng cụ thể. Nếu người nhận hối lộ và đưa hối lộ không thừa nhận hành vi phạm tội thì cũng khó có thể xác định tội danh.

Ông Hướng phân tích: "Tội danh đưa, nhận hối lộ có thể được xác định dưới bằng chứng thông tin trao đổi giữa các bên với nhau (quan điện thoại, trực tiếp được sao lưu, lưu trữ, ghi âm lại), tiền bạc (chuyển khoản, đưa tiền mặt phải có người làm chứng)...

Tuy nhiên, việc này cũng khó có thể xác định bởi bên đưa và bên nhận hối lộ hoàn toàn có thể hợp thức hóa khoản tiền này bằng việc nhận đó chỉ là chuyện vay mượn cá nhân, tin nhắn trao đổi có thể được xóa hoặc một trong hai bên lấy lý do điện thoại hỏng, mất rồi thay điện thoại mới thì cơ quan chức năng khó xác định được bằng chứng".

Đồng quan điểm, luật sư Nguyễn Văn Nam thừa nhận, việc dư luận nghi ngờ có tình trạng "con ông cháu cha" trong vấn đề sửa điểm thi THPT Quốc gia 2018 tại một số tỉnh thành không phải không có cơ sở. Nhưng đó chỉ là nghi ngờ, nếu không có bằng chứng thì không thể kết luận được có hành vi này.

Ông Nam cho biết, thông thường trong các vụ án có hành vi đưa, nhận hối lộ, những người liên quan, trong diện tình nghi thường phủ nhận việc này bởi nếu thừa nhận có thể sẽ phải chịu mức án nặng hơn vì thêm tội danh. Tuy nhiên, cũng có trường hợp sẽ nhận được khoan hồng nếu khai báo thành khẩn, buộc phải nhận hối lộ khi người đưa hối lộ tạo sức ép bằng nhiều cách khách nhau.

Mặc dù vậy, người nhận hối lộ cần đưa ra được bằng chứng chứng minh. Nếu không có thể sẽ bị khép vào tội vu khống.

"Những điều này sẽ được cơ quan điều tra làm rõ. Trong vụ việc sửa điểm thi tại một số tỉnh biểu hiện yếu tố có tổ chức, các đối tượng dù có kín kẽ đến mấy cũng sẽ để lại những bằng chứng" - ông Nam nhận định

Tác giả: Vân Nam

Nguồn tin: Báo Đất Việt

  Từ khóa: Quan chức , nâng điểm , minh oan

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP